Khánh thành 2 phòng học mới cho điểm bản Bay, Trường Mầm non Nga My (Nga My, Nghệ An).
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng triển khai hiệu quả sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
Trường thông minh ở miền núi
Trường Mầm non Nghĩa Long (Nghĩa Lộc, Nghệ An) đã thiết kế và xây dựng một bảng tin đặc biệt. Trên đó, bên cạnh nội quy còn có bảng tiêu chí trường học thông minh và thư viện điện tử bao gồm mã QR về mọi hoạt động của nhà trường. Phụ huynh, người dân có thể cập nhật nhanh chóng, đầy đủ thông tin kế hoạch năm học, các văn bản chỉ đạo của địa phương và ngành Giáo dục, công khai thu chi, hồ sơ y tế, hồ sơ bán trú của trẻ…
Bảng tin này là điểm ấn tượng đối với ngôi trường đóng ở địa bàn miền núi cao, khó khăn với 66% trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, xác định ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học là xu thế, yêu cầu tất yếu nâng cao chất lượng giáo dục, năm học 2024 - 2025, Trường Mầm non Nghĩa Long quyết định xây dựng và triển khai mô hình trường học thông minh.
Bà Hồ Thị Thúy Liên - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, khi triển khai, nhà trường có nhiều khó khăn như trường lớp cũ kỹ, xuống cấp, chưa có phòng học thông minh. Đồ chơi, đồ dùng dạy học chủ yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản, trong khi ngân sách nhà trường hạn hẹp. Phụ huynh khó khăn trong tiếp cận công nghệ, hỗ trợ trẻ học tập...
Tuy nhiên, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của ngành, tham gia hội nghị chuyên đề, tiếp thu ý kiến của cốt cán chuyên môn mầm non, Trường Mầm non Nghĩa Long đã xây dựng bộ tiêu chí trường học thông minh phù hợp thực tiễn.
Đồng thời, tích cực tham mưu chính quyền địa phương đầu tư ngân sách đối ứng và vận động nguồn lực tài trợ giáo dục để tu sửa 3 phòng học, 5 phòng chức năng, công trình vệ sinh và xây dựng phòng học thông minh trị giá 2,6 tỷ đồng; mua sắm thiết bị, bảng biểu, phần mềm dạy học thông minh từ ngân sách nhà trường và các nguồn lực xã hội hóa… trị giá 160 triệu đồng.
Nhà trường cũng tập huấn năng lực số cho đội ngũ, giáo viên kỹ năng tạo mã QR, sử dụng phần mềm hỗ trợ giảng dạy, công cụ trợ lý ảo, ứng dụng mới mà giáo viên khai thác thấy có hiệu quả. Nhờ đó, giáo viên xây dựng các giờ học thông minh, thiết kế bài giảng, hoạt động học tập sinh động phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Sau năm học 2024 - 2025, 100% tiết học thông minh được triển khai ở nhóm lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi. Nhà trường cũng vận động phụ huynh mua sắm thiết bị thông minh, tổ chức hội thảo chia sẻ với phụ huynh về giáo dục, chăm sóc trẻ.
Chị Nguyễn Thị Yến - phụ huynh Trường Mầm non Nghĩa Long, chia sẻ: “Các chương trình trải nghiệm, hội thảo mà nhà trường tổ chức cho trẻ và phụ huynh cùng tham gia mang đến hiệu quả, nhiều ý nghĩa. Trẻ được chăm sóc, giáo dục mọi mặt, và phụ huynh cũng ủng hộ, đồng hành với nhà trường để thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa khác cho con em mình”.
Ảnh minh họa INT.
“Kiềng ba chân”
Cuối năm học 2024 - 2025, Đồn Biên phòng Na Ngoi phối hợp với Trường Mầm non Na Ngoi 1 (Na Ngoi, Nghệ An) tổ chức hoạt động âm nhạc đa văn hóa cho trẻ. Đây không phải lần đầu tiên Đồn Biên phòng tham gia cùng nhà trường trong các hoạt động giáo dục, sự phối hợp này nằm trong kế hoạch, thực hiện chuyên đề chăm sóc giáo dục trẻ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Tương tự, trước khi nghỉ hè, Trường Mầm non Tam Hợp (Tam Hợp, Nghệ An) phối hợp với Đồn Biên phòng, Công an xã, Trạm y tế và người dân tổ chức chương trình phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em.
Bà Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Chủ tịch xã Tam Quang chia sẻ, đối với các xã vùng cao, biên giới, việc vận động tài trợ giáo dục khó khả thi vì đời sống người dân còn khó khăn, vất vả. Vì vậy, kinh nghiệm của ngành Giáo dục vùng cao chính là vận động xã hội hóa sức dân; tăng cường tương tác với phụ huynh để phối hợp chăm sóc trẻ, và tham mưu chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng, các tổ chức, đoàn thể xã hội đầu tư, tài trợ cho các trường học.
Mô hình “Phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ”, cũng là sáng kiến được Sở GD&ĐT Nghệ An triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Trong giai đoạn 2020 - 2025, các trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh đã thay đổi mang tính đột phá về diện mạo trong xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Nhiều trường đã thực sự trở thành điểm sáng về không gian vui chơi, học tập sáng tạo của trẻ.
Các trường cũng phối hợp với Ban đại diện cha mẹ trẻ xây dựng kế hoạch hóa xã hội hóa giáo dục với nhiều hình thức, như: Ủng hộ kinh phí, ngày công, hiện vật… để xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện. Hiện, 100% cơ sở giáo dục mầm non đã xây quy chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, sở đã chủ động đề nghị các trường làm tốt công tác tham mưu, quy hoạch mạng lưới trường lớp để phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn mới. Đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo và thực hiện đổi mới chương trình chăm sóc giáo dục trẻ.
Bên cạnh đó, cần phối hợp hiệu quả với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và phụ huynh để huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ các trường cải thiện cơ sở vật chất, nhất là các trường miền núi, khó khăn. Tiếp tục đầu tư xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện. Chủ động chuyển đổi số, ứng dụng AI trong xây dựng kế hoạch, chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhân rộng có chọn lọc các phương pháp giáo dục tiên tiến, phù hợp thực tiễn nhà trường, địa phương.
Trong 5 năm thực hiện mô hình ‘Phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ’, từ 2020 - 2025, ngành Giáo dục Nghệ An đã huy động được hơn 800 nghìn ngày công, vận động trên 900 tỷ đồng hỗ trợ các trường mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi... cho trẻ. Điều đó tạo điều kiện hỗ trợ chăm sóc trẻ toàn diện, đặc biệt là ở vùng cao dân tộc thiểu số, biên giới, ven biển.
Hồ Lài