Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960 ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3/2/1930, đúng vào thời khắc thiêng liêng của sự giao hòa đất trời và lòng người; giữa mùa Xuân và xã hội. Chắc hẳn sự kiện thiêng liêng này không phải là tình cờ, ngẫu nhiên mà là sự hội tụ của hồn thiêng sông núi, của đất trời và lòng dân đất Việt, của dân tộc và thời đại; phản ánh sự vận động, phát triển chín muồi của các điều liện khách quan và nhân tố chủ quan. Đây là sự lựa chọn của lịch sử, mang tính quy luật khách quan bởi sự vận động, phát triển chín muồi của phong trào yêu nước của nhân dân ta những năm đầu thế kỷ XX với sự xuất hiện của 3 tổ chức cộng sản ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; bởi ý chí, quyết tâm chống giặc ngoại xâm của người dân đất Việt đã dâng cao ngút trời; bởi sự giác ngộ cách mạng và sự hiểu biết lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin về sự cần thiết phải đánh đổ quân xâm lược, cứu lấy giống nòi; giành lại quyền sống của nhân dân, sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và trở thành sức mạnh “dời non, lấp biển” của dân tộc. Nhờ đó, “ý Đảng - lòng dân” hòa quyện vào nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo nên mùa Xuân - cách mạng; niềm tin - lẽ sống; trở thành vũ khí “bách chiến bách thắng” của quân và dân ta.
Trải qua 95 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đánh thắng các đội quân xâm lược nhà nghề, hùng mạnh là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân bành trướng; cùng với đó là “giặc đói, giặc dốt”, “giặc nội xâm”; xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, bất công; hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc; thống nhất đất nước; đưa cả nước đi lên CNXH. Ngay sau đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Để kháng chiến, kiến quốc thắng lợi, Đảng ta đặc biệt quan tâm chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đề cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; giúp họ tu dưỡng đạo đức cách mạng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, ra sức “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc đúng như lời căn dặn của Bác Hồ, làm cho đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trước nhân dân và dân tộc; luôn phấn đấu để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, không có con đường nào khác là trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Nhấn mạnh về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Yêu mến, ghi nhận và tôn vinh quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng nước ta là Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã gọi Đảng với tình cảm thân thương, trìu mến “Đảng ta!”.
Ca ngợi về các giá trị của Đảng “là đạo đức, là văn minh”, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và nhân dân ta đã ví Đảng là “Mẹ hiền”, “Đảng là mùa Xuân của đất nước”, của con người, là lẽ sống, niềm tin và tình yêu cuộc sống. Điều ấy thật ấm áp, chân tình và giản dị nhưng vô cùng độc đáo, sâu sắc và rất đỗi tự hào. Nhìn lại 95 năm qua cũng là 95 mùa Xuân đất nước, Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; đem đến mùa Xuân hạnh phúc cho nhân dân. Với ý nghĩa đó, Đảng và mùa Xuân đồng hành cùng dân tộc Việt Nam với sự kết tinh và hội tụ đầy đủ, sâu đậm “ý Đảng, lòng dân”, thắm đượm tình người, hàm chứa nét đẹp văn hóa của dân tộc, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Nhận thức sâu sắc sứ mệnh lớn lao của Đảng trước nhân dân và toàn thể dân tộc khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sau 40 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới thành công, Đảng ta nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi và sớm “về đích” tất cả các mục tiêu mà Đảng đã đề ra, lập thành tích chào mừng 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Trong đó, phấn đấu: “Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(1).
Muốn vậy, Đảng phải tiến hành đồng thời nhiều nội dung giải pháp quan trọng mà Cương lĩnh và các Văn kiện Đại hội XII, XIII và XIV của Đảng đề ra. Trong đó, vận dụng quan điểm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Vấn đề hàng đầu, quyết định việc kế thừa, vận dụng sáng tạo quan điểm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đó là kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới. Trong mọi hoàn cảnh, phải giữ được bản chất giai cấp công nhân của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Coi trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; trong đó, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng, nhất là trong việc tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; đặc biệt phải chuẩn bị chu đáo đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phụ trách Nhóm Chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, Bộ Quốc phòng
.....................
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, tr.36.