Đánh giá chỉ số cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình năm 2024

Đánh giá chỉ số cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình năm 2024
7 giờ trướcBài gốc
Chiều 12/5, Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tỉnh và Đề án 06 tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị đánh giá kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số hài lòng của người dân; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2024. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.
Theo đánh giá, chỉ số CCHC của tỉnh Hòa Bình năm 2024 đạt 88,18%, tăng 1,42% so với năm 2023; xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, giảm 2 bậc trên bảng xếp hạng. 4 lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể về chỉ số so với năm 2023 là: Công tác chỉ đạo điều hành về CCHC; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; Khảo sát của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; Đánh giá một số tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành về CCHC đạt 9,5/9,5 điểm, xếp thứ nhất cả nước; chỉ tiêu về xây dựng và phát triển chính quyền điển tử, chính quyền số tăng 9 bậc so với năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chỉ số CCHC năm 2024 của tỉnh còn một số lĩnh vực giảm điểm gồm: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công...
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024 của tỉnh Hòa Bình đạt 43,4778 điểm, thuộc nhóm thấp - trung bình so với 63 tỉnh, thành phố, giảm 12 bậc so với năm 2023. Song có 5/8 chỉ số nội dung tăng điểm là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. 3/8 chỉ số giảm điểm là trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công...
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu chỉ rõ vẫn còn hồ sơ chưa đồng bộ công khai trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; còn sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, tỷ lệ thanh toán trực tuyến chưa đạt tối đa 100%; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công chưa được cải thiện... Nguyên nhân là một số cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ chưa nghiêm, dẫn đến phải xử lý kỷ luật. Hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu thiết bị máy móc. Một số ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động, tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh...
Đại biểu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã giải trình rõ việc còn 4,04% tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính chưa đồng bộ, công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm...
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong thực hiện Chỉ số CCHC, Chỉ số PAPI của tỉnh thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh chất lượng công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh là khâu yếu, nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính. Thời gian tới, đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục xác định vai trò của người đứng đầu trong cải cách thủ tục hành chính; tập trung rà soát lại các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo.
Đinh Hòa
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/11/201010/danh-gia-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-tinh-hoa-binh-nam-2024.htm