Theo báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2024, toàn huyện Sơn Tây có 693 hộ thoát nghèo, đạt và vượt 203 hộ so với kế hoạch tỉnh giao (490 hộ). Toàn huyện còn 1.334 hộ nghèo/5.136 hộ dân, chiếm tỷ lệ tỷ lệ 22,24% và 382 hộ cận nghèo, tỷ lệ 6,37%.
Mục tiêu năm 2025, toàn huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống còn 7,44%. Huyện đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên trên địa bàn huyện.
Mở lối thoát nghèo bằng mô hình trồng dược liệu
Một trong những hướng đi quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp ở huyện Sơn Tây là sản xuất và tiêu thụ dược liệu. Những năm gần đây HTX Bốn Vân (ở thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) - chuyên về sản xuất và kinh doanh các mặt hàng tinh bột nghệ, được xem là đơn vị tiên phong trong khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ và nhất là bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân trồng nghệ tại các xã của huyện Sơn Tây với diện tích vùng nguyên liệu khoảng 17ha. Mỗi năm, HTX Bốn Vân bao tiêu khoảng 200 tấn nguyên liệu nghệ từ vùng đất Sơn Tây.
Bột nghệ được trồng từ vùng nguyên liệu Sơn Tây, Quảng Ngãi đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Nhờ mối quan hệ liên kết chặt chẽ này, người trồng nghệ - (bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương) không chỉ có đầu ra ổn định mà còn được bảo vệ quyền lợi về giá cả. Mỗi năm, bà con nông dân Sơn Tây thu được một khoản thu nhập ổn định nhờ vào việc sản xuất nghệ chất lượng cao. Nhãn hiệu "Bốn Vân" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận và bảo hộ, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giúp sản phẩm đạt chuẩn Chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Đây là bước tiến quan trọng trong việc phát triển nông sản của huyện Sơn Tây theo hướng bền vững.
Bên cạnh cây nghệ, huyện Sơn Tây cũng đẩy mạnh việc phát triển các loại cây dược liệu khác như sâm đương quy, sâm bảy lá, tam thất bắc và địa liền. Những cây dược liệu này đang mở ra cơ hội phát triển mới cho người dân địa phương.
Theo anh Đinh Văn Y, thành viên của HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long, việc trồng sâm đương quy trên đất Sơn Tây đang cho tín hiệu khả quan. Sau thời gian ươm giống khoảng 4 tháng, cây sâm đương quy có thể được đưa vào trồng và thu hoạch sau khoảng 18-24 tháng tùy theo chất lượng đất đai. Người dân chăm chỉ canh tác, chăm bón cho cây thì sẽ có thu nhập ổn định, tạo sinh kế bền vững ngay trên mảnh đất quê hương.
Nuôi cá tầm giữa đại ngàn
Một trong những mô hình đột phá khác ở Sơn Tây là nuôi cá tầm – loài cá nước lạnh, đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Việc đa dạng hóa nguồn sinh kế cho người dân, bằng việc đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao về Sơn Tây, từng bước giúp người dân thoát nghèo hướng đi rất cần thiết. Từ thực tế đó, đã tạo động lực thôi thúc huyện quyết tâm đưa cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước để học hỏi kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao.
Từ năm 2014, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, huyện Sơn Tây quyết định triển khai nuôi thử nghiệm cá tầm trên diện tích 500m² với 500 con cá. Đến nay, mô hình này đã được mở rộng lên 1.800m², đạt được những thành công ngoài mong đợi.
Cá tầm đã được nuôi thành công tại Sơn Tây, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình (ảnh TL).
Cuối năm 2024, HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Tây đã xuất bán hơn 1,3 tấn cá tầm cho Công ty Cá tầm Việt Nam, với giá bán 200.000 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên HTX xuất bán một lượng lớn cá tầm và thu về lợi nhuận đáng kể. Đây là dấu hiệu đáng mừng để HTX tiếp tục đầu tư nuôi cá tầm, và đặt niềm tin loài cá này sẽ được nhân rộng, giúp nhiều người dân phát triển kinh tế.
Theo ông Đinh Sang Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Tây: Mặc dù nuôi cá tầm đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khá cao và phải chú ý đến từng chi tiết trong việc phòng bệnh, nhưng nhờ vào sự quyết tâm và hỗ trợ của chuyên gia, HTX đã làm chủ được kỹ thuật nuôi cá và giải quyết được các vấn đề dịch bệnh. Việc nuôi cá tầm đã mở ra một hướng đi mới cho bà con Sơn Tây, giúp nâng cao thu nhập và có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Hỗ trợ nhà ở “3 cứng” để đảm bảo an cư lập nghiệp
Bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế, huyện Sơn Tây cũng đặc biệt chú trọng đến công tác an sinh xã hội, nhất là việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Sơn Tây đặt mục tiêu hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.192 nhà cho các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn.
Theo số liệu từ UBND huyện Sơn Tây, trong năm 2024, huyện đã triển khai hỗ trợ cho 443 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có 237 hộ được xây dựng mới nhà ở, còn lại là 206 hộ được sửa chữa nhà ở. Đặc biệt, các căn nhà phải đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và có tuổi thọ từ 20 năm trở lên. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các công trình nhà ở hỗ trợ hộ nghèo, nhằm đảm bảo chất lượng sống lâu dài cho người dân.
Lực lượng quân sự xã Sơn Tinh ra quân giúp người dân xây dựng nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tại xã Sơn Tinh, anh Đinh Văn Trâm, một trong những hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở, cho biết: “Trước kia, gia đình tôi sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát. Nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước, việc có được ngôi nhà kiên cố như hôm nay vẫn là ước mơ khó thực hiện.”
Ở xã Sơn Bua, năm 2024 có 44 hộ được hỗ trợ nhà ở, tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. UBND huyện chỉ đạo lồng ghép nhiều nguồn lực, phân cấp cho các xã giám sát chặt chẽ từ thi công đến nghiệm thu. Các tổ chức đoàn thể từ Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đến Đoàn thanh niên cũng được huy động vào cuộc, hỗ trợ ngày công, vật liệu, giúp giảm chi phí và đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình.
Sơn Tây đang dần khẳng định được những thành công bước đầu trong công tác giảm nghèo, từ việc triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị cao như cây dược liệu, nuôi cá tầm, đến các chương trình an sinh xã hội thiết thực. Những căn nhà mới xây khang trang, những cánh đồng nghệ xanh tươi, những ao cá tầm đang ngày càng phổ biến là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thay đổi của huyện miền núi này.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xóa nghèo bền vững, huyện Sơn Tây vẫn cần tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế, duy trì sự liên kết bền vững giữa các HTX và bà con nông dân, và đặc biệt là phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong việc tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và đầu tư phát triển. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả cộng đồng, Sơn Tây hứa hẹn sẽ đạt được những bước tiến dài trong công cuộc thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.
Thanh Vân