Danh hiệu NGƯT được thưởng 21 triệu đồng: Gắn danh hiệu với phần thưởng tương xứng

Danh hiệu NGƯT được thưởng 21 triệu đồng: Gắn danh hiệu với phần thưởng tương xứng
8 giờ trướcBài gốc
Nghị định số 152/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/6/2025 Quy định về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng nêu, giáo viên được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” sẽ nhận mức tiền thưởng tương ứng 9 lần mức lương cơ sở. Điều này đồng nghĩa, giáo viên đạt danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" sẽ được nhận mức tiền thưởng tương đương 21.060.000 đồng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.
Theo đó, việc nâng mức tiền thưởng thể hiện sự quan tâm và ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp của đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến cho rằng cần giữ tiêu chí chặt chẽ để đảm bảo tính nghiêm túc và giá trị của danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, một số thầy cô cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng hiện nay một số tiêu chí xét tặng chưa thật sự phù hợp với cán bộ quản lý giáo dục.
Khác với giáo viên đứng lớp có thể dễ dàng minh chứng bằng số giờ giảng dạy hay kết quả học sinh, cán bộ quản lý lại chủ yếu thực hiện công tác điều hành, xây dựng kế hoạch, giám sát chuyên môn…, nên việc đáp ứng các tiêu chí về thành tích cụ thể đôi khi gặp nhiều khó khăn.
Nâng mức thưởng là hợp lý, nhưng tiêu chí thời gian đứng lớp với cán bộ quản lý còn gây băn khoăn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Khúc Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thùy Vân (phường Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” nhận mức tiền thưởng tương ứng 9 lần mức lương cơ sở là một chính sách rất ý nghĩa, thể hiện sự ghi nhận rõ ràng và kịp thời đối với những cống hiến thầm lặng nhưng vô cùng to lớn của đội ngũ giáo viên.
Cô Khúc Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thùy Vân (phường Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: website nhà trường
Theo cô Yến, danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” không chỉ là sự tôn vinh về mặt tinh thần mà còn là kết quả của cả quá trình dài nỗ lực, rèn luyện và cống hiến không ngừng nghỉ. Mặt khác, việc gắn danh hiệu này với phần thưởng tương xứng là mong mỏi của nhiều giáo viên từ lâu, bởi nó không chỉ giúp nâng cao vị thế nghề giáo trong xã hội, mà còn góp phần cải thiện đời sống, đặc biệt đối với những thầy cô đang công tác tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn.
“Năm 2023, khi được phong tặng danh hiệu ‘Nhà giáo ưu tú’, tôi nhận được mức thưởng khoảng hơn 16 triệu đồng. So với năm nay, mức thưởng đã được nâng lên khoảng 5 triệu đồng. Đối với những giáo viên ở thành thị, con số hơn 20 triệu đồng có thể không quá lớn, nhưng với giáo viên ở các vùng khó khăn, số tiền này có thể giúp họ trang trải được nhiều chi phí sinh hoạt, chăm lo thêm cho con cái hoặc đầu tư cho công việc giảng dạy.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà giáo vẫn còn một số băn khoăn về tiêu chí xét tặng danh hiệu ‘Nhà giáo ưu tú’. Theo tôi, điều kiện về thời gian giảng dạy trực tiếp đang gặp khó khăn cho nhiều cán bộ làm công tác quản lý trong ngành giáo dục. Trên thực tế, nhiều thầy cô đã có nhiều năm đứng lớp giảng dạy, sau đó chuyển sang làm công tác quản lý nhưng vẫn tiếp tục cống hiến và đạt được nhiều thành tích nổi bật. Thậm chí, không ít giáo viên sau khi trở thành tổ trưởng chuyên môn, phó hiệu trưởng hoặc hiệu trưởng, thời gian đứng lớp bị giảm đi, nên không đạt đủ điều kiện để xét danh hiệu, dù có những thành tích tiêu biểu.
Vì vậy, tôi đề xuất cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn trong các tiêu chí xét tặng, đơn cử quy đổi thời gian quản lý chuyên môn thành điểm tương đương với giảng dạy, để đảm bảo công bằng và khuyến khích tất cả các đối tượng trong ngành giáo dục”, cô Yến nêu quan điểm.
Ngoài ra, cô Yến cho biết, để Nghị định 152 thực sự đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần chủ động phổ biến thông tin đầy đủ đến đội ngũ giáo viên, giúp họ hiểu rõ quyền lợi và điều kiện đi kèm. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý trong việc xét chọn, bảo đảm tính minh bạch, công bằng.
“Nhìn chung, việc nâng mức tiền thưởng cho danh hiệu ‘Nhà giáo ưu tú’ không chỉ là khích lệ, mà còn thể hiện sự quan tâm lớn với những người đã và đang cống hiến cho sự nghiệp ‘trồng người’. Với một nghề đòi hỏi sự tận tâm như giáo dục, đôi khi chỉ một lời ghi nhận đúng lúc cũng đủ để người thầy thêm vững bước. Hơn nữa, hiện có thêm phần thưởng xứng đáng, chắc chắn sẽ tiếp thêm năng lượng cho các thầy cô tiếp tục gắn bó và cống hiến với nghề giáo”, cô Yến bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, cô Phạm Thị Cẩm Dân - Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cái Tắc (xã Đông Phước, Thành phố Cần Thơ) bày tỏ, quy định nâng mức tiền thưởng đối với giáo viên đạt danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” là chính sách phù hợp với bối cảnh hiện nay và có ý nghĩa động viên rất lớn đối với đội ngũ giáo viên cả nước.
Theo cô Dân, đây là mức tiền thưởng cao nhất từ trước đến nay dành cho danh hiệu này. So sánh với thời điểm cô được nhận danh hiệu vào năm 2023, mức thưởng hiện tại đã tăng khoảng 5 triệu đồng. Điều này thể hiện sự điều chỉnh đúng hướng trong chính sách đãi ngộ, nhất là trong bối cảnh đời sống giáo viên hiện vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
“Khi công sức được ghi nhận và thưởng bằng một cách rõ ràng, giáo viên sẽ càng có thêm động lực để tiếp tục phấn đấu.
Tuy nhiên, hiện nay tiêu chí thời gian đứng lớp trực tiếp đang trở thành rào cản với nhiều cán bộ quản lý. Thực tế cho thấy nhiều nhà giáo dù có đầy đủ bằng cấp, sáng kiến, được tín nhiệm cao, nhưng không được xét vì thiếu thời gian đứng lớp theo quy định.
Từ thực tế đó, tôi cho rằng có thể quy đổi hoặc ghi nhận thời gian làm công tác quản lý chuyên môn tương đương với hoạt động giảng dạy trực tiếp, nhằm bảo đảm sự công bằng trong đánh giá đóng góp của giáo viên ở các vị trí khác nhau trong ngành. Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách một cách minh bạch, rõ ràng là cần thiết để phản ánh đúng năng lực và sự cống hiến của nhà giáo. Theo đó, các trường cần phổ biến quy định mới đến tận giáo viên ở cơ sở, tránh tình trạng thiếu thông tin hoặc hiểu sai dẫn đến bỏ lỡ cơ hội xét tặng.
Tóm lại, việc gắn danh hiệu này với phần thưởng xứng đáng là hoàn toàn cần thiết, vừa để tôn vinh đúng người, đúng đóng góp, vừa để tạo động lực lan tỏa, giúp giáo viên thêm yêu nghề, gắn bó với ngành trong bối cảnh giáo dục đang không ngừng đổi mới và đòi hỏi ngày càng cao”, cô Dân nêu quan điểm.
“Nhà giáo ưu tú” cần tiếp tục gương mẫu, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và giáo viên trẻ
Cô Đỗ Thị Ngọc Duyên - Tổ phó chuyên môn Toán, Trường Trung học cơ sở Thốt Nốt (phường Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với quy định mới về việc tăng mức tiền thưởng cho những nhà giáo được phong tặng danh hiệu ‘Nhà giáo ưu tú’. Theo tôi, đây là một bước điều chỉnh phù hợp, thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước đối với những đóng góp lâu dài của thầy cô trong sự nghiệp giáo dục. So với thời điểm tôi được phong tặng danh hiệu này cách đây vài năm, khi mức thưởng khoảng hơn 16 triệu đồng, thì mức thưởng mới đã tăng thêm khoảng 5 triệu đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo động lực giúp giáo viên tiếp tục cố gắng thi đua”.
Cô Đỗ Thị Ngọc Duyên - Tổ phó chuyên môn Toán, Trường Trung học cơ sở Thốt Nốt (phường Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ). Ảnh: Nhân vật từng cung cấp
Theo cô Duyên, điều quý giá hơn cả là danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” mang lại cho người thầy một sự công nhận chính thức, là thành quả tinh thần xứng đáng sau nhiều năm kiên trì và tận tụy. Bởi hiện nay, để được xét tặng danh hiệu này, người giáo viên phải có ít nhất 15 năm cống hiến liên tục, đạt nhiều thành tích nổi bật, có ảnh hưởng tích cực trong môi trường giáo dục và duy trì phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.
“Đây là một danh hiệu không hề dễ dàng đạt được. Nó đòi hỏi cả một hành trình dài, không chỉ là giỏi chuyên môn mà còn phải gương mẫu về nhân cách và có những đóng góp cụ thể cho ngành, cho cộng đồng giáo viên.
Do đó, mức thưởng hơn 21 triệu đồng là hoàn toàn xứng đáng với những công sức, nỗ lực của giáo viên. Ngoài ra, phần thưởng này cũng tạo động lực để những người trẻ trong nghề nỗ lực phấn đấu để đạt danh hiệu ‘Nhà giáo ưu tú’, từ đó nâng cao chất lượng của ngành giáo dục”, cô Duyên nêu quan điểm.
Trước băn khoăn những tiêu chí xét tặng “Nhà giáo ưu tú” hiện nay có thể quá khắt khe và khó tiếp cận với phần đông giáo viên, cô Duyên bày tỏ, điều đó là hoàn toàn hợp lý. Theo cô, danh hiệu này không phải dành cho tất cả nhà giáo, mà dành cho những người thực sự nổi bật, thực sự tiêu biểu trong nghề. Việc giữ tiêu chí cao là cần thiết để bảo vệ uy tín của danh hiệu, đồng thời tạo nên sự phân hóa tích cực trong đội ngũ nhà giáo.
“Bản thân tôi rất vinh dự khi được phong tặng danh hiệu ‘Nhà giáo ưu tú’ sau 17 năm công tác trong ngành. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, cống hiến bền bỉ trong suốt quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là danh hiệu này không chỉ phản ánh kết quả công việc của một cá nhân, mà còn thể hiện sự đánh giá, tin tưởng từ các cấp quản lý, đồng nghiệp và xã hội đối với người được tôn vinh.
Thực tế cho thấy, việc xét tặng danh hiệu ‘Nhà giáo ưu tú’ cần được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng, minh bạch, đồng thời đảm bảo tính nghiêm túc và công bằng. Nếu những tiêu chuẩn hiện hành tiếp tục được giữ vững, không chạy theo thành tích, thì danh hiệu này sẽ càng thêm giá trị và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo phấn đấu.
Do vậy, danh hiệu cao quý này không chỉ là phần thưởng cho quá trình công tác mà còn là trách nhiệm đối với nhà giáo. Những người được phong tặng sẽ tiếp tục gương mẫu, phấn đấu để trở thành nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp và thế hệ giáo viên trẻ, góp phần xây dựng một đội ngũ nhà giáo vừa có tâm, vừa có tầm, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay”, cô Yến bày tỏ.
Thu Thủy
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/danh-hieu-ngut-duoc-thuong-21-trieu-dong-gan-danh-hieu-voi-phan-thuong-tuong-xung-post253145.gd