Đánh thức tiềm năng của các cụm công nghiệp tại Nghệ An

Đánh thức tiềm năng của các cụm công nghiệp tại Nghệ An
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều cụm công nghiệp vẫn chưa triển khai
Cụm công nghiệp Nghi Diên (tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) có quy mô quy hoạch đến năm 2030 là 63,17 ha, do Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thành Vinh làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 442 tỷ đồng.
Cụm công nghiệp Nghi Diên sau khi hoàn thành dự kiến thu hút các dự án chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, linh kiện điện tử; cơ khí chính xác, sản phẩm phụ trợ, may mặc; sản xuất đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ và trang trí nội thất, phân lân,... Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.
Nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do có nhiều vướng mắc. Ảnh cụm công nghiệp Diễn Thắng.
Tiến độ thực hiện dự án dự kiến như sau: Giai đoạn thực hiện chuẩn bị đầu tư: Từ quý I/2023 đến hết quý III/2023; Thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng: Từ quý III/2023 đến Quý II/2025.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, cụm công nghiệp này hiện đang đứng trước đề xuất bãi bỏ do không đáp ứng tiến độ triển khai.
Tình trạng chậm triển khai cũng xảy ra tại Cụm công nghiệp Đô Lăng (xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc). Cụm công nghiệp Đô Lăng có quy mô 45,83 ha, dự kiến mở rộng lên 70 ha sau năm 2030.
Dù đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 20,10 ha, đến nay cụm này vẫn chưa có quyết định thành lập chính thức và chưa đầu tư bất kỳ hạng mục hạ tầng kỹ thuật nào.
Tương tự, Cụm công nghiệp Đô Lăng II, với diện tích quy hoạch 70 ha đến năm 2030, dù đã có đánh giá lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, nhưng hiện vẫn chưa được triển khai trên thực tế.
Tháo gỡ khó khăn cho cụm công nghiệp
Chiều 24/4, đoàn công tác do Phó UBND tỉnh Nghệ An Phùng Thành Vinh đã có buổi kiểm tra tình hình triển khai một số cụm công nghiệp có một số vướng mắc trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, một số nhà đầu tư hạ tầng cũng nêu một số khó khăn, cho biết hiện nay phải điều chỉnh quy mô đầu tư, chuyển sang địa điểm mới và mong được tỉnh, huyện hỗ trợ thu hồi đất lúa, giải phóng mặt bằng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và đoàn công tác kiểm tra cụm công nghiệp đang gặp khó khăn. Ảnh Nghệ An.
Trên cơ sở kiểm tra thực tiễn và phát biểu của các sở, ngành và địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực cố gắng của các địa phương trong thu hút, đầu tư các cụm công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Đối với các kiến nghị đầu tư từng cụm công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan và địa phương nghiên cứu, đối chiếu với quy hoạch giao thông, thủy lợi, hệ thống truyền điện để tránh xung đột.
Hiện nay, chủ trương nhà nước không còn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp mà ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa nên ưu tiên cao nhất là thu hút nhà đầu tư.
Vì vậy, các sở ngành theo thẩm quyền được giao có trách nhiệm tham mưu, kịp thời báo cáo UBND tỉnh về từng nội dung xem xét điều chỉnh, trường hợp cần thiết thì chấp thuận xem xét thay đổi chủ đầu tư cho phù hợp...
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng gợi ý thêm số phương án mới để nhà đầu tư xây dựng phương án sử dụng mặt bằng mới phù hợp với quy hoạch, định hướng của tỉnh. Về các nội dung, kiến nghị về thay đổi vị trí cụm công nghiệp hay chuyển đổi chủ đầu tư, đoàn sẽ tiếp thu để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh.
Theo Sở Công Thương Nghệ An, tính đến tháng 3/2025, trong tổng số 26 cụm công nghiệp được thành lập trên địa bàn tỉnh, đã có 23 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 259 doanh nghiệp vào thuê đất đầu tư kinh doanh.
Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/danh-thuc-tiem-nang-cua-cac-cum-cong-nghiep-tai-nghe-an-204250424205046911.htm