Gia đình anh Hồ Văn Hùng (thứ 2 bên trái sang), ở thôn Trường Hải, xã Linh Trường, huyện Gio Linh trong ngôi nhà xây dang dở vì thiếu vốn -Ảnh: BẢO BÌNH
Tháng 3/2024, vợ chồng anh Hồ Văn Hùng, ở thôn Trường Hải, xã Linh Trường, huyện Gio Linh được hỗ trợ 70 triệu đồng từ nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các nguồn hỗ trợ khác để tiến hành xây dựng nhà ở.
Trước đó, vợ chồng anh cùng hai con phải ở trong ngôi nhà lắp ghép tạm bợ, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Với số tiền 70 triệu đồng, anh Hùng cho biết chỉ đủ để mua các vật liệu cơ bản như gạch, xi măng để xây phần thô cho ngôi nhà. Không đủ tiền thuê thợ, vợ chồng anh kiêm luôn thợ xây, cùng với sự hỗ trợ nhân công của anh em trong thôn.
“Vật liệu tăng giá nên số tiền đó chỉ đủ xây xong phần thô, chưa có tiền để tô tường và hoàn thành ngôi nhà. Hai vợ chồng đi làm thuê bóc vỏ tràm, thu nhập bấp bênh, còn thêm khoản nợ vay 40 triệu đồng để trồng hơn 1ha tràm chưa trả được nên không có khả năng vay thêm ngân hàng thương mại để làm nhà. Bây giờ chỉ trông chờ vào nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách để hoàn thiện nhà ở”, anh Hùng chia sẻ.
Thôn Trường Hải hiện có 43 hộ đang vay vốn NHCSXH. Người dân chủ yếu làm thuê nghề bóc vỏ tràm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Thôn có 99 hộ dân thì có đến 18 hộ nghèo và cận nghèo. Anh Hồ Văn Hằng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thôn đang gặp khó khăn về nhà ở. Ngay sau ngôi nhà xây dở dang từ năm ngoái đã bám rêu xanh bốn bức tường gạch, anh Thắng dựng tạm căn lều để ở cùng con trai.
Anh Thắng cho biết, năm ngoái được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, anh gom góp thêm 20 triệu đồng để xây nhà, nhưng số tiền không đủ để hoàn thiện. “Nguyện vọng lớn nhất của tôi là được NHCSXH hỗ trợ vay vốn để lợp mái, hoàn thiện ngôi nhà để có nơi ở đàng hoàng, không còn cảnh chỗ ở dột ướt về mùa mưa, nóng bức về mùa nắng như hiện tại”, anh Thắng bộc bạch.
Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, tính đến ngày 31/3/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã đạt con số ấn tượng 5.403 tỉ đồng, tăng trưởng 2% (tương đương 107 tỉ đồng) so với năm 2024. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh đạt 259 tỉ đồng, chiếm 4,8% tổng nguồn vốn. Dù tỉ lệ này chưa phải là lớn, nhưng sự chủ động và quan tâm của chính quyền địa phương đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, khơi thông dòng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Thực hiện Chương trình hành động số 143-CTr/TU ngày 20/2/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH trong giai đoạn mới ( gọi tắt là Chỉ thị 39), trong năm 2025, để đạt được mục tiêu đã đề ra đối với nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh cần quan tâm cân đối, bố trí tối thiểu số tiền là 150 tỉ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chương trình MTQG, các đề án mà tỉnh đang triển khai. Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh, huyện đã bố trí 40 tỉ đồng trong tổng số 150 tỉ đồng theo mục tiêu đã đề ra.
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Trần Đức Xuân Hương, hiện nay, chi nhánh cần bổ sung nguồn vốn 110 tỉ đồng để triển khai chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 - 2030. Trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 -2025 cho các địa phương có nhu cầu vay vốn là Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh với tổng vốn 71 tỉ đồng. Chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ cần 4 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, đối với chính sách tín dụng ưu đãi để mua nhà ở xã hội, xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của người dân trên địa bàn, trong đó bao gồm các đối tượng là hộ gia đình chính sách là người có công với cách mạng, thân nhân gia đình liệt sĩ và các gia đình có nhà tạm, nhà dột nát, ngoài nguồn vốn cân đối từ trung ương, hiện nay chi nhánh cần nguồn vốn địa phương hỗ trợ 35 tỉ đồng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đa dạng hóa các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng CSXH, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho NHCSXH để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 39 và Chương trình hành động số 143-CTr/TU của Tỉnh ủy.
Mục tiêu cụ thể là tăng cường nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện có hiệu quả các chương trình CSXH, bảo đảm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu hằng năm chiếm khoảng 15% - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của NHCSXH và đến năm 2030 chiếm 15% tổng nguồn vốn, tương ứng số tăng trưởng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH giai đoạn 2025-2030 đạt 1.200 tỉ đồng.
Phấn đấu nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh tiệm cận mức trung bình cả nước và là nguồn lực quan trọng góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Bảo Bình