Thành lập viên HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.
Ông Cầm Văn Long, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Đảng ủy đã ban hành nghị quyết lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế; trong đó đề ra các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện. Chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất; tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; khuyến khích đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ. Đồng thời, nêu cao tinh thần gương mẫu của đảng viên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Bám sát thực tiễn, Chi bộ bản Hồng Nam đã lãnh đạo và phân công đảng viên phụ trách khu dân cư nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn nhân dân phát triển mô hình kinh tế hiệu quả. Ông Đào Mạnh Hồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Với người dân ở Hồng Nam, nhãn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Chi bộ định hướng cho bà con chuyển diện tích nhãn chính vụ sang nhãn chín sớm, rải vụ. Nhờ cách làm này, sản phẩm không bị ép giá. Hiện nay, bản có 60 ha nhãn, đều là nhãn chín sớm. Ngoài bán quả tươi, bà con còn xây dựng 50 lò sấy long nhãn. Trung bình một vụ nhãn, các hộ chế biến gần 300 tấn long nhãn, giá giao động từ 150-250 nghìn đồng/kg, sản phẩm long nhãn chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, bản chỉ còn 2 hộ nghèo.
Còn tại bản Hải Sơn, Chi bộ, Ban quản lý bản đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền, vận động bà con phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Phát huy vai trò gương mẫu của các đảng viên trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; liên kết thành lập hợp tác xã (HTX). Ngoài làm giàu cho gia đình, các đảng viên còn chủ động trao đổi, chia sẻ kỹ thuật trong cách trồng, chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả. Bản không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.
Với mục tiêu nâng cao thu nhập, năm 2017, đảng viên Đào Ngọc Bằng đã vận động 9 hộ dân ở bản Hải Sơn, Khong Tở và Púng Kiểng thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn. Hiện nay, HTX có 13 thành viên, trồng hơn 30 ha nhãn miền thiết, 5 ha nhãn ánh vàng và 3 ha cây ăn quả khác; thu nhập bình quân đạt 250 triệu đồng/thành viên/năm.
HTX đã tích cực vận động các thành viên đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; thành lập các tổ sản xuất giúp nhau kinh nghiệm sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho các thành viên đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện để áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 165 thành viên vệ tinh trồng hơn 400 ha nhãn. Sản phẩm của HTX bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng. Đến nay, HTX có 11 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và 5 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ Oganic, 24 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Úc.
Ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn, chia sẻ: Việc xây dựng mã số vùng trồng đã mang lại nhiều lợi ích, như chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý được diện tích, số lượng cây, dự báo tình hình sâu bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật và ước lượng năng suất, sản lượng... Thời điểm này, HTX đang tập trung chăm sóc, đảm bảo vụ sau đạt năng suất, chất lượng cao.
Hiện nay, xã Chiềng Khoong có 235 hộ kinh doanh, 7 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhân dân tập trung chăm sóc 1.397 ha cây ăn quả, trong đó, 60 ha được cấp mã vùng trồng xuất khẩu; duy trì đàn trâu, bò hơn 4.400 con, 7.460 con lợn, 1.450 con dê và 195.000 con gia cầm... Xã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ xã Chiềng Khoong tiếp tục lãnh đạo nhân dân tập trung thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; liên kết, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các HTX và người dân vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Trần Hiền