Đánh giá tổng thể, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Đánh giá tổng thể, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
17 giờ trướcBài gốc
Phiên họp của Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực góp ý “Định hướng phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018”
Sáng 26.12, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng tiểu ban, Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đã họp góp ý “Định hướng phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Việc dạy và học dần trở lại đúng quỹ đạo
Tại phiên họp, các Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Ủy viên Tiểu ban Giáo dục phổ thông và các Tiểu ban chuyên môn thuộc Hội đồng; đại diện lãnh đạo một số Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học khối sư phạm, chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, được xây dựng, biên soạn bảo đảm theo các mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới được quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, chuyển từ giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực. Từ đó, phương pháp dạy học và đánh giá học sinh cũng có những thay đổi quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Tiểu ban Giáo dục phổ thông chủ trì phiên họp
Nhìn từ môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, chương trình Ngữ văn thể hiện khá sinh động tư tưởng và định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Việc dạy và học được đưa trở lại đúng quỹ đạo: dạy phương pháp học, học cách học, cách giải quyết vấn đề, phát huy sự chủ động, sáng tạo của người học… Đánh giá đúng được năng lực đọc và viết của học sinh, tạo ra sự công bằng và khuyến khích được năng lực sáng tạo, năng động của cả người dạy và người học”.
Các đại biểu khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tiệm cận xu thế phát triển giáo dục phổ thông trên thế giới; bước đầu cho thấy học sinh tiếp thu tốt, phát triển được năng lực, phẩm chất và phần lớn cha mẹ học sinh dành sự đồng thuận cho việc thực hiện Chương trình. “Với sự ra đời của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh không còn bị nhồi nhét kiến thức mà thay vào đó, năng lực và khả năng tư duy sẽ được hình thành theo từng cấp độ thông qua các hoạt động học tập”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định.
Nhìn từ môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, việc dạy và học dần trở lại đúng quỹ đạo
Điều kiện, thời gian chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu
Tuy nhiên, nhiều hạn chế của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện đã được thẳng thắn chỉ ra. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa đủ một số môn Ngoại ngữ; chưa có chương trình nâng cao của các môn chuyên; còn có sự bất cập về nội dung của môn học, kết quả triển khai chưa được đồng đều ở các vùng miền; công tác truyền thông về đổi mới giáo dục phổ thông chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.
Việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do điều kiện và thời gian chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu; giáo viên chưa thực sự hiểu sâu chương trình mới (như dạy học tích hợp, hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương), phương pháp phát triển năng lực; khả năng tiếp thu của học sinh không đồng đều, một bộ phận gặp khó khăn.
Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội đã đạt được thành công bước đầu, bảo đảm có đủ sách giáo khoa kịp thời phục triển khai năm học; huy động được nhiều tổ chức và đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ, uy tín, kinh nghiệm, năng lực tham gia biên soạn sách giáo khoa. Nội dung sách giáo khoa cơ bản phù hợp với mục tiêu, yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, việc thực nghiệm sách giáo khoa mới còn hạn chế, vẫn còn một số sách tập trung vào việc trang bị kiến thức, chưa chú trọng nhiều đến quá trình hoạt động hình thành tri thức của người học.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do điều kiện và thời gian chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu
Đặc biệt, các điều kiện bảo đảm để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều chưa bảo đảm. Trong đó, số lượng giáo viên chưa đáp ứng định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền.
Kinh phí để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn khó khăn. Cơ chế huy động các nguồn lực cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đầy đủ, còn nhiều vướng mắc. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng tiêu chuẩn đã ban hành.
Việc áp dụng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đồng thời ở cả 3 cấp học, ở tất cả các địa phương, cơ sở giáo dục, thực hiện đồng thời cả chương trình cũ và chương trình mới cũng gây nhiều áp lực, thách thức trong quá trình thực hiện. Nội dung kiến thức của một số môn học, bài học chưa thực sự tinh giản nên vẫn gây áp lực đối với học sinh.
Cần rà soát, đánh giá toàn diện và điều chỉnh, bổ sung phù hợp
Từ thực tiễn trên, cùng với bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, để khắc phục tồn tại, hạn chế, phù hợp hơn với thực tế, phát huy tính tối ưu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các đại biểu khẳng định, cần rà soát, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tổng thể, toàn diện chương trình.
Theo đó, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, bài học kinh nghiệm làm căn cứ để phát triển chương trình các môn học bảo đảm tính khoa học, theo xu hướng tiên tiến trên thế giới và phù hợp với Việt Nam. Tiếp tục xây dựng và ban hành bổ sung chương trình một số môn học Ngoại ngữ, chương trình nâng cao các môn chuyên trong trường THPT chuyên.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực chiến
Rà soát, đánh giá chương trình tất cả các môn học, hoạt động giáo dục đã triển khai từ năm học 2020 - 2021 đến nay, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đề xuất cách chỉnh sửa và giải pháp thực hiện. Cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực thành chuẩn chương trình...
Các đại biểu khẳng định, phát triển chương trình giáo dục phổ thông là công việc cần thiết, thường xuyên của các quốc gia, nhằm điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc phát triển chương trình hầu như không ảnh hưởng đến sách giáo khoa, bởi chương trình mới mang tính pháp lệnh, còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo.
Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực chiến, có năng lực nghiên cứu tài liệu để biên soạn, thiết kế bài giảng đáp ứng yêu cầu chương trình và phù hợp với trình độ học sinh. "Đây là điểm nghẽn cần giải quyết nếu không, chương trình hay đến mấy cũng không thực hiện được", GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, góp ý.
GS.TS.NSND. Nguyễn Thị Mỹ Lộc đề nghị phân cấp phát triển chương trình cho địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác kiểm định, đồng hành với địa phương trong quá trình triển khai, hỗ trợ kịp thời để đi đúng hướng
Bên cạnh đó, bảo đảm kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên cho giáo dục theo quy định, đặc biệt là bảo đảm tỷ lệ kinh phí thường xuyên cho các cơ sở giáo dục. Theo GS. TS. NSND. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, địa phương phải chịu trách nhiệm cung cấp đủ nhân lực, tài lực, cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông.
Chương trình là một bộ phận cấu thành, chi phối toàn bộ quá trình giáo dục phổ thông; là căn cứ tổ chức biên soạn sách giáo khoa, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, phương pháp giáo dục, thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh… Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sau 5 năm triển khai và trọn chu trình, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 là đánh giá tổng thể, toàn viện việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Tinh thần là hết sức bình tĩnh, thận trọng, không tự làm khó mình. Muốn điều chỉnh, thay đổi cái gì phải nghiên cứu kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Làm tốt công tác truyền thông, đầu tiên là trong ngành. Mấu chốt thực hiện chương trình là con người, trực tiếp là giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý.
Nhật Linh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/danh-gia-tong-the-hoan-thien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-post400384.html