Khi đề thi đòi hỏi tư duy, không thể dạy và học theo lối cũ

Khi đề thi đòi hỏi tư duy, không thể dạy và học theo lối cũ
5 giờ trướcBài gốc
Theo thầy Trần Mạnh Tùng, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025, môn Toán vẫn là môn bắt buộc đối với tất cả thí sinh. Có hơn 1,1 triệu thí sinh dự thi nhưng mức điểm trung bình của môn học năm nay thấp kỷ lục, chỉ đạt dưới mức trung bình là 4,78 điểm. Đây cũng là môn có điểm trung bình thấp nhất trong tất cả các môn thi và là môn duy nhất dưới 5.
Học sinh chưa rèn nhiều dạng câu hỏi mới
Bên cạnh đó, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, có tới 777 bài thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) ở môn Toán. Đây là con số cao kỷ lục trong vòng nhiều năm qua
Thầy Tùng phân tích, thực tế điểm trung bình thấp dưới 5 chính là chỉ dấu cảnh báo mạnh mẽ về việc, phần lớn học sinh không đáp ứng được yêu cầu của đề thi, không đạt được mức trung bình.
Mức điểm trung bình năm nay cũng thấp hơn hẳn so với nhiều năm trước. Ví dụ: năm 2021 điểm trung bình Toán là 6,61; năm 2022 là 6,47; năm 2023 là 6,25; năm 2024 là 6,45.
Điểm trung bình năm 2025 giảm quá sâu (giảm gần 2 điểm) phản ánh sự thay đổi trong cách ra đề theo hướng phân hóa mạnh hơn, thách thức hơn với thí sinh và đa số học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của đề thi, rộng ra là yêu cầu của chương trình GDPT mới.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, đề thi Toán năm nay không quá khó về mặt kiến thức, mà phân hóa mạnh với học sinh đại trà, do các em chưa quen với dạng đề mới.
Trong đó, có những bài toán đố dài, phức tạp khiến thí sinh mất nhiều thời gian đọc và phân tích, dẫn đến việc không đủ thời gian hoàn thành bài thi. Lý do chính là trong quá trình học tập, các em chưa được rèn luyện đủ với dạng câu hỏi mới, có tính ứng dụng thực tiễn.
50% thí sinh có điểm không quá 4.6 (trung vị là 4.6)
Phổ điểm thi môn Toán cho thấy, trung bình điểm thi môn Toán là 4.78 điểm, lớn hơn trung vị (phổ điểm lệch nhẹ về bên phải) chứng tỏ phần lớn học sinh có điểm thấp hơn điểm trung bình, có một số ít học sinh có điểm cao vượt trội, làm điểm trung bình nhích lên, dù đa số làm bài không tốt.
Điều này cho thấy có sự chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm thí sinh. Một nhóm lớn gặp khó khăn với đề thi trong khi một nhóm nhỏ lại làm rất tốt. Từ kết quả đó, bài toán đặt ra rõ nhất là cần cải thiện mặt bằng chung về năng lực môn Toán của học sinh trong những năm tiếp theo, trong đó vai trò dạy học của thầy cô giáo ở nhà trường rất quan trọng.
Cũng theo thầy Tùng, độ lệch chuẩn của môn Toán cao tới 1,68, chứng tỏ mức độ phân tán rất lớn, cho thấy đề thi có tính phân hóa mạnh. Chúng ta biết rằng, độ lệch chuẩn là một chỉ số thống kê đo mức độ phân tán của dữ liệu quanh giá trị trung bình.
Trong bối cảnh điểm thi, nếu độ lệch chuẩn nhỏ thì điểm số của thí sinh tập trung quanh điểm trung bình (ít phân hóa). Nếu độ lệch chuẩn lớn thì điểm số phân tán rộng hơn, thí sinh có mức điểm rất cao và rất thấp (đề phân hóa mạnh). Có thể tạm phân chia một cách tương đối trong trường hợp điểm thi: Độ lệch chuẩn nhỏ hơn 1 là thấp, từ 1 – 1,5 là trung bình, lớn hơn 1,5 là cao.
“Với môn Toán, điểm trung bình là 4,78, độ lệch chuẩn 1,68, ta hiểu rằng phần lớn học sinh có điểm từ 4,78 ± 1.68 = [3.1; 6.46]. Từ phổ điểm có thể tính được 785. 073 thí sinh có điểm trong đoạn này (chiếm 70%)”, thầy Tùng tính toán.
So với các môn khác, Toán là môn có độ lệch chuẩn cao thứ hai, chỉ sau Hóa học (1,81), chứng tỏ đề đã thực sự tạo khoảng cách rõ rệt giữa các đối tượng học sinh: Học sinh trung bình dễ bị “rơi rụng”, học sinh giỏi có cơ hội thể hiện và kéo giãn phổ điểm.
Độ lệch chuẩn không chỉ là con số kỹ thuật, mà còn là gương phản chiếu sự thành công hay hạn chế của cả một quá trình ra đề – dạy, học – ôn thi.
Cảnh báo giữa điểm học bạ và thi, cần thay đổi cách dạy học
Đặc biệt, trong năm nay, Bộ GD&ĐT đã công bố trung bình điểm học bạ các môn và trung bình điểm thi, trong đó môn Toán có độ vênh lên tới 2,25 điểm. Trong đó, điểm học bạ trung bình môn trong cả 3 năm học là 7,03, điểm trung bình thi tốt nghiệp là 4,78, chênh lệch: 2,25 điểm.
Nguyên nhân đầu tiên là do điểm học bạ là đánh giá đại trà, trong khi đó đề thi tốt nghiệp THPT là “hai trong một” – vừa xét tốt nghiệp, vừa là căn cứ để xét vào đại học, hơn nữa đề năm nay phân hóa mạnh nên điểm thi thấp hơn hẳn.
Điểm chênh lệch lớn, cũng cần đặt ra cảnh báo về độ “mềm”, sự “nương tay” trong đánh giá nội bộ tại nhà trường. Học sinh có thể đã được đánh giá cao hơn năng lực thực tế các em có và mức điểm tổng kết trung bình tăng dần qua các năm học cũng là chỉ số cho thấy điều đó (lớp 10, điểm trung bình 6.7, lớp 11, điểm trung bình 6.89, lớp 12 vọt lên 7.51).
Năm 2025 là năm mức điểm trung bình thi tốt nghiệp môn Toán thấp kỷ lục, chỉ đạt 4,78 điểm.
Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, sau khi kết thúc kỳ thi, từ các phân tích, đánh giá về phổ điểm, sự tương quan giữa điểm trung bình học và thi cho thấy, việc cần làm sớm là chuẩn hóa kiểm tra, đánh giá trong nhà trường.Các nhà trường cần tăng cường sử dụng đề chung, ma trận chuẩn, nhiều cấp độ tư duy, nhất là học kỳ 2 của lớp 12. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giáo dục cũng cần tăng cường khâu quản lí, giám sát, kiểm tra để giảm thiểu tình trạng “nới lỏng” điểm số, học sinh có thể ảo tưởng về năng lực và khi thi, điểm số thấp hơn kỳ vọng.
Thầy giáo cũng cảnh báo về phương pháp dạy và học, đó là dù bậc THPT đã thực hiện chương trình GDPT mới trọn vẹn 3 năm nhưng dường như, ở nhiều nơi, giáo viên vẫn còn dạy học theo lối cũ, học sinh chỉ làm được các bài quen dạng, không được rèn luyện năng lực tự học, tự xử lý tình huống và có logic toán học thực sự. Điểm thấp với đề thi năm nay cho thấy các em không biết vận dụng kiến thức được học để giải quyết vấn đề. Khi gặp đề thi tốt nghiệp với dạng lạ, câu hỏi thực tiễn, phân hóa, học sinh dễ bị “rơi rụng”.
Giải pháp trong thời gian tới là các giáo viên, nhà trường cần chuyển từ dạy – học theo lối “luyện giải toán” sang phát triển năng lực tư duy toán học. Học sinh nắm được bản chất, đọc hiểu tốt, biết phân tích, tư duy giải quyết vấn đề, biết vận dụng.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, tính không hiệu quả của đề thi “hai trong một” đã thể hiện rõ. Ở thời điểm này, cần đánh giá và tách biệt 2 việc gồm: tốt nghiệp và đại học. Đã đến lúc cần thay đổi theo hướng giao việc thi hoặc xét tốt nghiệp cho các tỉnh, việc tuyển sinh đại học cho các trường đại học.
“Khoảng cách 2.25 điểm giữa học bạ và điểm thi là hồi chuông cảnh tỉnh về sự lệch pha giữa dạy thật – học thật – thi thật. Khi điểm số trong nhà trường cứ "tăng dần đều", còn điểm thi lại giảm, thì điều cần điều chỉnh không phải đề thi – mà chính là chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá tại trường phổ thông”, thầy Tùng nhấn mạnh.
Hà Linh
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/khi-de-thi-doi-hoi-tu-duy-khong-the-day-va-hoc-theo-loi-cu-post1764047.tpo