Ảnh minh họa
Khi lũ nhấn chìm tỉnh Sindh (Pakistan) năm 2022, gia đình của Sajida, khi đó là nữ sinh viên y khoa 20 tuổi, mất trắng nhà cửa, ruộng vườn. Họ phải sống chen chúc trong lán tạm giữa vùng ngập. Cô chia sẻ, gia đình mình không có thức ăn trong 15 ngày, cả nhà bị sốt rét mà không thể tới bệnh viện. Sajida buộc phải nghỉ học, từ bỏ ước mơ trở thành bác sĩ.
Trận lũ lịch sử tại Pakistan vào năm 2022 đã khiến hơn 33 triệu người mất nhà cửa, sinh kế, thậm chí là người thân. Những câu chuyện như của Sajida vì vậy không phải là hiếm. Khi thiên tai xảy ra, những người nghèo và ít có khả năng tự vệ là nhóm chịu tổn thương trước tiên, phần lớn trong số đó là phụ nữ.
Tác động bất cân xứng lên phụ nữ và trẻ em gái
Báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cùng nhiều tổ chức quốc tế cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu không phân bổ đều giữa các nhóm xã hội.
Phụ nữ và trẻ em lấy nước uống từ một khu vực ngập nước ở Dhaka, Bangladesh Ảnh: Alamy
Phụ nữ, đặc biệt ở "Nam bán cầu" (Global South), đang phải đối mặt với những thách thức đan xen. Phụ nữ chiếm phần lớn trong nhóm người nghèo toàn cầu và có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào tài nguyên thiên nhiên để kiếm sống. Khi đất đai bạc màu, nước sạch khan hiếm, hay mùa vụ thất thường do khí hậu, họ là nhóm bị ảnh hưởng trước tiên.
Không chỉ sinh kế, sức khỏe sinh sản của phụ nữ cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Nhiệt độ tăng, không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu, trẻ nhẹ cân. Sau thiên tai, việc thiếu nước sạch và trạm y tế khiến nguy cơ tử vong mẹ và bé tăng cao. Phụ nữ mang thai, người già, người khuyết tật là những nhóm ít được tiếp cận cứu trợ nhất trong các đợt sơ tán khẩn cấp.
Theo Liên hợp quốc, khi tình hình thời tiết cực đoan diễn ra, tình trạng bất bình đẳng giới trở nên tồi tệ hơn: Bạo lực gia đình tăng đột biến, trẻ em gái bị buộc nghỉ học hay kết hôn sớm; phụ nữ, trẻ em gái buộc phải dời khỏi nhà, đối mặt với nguy cơ bóc lột tình dục và buôn người cao hơn.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, số vụ giết người với nạn nhân là phụ nữ tăng 28% trong các đợt nắng nóng. Những tác động này ảnh hưởng nặng nề nhất ở các cộng đồng nơi phụ nữ vốn đã phải đối mặt với bất bình đẳng sâu sắc.
Đâu là tiếng nói cho người dễ bị tổn thương?
Mặc dù chịu nhiều thiệt thòi hơn, phụ nữ lại gần như không có tiếng nói trong việc hoạch định chính sách khí hậu. Việc ít được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến phụ nữ khó tiếp cận các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực của các chính phủ hay các tổ chức phi chính phủ.
Phụ nữ là đối tượng quan trọng hàng đầu trong chính trị “xanh” trên thế giới. Trong ảnh là bà Carla Denyer (giữa), đồng lãnh đạo của Đảng Xanh tại Anh và các ứng viên, người ủng hộ trước cuộc tổng tuyển cử - Ảnh: Getty Images
Họ cũng không được nhận nguồn tài chính khí hậu vì không có tài sản thế chấp. Ở nhiều nước, phụ nữ không được tham gia các tổ đội phòng, chống thiên tai ở cấp làng xã, làm suy yếu khả năng phục hồi của cả cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu.
Theo giới nghiên cứu, điều này bắt nguồn từ cách tiếp cận lâu nay của chính sách khí hậu toàn cầu. Dữ liệu khí hậu chủ yếu dựa vào đo lường vật lý (nhiệt độ, lượng mưa, CO2…), mà ít xét tới yếu tố xã hội. Vì vậy, những bất công về giới, chủng tộc hay giai cấp xã hội thường bị bỏ qua.
Tiến sĩ Friederike Otto, chuyên gia khí hậu tại Đại học Imperial College London (Anh), nhận định: "Điều quan trọng tôi học được từ các sự kiện thời tiết khắc nghiệt là cuộc khủng hoảng khí hậu phần lớn được hình thành bởi sự bất bình đẳng và bị định hình bởi quyền lực thực dân và gia trưởng. Điều này cũng ngăn cản việc theo đuổi nghiêm túc việc bảo vệ khí hậu".
Sự bất công thể hiện rõ khi so sánh giữa các quốc gia. Những nước phát thải nhiều nhất, như Mỹ hay châu Âu, có đủ năng lực bảo vệ công dân. Trong khi đó, các nước nghèo, dù gần như không gây ô nhiễm, lại phải chịu những thiệt hại nặng nề và phải chật vật xin viện trợ để phục hồi.
Chủ thể của hành động
Dù vậy, những người phụ nữ vẫn đang nỗ lực đấu tranh và giữ vai trò quan trọng trong các sáng kiến bảo vệ môi trường ở cấp độ cộng đồng.
Tại Tumaco (Colombia), một nhóm phụ nữ mò sò ("conchera women") đã tự tổ chức trồng lại rừng ngập mặn để cứu hệ sinh thái ven biển. Ở Bangladesh, bà Sabita, 38 tuổi, là trưởng nhóm ứng phó khẩn cấp của làng.
Sau khi được tổ chức ActionAid đào tạo, bà đã dẫn dắt việc sơ tán 500 người dân khi một cơn bão tấn công vào năm 2013, sau đó giúp cộng đồng xây dựng lại nhà cửa và sinh kế.
Các nghiên cứu tại Thụy Điển, Rwanda và Nepal cho thấy, nơi nào phụ nữ tham gia quản lý tài nguyên thì rừng được giữ tốt hơn, hay nguồn nước sạch được bảo đảm tốt hơn. Tại quốc gia có tỷ lệ nữ nghị sĩ cao, các chính sách khí hậu cũng có xu hướng được thông qua và triển khai quyết liệt hơn.
Với vai trò truyền thống gắn liền với đất đai và tài nguyên, đặc biệt là ở cộng đồng nông thôn và bản địa, phụ nữ còn sở hữu kiến thức quý báu về môi trường địa phương, các hình thái thời tiết và cách thích ứng.
Tuy nhiên, để phụ nữ có thể đóng góp hiệu quả, họ cần được trao quyền thực sự thay vì những chính sách mang tính hình thức. Để đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai công bằng, cần có những hành động quyết liệt và mang tính chuyển đổi, đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của các cuộc thảo luận.
Theo các tổ chức quốc tế, cải thiện dữ liệu được tách biệt theo giới tính (sex-disaggregated data) là bước đi quan trọng để thiết kế chính sách phù hợp. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính và việc thường xuyên chia sẻ kiến thức.
Ngoài ra, cũng cần tránh việc đồng nhất hóa trải nghiệm của các nhóm phụ nữ mà phải xem xét sự đa dạng và các yếu tố xã hội khác (như thu nhập, dân tộc, tình trạng khuyết tật, giới tính và bản dạng tính dục) ảnh hưởng đến mức độ dễ bị tổn thương và khả năng phục hồi.
Vì vậy, cần đầu tư vào giáo dục khí hậu, tập trung vào phụ nữ ở cấp cơ sở và trao quyền cho phụ nữ tham gia quá trình ra quyết định.
Các sáng kiến này có thể bao gồm các buổi hội thảo để thay đổi nhận thức về vai trò giới, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan quản lý tài nguyên, đặc biệt là đưa phụ nữ vào các vị trí ra quyết định, từ chính quyền địa phương đến đoàn đàm phán quốc tế.
Quyền tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực cũng cần được đẩy mạnh, bao gồm quyền sở hữu đất đai và nguồn tài chính khí hậu
Phụ nữ, với kiến thức, kinh nghiệm và vai trò quan trọng trong gia đình và cộng đồng, là "chìa khóa" để xây dựng khả năng phục hồi và dẫn dắt các nỗ lực ứng phó hiệu quả. Đầu tư vào phụ nữ là đầu tư vào một tương lai bền vững và công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Đức Dũng (Tổng hợp)