Đánh giá mô hình cộng sinh công nghiệp và đề xuất thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam

Đánh giá mô hình cộng sinh công nghiệp và đề xuất thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam
2 ngày trướcBài gốc
Tổng quan về kinh tế tuần hoàn
Tính đến nay, có tới hơn 100 định nghĩa về Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng trong các tài liệu khoa học và tạp chí chuyên ngành. Sở dĩ có nhiều định nghĩa khác nhau được sử dụng là do khái niệm này được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, được thừa nhận rộng rãi nhất là khái niệm KTTH do tổ chức Ellen MacArthur Foundation (EMF) trình bày tại Hội nghị Kinh tế toàn cầu năm 2012: “KTTH là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của nó” [Ellen MacArthur Foundation (2019)].
Minh họa hệ thống kinh tế tuần hoàn – Thu hồi chủ động(Nguồn : Ellen MacArthur Foundation-2019, Towards the circular economy)
Ở Việt Nam, định nghĩa KTTH được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2020) đưa ra: “Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế tối đa hóa các giá trị của vật liệu đầu vào và giảm thiểu chất thải thông qua việc thay đổi cách mà hàng hóa, dịch vụ được thiết kế, sản xuất và sử dụng theo hướng chất thải của quy trình này có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho quy trình khác và các sản phẩm có thể được sửa chữa, tái chế, tái sử dụng thay vì thải bỏ. Từ đó, kéo dài tuổi thọ vật chất, chuyển chất thải từ điểm cuối cùng của hệ thống trở lại điểm đầu, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường” [Bùi Thị Hoàng Lan (2020),Phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam].
Theo đó, KTTH đề cập tới 03 vấn đề, đồng thời cũng chính là 03 nguyên tắc sau:
Tránh lãng phí và ô nhiễm ngay từ đầu: Bảo tồn và tái tạo các nguồn lực tự nhiên - Thông qua việc kiểm soát và sử dụng hợp lý các tài nguyên, hạn chế sử dụng tài nguyên hóa thạch và tăng cường sử dụng nguồn lực tái tạo.
Kéo dài vòng đời của sản phẩm, nguyên vật liệu: Tối ưu hóa lợi ích của tài nguyên - Bằng cách thiết kế các vòng tuần hoàn của sản phẩm và vật liệu trong các chu trình kỹ thuật và sinh học.
Thúc đẩy tái tạo các hệ thống tự nhiên: Hạn chế ngoại tác tiêu cực của việc khai thác và sử dụng tài nguyên - Thông qua việc nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát chất thải, ô nhiễm môi
Sự khác biệt giữa kinh tế tuần hoàn và kinh tế tuyến tính
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) sự khác biệt giữa mô hình kinh tế truyền thống và KTTH được thể hiện rõ nét trên các phương diện sau:
- Thứ nhất, về cách tạo ra giá trị của dòng nguyên liệu: Logic của nền kinh tế tuyến tính là chỉ nguyên liệu thô mới đi vào giai đoạn đầu tiên của chuỗi giá trị và coi rác thải là sản phẩm cần được loại bỏ; còn KTTH tận dụng các sản phẩm thải bỏ từ quy trình trước nhưng vẫn còn khả năng tái sử dụng trên triết lý “chất thải là nguyên liệu thô mới”.
- Thứ hai, về cách duy trì giá trị của dòng nguyên liệu: Theo truyền thống, nền kinh tế vận hành qua các giai đoạn chế tạo (make) - sử dụng (use) - loại bỏ (dispose). Ngược lại, nền KTTH tập trung vào việc bảo tồn giá trị của sản phẩm, bao gồm việc thực hiện tái sử dụng (reuse) - tiết giảm (reduce) - tái chế (recycle).
- Thứ ba, về giá trị cốt lõi: Nền kinh tế tuyến tính tập trung vào “sản phẩm” và sự tối đa hóa lợi nhuận; còn KTTH tập trung vào “dịch vụ” và bảo tồn giá trị.
- Thứ tư, đối với cách nhìn về phát triển bền vững (PTBV): Nếu kinh tế tuyến tính đề cao hiệu suất sinh thái thì KTTH lại giúp thúc đẩy hiệu quả sinh thái.
Theo đó, kinh tế tuần hoàn hiện nay bao gồm một hệ thống với đầy đủ các khâu sau: Thiết kế; sản xuất; tiêu dùng; quản lý chất thải; từ chất thải trở lại thành nguyên liệu. Cụ thể: Thiết kế, với mục tiêu tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng; đồng thời còn tính tới cả việc thiết kế chất thải của nó. Sản xuất, gồm có sản xuất sạch hơn, giảm phát thải và thực hiện cả tuần hoàn các nguyên liệu ngay trong khâu sản xuất. Tiêu dùng, gồm có việc cung cấp dịch vụ tốt hơn, tăng cường trách nhiệm của người tiêu dùng đối với môi trường sinh thái. Quản lý chất thải, gồm có phân loại, thu gom tại cuối vòng đời, tái chế tạo chất thải. Từ chất thải trở lại thành nguyên liệu, gồm có tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên.
Sơ đồ chuyển đổi từ mô hình Kinh tế tuyến tính đến Kinh tế tuần hoàn
Chức năng, vai trò và lợi ích của kinh tế tuần hoàn
Phát triển KTTH là xu hướng phát triển hiện nay của thế giới, không chỉ vì mục tiêu môi trường, mà còn vì mục tiêu kinh tế. Cụ thể:
- Một là, KTTH không đơn giản là xử lý và tái chế chất thải của quá trình sản xuất đang có, mà còn hướng tới việc thiết kế lại toàn bộ hệ thống, quy trình sản xuất sao cho sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên và chất thải tạo ra có thể tái sử dụng.
- Hai là, KTTH là một phương thức để nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm tài nguyên, sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, đồng thời mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong những ngành, lĩnh vực mới.
Như vậy, vai trò của KTTH không chỉ giảm thiểu những tác động tiêu cực của nền kinh tế tuyến tính, mà còn là một sự thay đổi mang tính hệ thống: Tạo ra khả năng phục hồi lâu dài, mang lại cơ hội kinh doanh cũng như những lợi ích môi trường và xã hội; Là cơ sở tiền đề để thực hiện các mục phát triển bền vững thông qua đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, giúp giảm suy thoái tài nguyên, đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai; …
* Lợi ích của việc thực hiện kinh tế tuần hoàn
Với đặc điểm cơ bản là biến rác thải của ngành (quy trình) này thành nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành (quy trình) khác, đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển KTTH còn thu hút cả các doanh nghiệp và toàn xã hội. Lợi ích cụ thể mà KTTH mang lại như sau:
- Đối với con người và môi trường:
Nền kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Nó hứa hẹn tăng thu nhập và tạo ra việc làm vì nó khuyến khích các hoạt động như mua đồ đã qua sử dụng, cho thuê thay vì sở hữu. Để đạt được một nền kinh tế tuần hoàn, nhiều ngành công nghiệp mới sẽ cần phải xuất hiện. Điều này có nghĩa là sẽ có rất nhiều công việc mới. Với sự chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, những công việc này sẽ không những được thay thế bằng các cơ hội khác, mà còn nhiều công việc hơn.
- Đối với quốc gia và khu vực:
Kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, cho cả doanh nghiệp và xã hội. Cụ thể, KTTH mang lại những lợi ích to lớn sau:
- Đối với quốc gia: Phát triển KTTH giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
- Đối với xã hội: KTTH giúp giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo thị trường mới, tạo cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe của người dân, v.v.
- Đối với doanh nghiệp: KTTH góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...Nó có thể mang lại chi phí đầu vào thấp, cũng như tạo ra các loại lợi ích mới.
Kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn
* Một số mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới
Các chuyên gia về kinh tế trên thế giới đưa ra định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn (Circular economy) là một khái niệm được hiểu thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Một số kinh nghiệm thực hiện KTTH tại các quốc gia trên thế giới như sau:
- Kinh nghiệm của Thụy Điển: Từ những năm 1990, Thụy Điển đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm, như đánh thuế cao đối với rác thải, ưu đãi xanh, và sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học. Nước này bắt đầu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với phát thải carbon thấp, thông qua việc thay đổi tư duy trong sản xuất và tiêu dùng, đồng thời áp dụng khoa học - công nghệ vào xử lý rác thải. Chính phủ Thụy Điển đã thành lập nhóm chuyên gia về kinh tế tuần hoàn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, và đầu tư nghiên cứu đổi mới trong lĩnh vực tài nguyên và chất thải. [Thu Phương (2022), “Ngành nhựa hướng đến các tiêu chuẩn tái chế và phát triển kinh tế tuần hoàn”].
- Kinh nghiệm của Pháp: Lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn của Pháp bao gồm 50 biện pháp, tập trung vào khuyến khích sản xuất các sản phẩm bền vững, dễ sửa chữa và thúc đẩy tái chế, sử dụng lại nguyên liệu. Chính phủ Pháp giảm thuế VAT xuống 5,5% cho nguyên liệu tái chế và áp dụng phạt tiền đối với các ngành không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mới. Pháp cũng tìm cách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm bền vững hơn. [Thu Trang (2019), “Cần áp dụng kinh tế nhựa tuần hoàn”].
- Kinh nghiệm của Đức: Ở Đức, nền kinh tế tuần hoàn được xây dựng theo mô hình “từ trên xuống” với Luật Quản lý Chất thải ban hành từ năm 1996. Mục tiêu chính của luật là “tuần hoàn vật liệu”, giúp giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên trong sản xuất và đảm bảo phát triển bền vững. Luật này hướng đến quản lý chất thải theo chu trình khép kín, bảo vệ môi trường và đồng hóa chất thải. Đức đã thực hiện nền kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia, thúc đẩy các mô hình giảm thiểu chất thải, tái sử dụng, tái chế, và đốt rác để sản xuất điện và nhiệt năng, cung cấp nhiên liệu cho các ngành công nghiệp. [Thu Trang (2019), “Cần áp dụng kinh tế nhựa tuần hoàn”].
- Kinh nghiệm của Hoa Kỳ: Tại Hoa Kỳ, kinh tế tuần hoàn được phát triển dựa trên tiếp cận thị trường, ví dụ là việc cấm chôn lấp rác thải điện tử ở Colorado năm 2013. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp thu gom, tái chế rác thải, bảo vệ môi trường và tạo lợi nhuận, việc làm mà không tốn chi phí cho chính quyền. Mô hình này sau đó lan rộng, giúp xử lý rác thải hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, như Wayne Huizenga và Maria Rios. [Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (2020), Hồ sơ rác thải nhựa đại dương].
- Kinh nghiệm của Trung Quốc: Trung Quốc là quốc gia điển hình trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) sau khi đối mặt với lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Năm 2008, Trung Quốc thông qua luật về KTTH, và năm 2018 ký biên bản ghi nhớ hợp tác với EU. KTTH được triển khai ở ba cấp độ: vĩ mô (thành phố, tỉnh, huyện), trung gian (khu vực cộng sinh) và vi mô (doanh nghiệp), với trọng tâm ở công nghiệp, xây dựng, hạ tầng đô thị và hệ sinh thái. Mô hình này đã được thử nghiệm từ năm 2005 tại 13 khu công nghiệp và 10 thành phố sinh thái dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia. [Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (2020), Hồ sơ rác thải nhựa đại dương].
* Một số mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Phối cảnh Vườn Hà Lan trong khuôn viên KCN Nam Cầu Kiền (TP Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Hiện nay, liên quan đến việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền KTTH, mặc dù chưa có những mô hình KTTH đầy đủ đúng nghĩa, nhưng thực tế đã có một số mô hình gần với KTTH xét theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ. Có thể điểm qua mô hình KTTH trong các doanh nghiệp ở một số ngành như sau:
- Trong ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Nhiều làng nghề truyền thống đã sử dụng các phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ quá trình sản xuất công nghiệp để tạo ra sản phẩm mới như sản xuất thép tái chế Đa Hội (Bắc Ninh); sản xuất đồ nhựa, nilon tái chế Minh Khai (Hưng Yên); đúc đồng từ phế liệu đồng ở Ý Yên (Nam Định) [Bùi Văn Huyền, Nguyễn Ngọc Toàn (2021), Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Namhiện nay].
- Nông nghiệp là một trong những ngành ứng dụng rõ nhất mô hình KTTH, hầu hết các sản phẩm, phụ phẩm, phế phẩm đều mang tính hữu cơ, thông qua quá trình biến đổi vật lý, hóa học và sinh học sẽ tạo ra các chế phẩm phục vụ trở lại sản xuất và khép kín vòng tuần hoàn. [Trần Linh Hương (2020), Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam].
- Trong trồng trọt, một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ mới, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để làm chất đốt (ép rơm, rạ thành than đun), ủ làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ hay chế biến thành thức ăn cho gia súc, gia cầm, v.v. [Trần Linh Hương (2020), Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam]
- Trong chăn nuôi, các mô hình như: trang trại vườn - ao - chuồng (VAC) hay vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) hoặc vườn - ao - chuồng - biogas (VACB) đã cho thấy rõ mô hình KTTH trong chăn nuôi với quy trình khép kín. Hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. [Trần Linh Hương (2020), Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam].
- Trong chế biến thủy sản, một số doanh nghiệp đã và đang tận dụng nguồn nguyên liệu từ phụ phẩm để sản xuất ra nhiều thành phẩm hữu ích mang lại giá trị kinh tế và lợi nhuận cao, như: chế biến đầu cá, ruột cá, xương cá, đuôi cá làm bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ [Bùi Trung (2023), Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Giải pháp hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững].
- Trong công nghiệp thực phẩm, điển hình như Nhà máy bia Heineken Việt Nam, năm 2016 đã nấu bia với 100% nguồn năng lượng thân thiện với môi trường từ nguyên liệu sinh khối là phế phẩm nông nghiệp. Heineken Việt Nam đã cắt giảm tới 50% lượng phát thải khí CO2 trong giai đoạn 2014 - 2016, không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân từ việc thu mua nguồn phế phẩm vỏ trấu để làm nhiên liệu đốt, mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng trong quá trình sản xuất của nhà máy [Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2020)].
Nhìn chung, ở Việt Nam các ngành, lĩnh vực và ở mỗi địa phương đều có những khía cạnh đã, đang và có thể ứng dụng nguyên tắc của KTTH hướng tới mục tiêu chung. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nhiều ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân và các cấp lãnh đạo, quản lý chưa có nhận thức đúng về bản chất của mô hình KTTH từ thiết kế đến triển khai, nên khó tạo ra sự đồng thuận trong việc tham mưu, đề xuất, ban hành các chủ trương thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, nước ta chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá, tổng kết và phân loại chính xác mức độ phát triển của các mô hình kinh tế đã có. Do vậy, cũng không có cơ sở vững chắc để phân loại mô hình nào là mô hình KTTH, từ đó chưa có kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp và nhân rộng [Bạch Hồng Việt (2021),Phát triển kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp ở Việt Nam, Phát triển bền vững vùng quyển 11, số 2].
Cơ chế, chính sách pháp lý về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Để hướng tới xây dựng nền KTTH, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường thông qua nhiều văn bản pháp quy, chiến lược, định hướng quan trọng :
- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 142) quy định “Kinh tế tuần hoàn” là Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và được xem là một trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường, sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế tại Việt Nam.
- Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2030, các dự án KTTH trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế.
- Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát là “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế […] hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
- Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050: Có chính sách ưu đãi đối với nghiên cứu khoa học - công nghệ và phát triển, sản xuất và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm xanh/sinh thái; Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh, bền vững. Áp dụng công nghệ phân loại, tái chế rác thải ở các khu đô thị và công nghiệp mới thành năng lượng, vật liệu xây dựng và phân vi sinh…
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả:
TS. LS. Doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền)
TS. Tạ Thị Yến (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)
Nhà báo Nguyễn Thiệu Anh (Tạp chí Kinh tế Môi trường - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam)
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/danh-gia-mo-hinh-cong-sinh-cong-nghiep-va-de-xuat-thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-trong-kcn-viet-nam-95989.html