1-NĂM mươi năm, lấy cột mốc từ ngày 30/4/1975 lịch sử, thì đất nước này có biết bao điều để nói. Một thiên Anh hùng ca tiếp nối những giai điệu bi tráng trong suốt hàng trăm năm không khuất phục kẻ thù, giữ vẹn bờ cõi. Nửa thế kỷ thống nhất đất nước, có thể coi là hòa bình, sống độc lập, không bị cai trị dưới bất cứ gót giày ngoại bang nào, thế nhưng công cuộc xây dựng không phải là thuận buồm, xuôi gió; biết bao phong ba, bão tố liên tục kéo đến, nhiều lúc cứ ngỡ con thuyền độc lập nhỏ bé sẽ bị dập vùi trong các đại họa, sẽ đẩy cuộc sống muôn dân vào cảnh cùng cực, đói nghèo không lối thoát. Thử thách là thử thách! Thử thách càng bồi đắp thêm phẩm chất thông minh, kiên cường của một dân tộc có bề dày giữ nước và dựng nước, như chí sĩ Phan Bội Châu đã từng viết: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/Anh hùng, hào kiệt có hơn ai...”.
Quang cảnh hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm giải phóng
2- Tôi sinh trưởng ở Sài Gòn, khi rời ghế nhà trường được may mắn làm nghề cầm bút nên có điều kiện đi khắp giang san mà khai trí, ngắm nhìn, thấu hiểu phần nào cuộc sống của đồng bào muôn phương, nhất là ở cái thành phố đã nuôi nấng mình nên người. Sài Gòn trước đây và TPHCM sau này đã khác xa lắm, chỉ riêng về diện tích, TPHCM đã lớn hơn Sài Gòn gấp 30 lần (hơn 2.095 km2 so với 67,5 km2); nổi tiếng là “đất lành, chim đậu”, dân số của mảnh đất “nắng ấm phương Nam” này cũng gia tăng không ngừng, từ 4 triệu người vào năm 1975, nay đã ngót nghét tròn 10 triệu. Đất như thế, người như thế, nên cái thành phố trẻ này luôn chứng tỏ sức mạnh về kinh tế, là đầu tàu không chỉ kéo “các toa” miền Nam mà luôn có vai trò “tiên phong” trong việc thực hiện các chủ trương về quốc kế, dân sinh, đóng góp cho quốc gia những chỉ số đáng kể: năm 2024 tổng thu ngân sách đạt 502.000 tỷ đồng, đóng góp 27% ngân sách cả nước... nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 7.600 USD/ năm (bình quân cả nước là 4.500 USD). Theo đà phát triển hiện nay, mục tiêu thu nhập trung bình ở mức cao của người dân thành phố Anh hùng sẽ không còn xa nữa.
3- Trên phát triển bề nổi của TPHCM hôm nay, không thể kể hết bao nhiêu công trình đột phá, mang tính quốc kế dân sinh, văn minh, hiện đại, thay đổi bộ mặt trước đây vẫn còn những khiếm khuyết chưa xử lý, hoàn thiện được. Ví như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một dòng chảy “đen đúa” nằm giữa lòng thành phố, đi qua rất nhiều quận trung tâm, sau khi đền bù, di dời khoảng 10.000 căn hộ sống ven kênh, bắt đầu từ năm 2000, thành phố miệt mài cải tạo, khơi thông dòng nước, mở hai con đường uốn lượn theo hai bờ kênh, đặt tên Trường Sa và Hoàng Sa, không chỉ thuận lợi trên nhiều phương diện, mà còn có thể coi đó là bức tranh sống động tiêu biểu cho “nhịp đập” thành phố.
Quang cảnh hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm giải phóng
Rồi một đại lộ to lớn, hiện đại được xây dựng trên đầm lầy và khu dân cư nghèo nàn dọc theo tuyến kênh nhơ nhớp, chạy từ đông sang tây thành phố (dài 22 km) được nối bởi chiếc hầm vượt sông Sài Gòn dài nhất Đông Nam Á, mang tên Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ, tạo nên một điểm nhấn ngoạn mục về mặt giao thông. Rồi khu dân cư sang trọng bậc nhất Phú Mỹ Hưng; khu cư dân văn minh mọc trên đầm lầy hoang hóa An Lạc - Bình Trị Đông; tuyến Logistic Nguyễn Văn Linh rầm rập xe tải vận chuyển suốt ngày đêm; con đường vô cùng lợi ích, hiệu quả, giải tỏa áp lực giao thông trên một khu vực rộng lớn mang tên Phạm Văn Đồng...
4- Nếu là cư dân lâu năm của TPHCM, có lẽ không ai quên được khung cảnh hoang sơ, nghèo nàn ở hai bên xa lộ Hà Nội, từ chân cầu Sài Gòn đến Ngã ba Cát Lái. Thực tế, sau ngày giải phóng, có một thời gian khá dài, khi qua cầu Sài Gòn hướng về phía đông, người ta vẫn còn nhìn thấy hai bên đường những mái nhà xây cất tạm bợ, hàng quán đơn sơ xen lẫn cỏ lau, bụi rậm, xa xa là những cái ao thả vịt, những cánh đồng trồng rau, nhiều hàng dừa nước mọc loằng ngoằng chạy xa tít... Cây cầu Sài Gòn (xây dựng năm 1958) dài non cây số, mặt ngang vốn không rộng, nhưng ngày càng oằn lưng tải một lượng xe khổng lồ, nhất là các loại xe tải vận chuyển hàng hóa theo hai chiều Nam - Bắc. Sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp, đến năm 2000, mặt cầu mới rộng thoáng, chia nhiều làn xe lưu thông như hiện nay.
5- TỪ năm 1997, cả hai phường nằm theo trục Xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp) là Thảo Điền và An Phú được thành lập, mở ra những hạng mục hiện đại phát triển về hướng Đông; năm 2011 khi hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn được thông xe, tạo ra một “lối thoát” giao thông cực kỳ quan trọng cho việc đi lên của thành phố, thì phần đất “đón chào bình minh” bên kia dòng Bến Nghé (Quận 2 cũ) chính thức trở mình đứng lên mạnh mẽ, sau nhiều năm tháng ngủ vùi. Cảng Cát Lái, một trong 25 cảng container hiện đại, lớn nhất thế giới, hoạt động rầm rập suốt ngày đêm, mỗi ngày có khoảng 20.000 xe tải trọng lớn ra vào, đã tạo nên một dòng chảy kinh tế tràn trề sức sống, phá tan những định kiến có vẻ thâm u một thời “Very well... quẹo Cát Lái...”. Điều đáng nói, năm 2024, tạp chí Time Out đã đưa Thảo Điền (xếp thứ 16) vào danh sách 38 khu phố thú vị nhất thế giới (Châu Á có 7 đại diện). Tiêu chí bình chọn là những điều kiện phục vụ nhu cầu dân sinh, môi trường sinh hoạt tốt, cấu trúc và xây dựng hạ tầng tạo dấu ấn riêng biệt. Nhờ vậy, trong 20.000 cư dân đang sinh sống và làm việc tại đây, có khá nhiều người nước ngoài (trên 100 quốc tịch) và họ không muốn rời bỏ nó.
Quang cảnh về đêm tại trục đường Liên Phường, đoạn từ The Global City hướng ra đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức)
6- Tôi có người bạn học cùng cấp 3, tên Lê Văn Kim, năm 1990 theo gia đình xuất cảnh sang Canada. Hồi đầu tháng 4 vừa rồi, anh về TPHCM chơi, sau hai lần ngồi trên tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên ngắm một phần cảnh quan thành phố, anh hào hứng nói với tôi: “Dĩ nhiên không phải là đã hoàn thiện, nhưng sự phát triển ngày hôm nay đã cho thấy đất nước đang lớn mạnh không ngừng. Mình đặc biệt thích sự đổi thay ngoạn mục ở khu vực từ cầu Sài Gòn đến Ngã ba Cát Lái, từ cái nơi buồn tẻ, hoang vu giờ đã thể hiện sức sống mãnh liệt, sinh động.
“Thành phố mình vẫn còn rất trẻ, diện mạo cho thấy sức bật sẽ còn vươn lên mạnh mẽ, sẽ đẹp thêm...”, Kim nói chân tình và những người từng sống lâu năm ở thành phố này cũng đều có cùng đánh giá như vậy. Riêng tôi, trong đầu lúc nào cũng ấp ủ một giấc mơ: Trong tương lai gần, viên ngọc này sẽ tỏa sáng một góc địa cầu, như tiềm lực vốn có của nó.
TRẦN TỬ VĂN