(Ảnh minh họa)
UBND TP Cần Thơ kiến nghị lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế TNCN đối với quy mô tiết kiệm nhỏ. Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị tăng danh mục miễn thuế, nên miễn thuế cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn để khuyến khích tiết kiệm và phát triển kinh tế.
Theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi. Chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế TNDN.
Tại Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết số 23/2021 của Quốc hội đặt ra chủ trương đẩy mạnh các biện pháp khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thu thuế. Theo đó, cần nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế để đảm bảo bao quát hơn thực tế hiện nay theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác (đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết) hoặc quy định cụ thể các khoản thu khác để đảm bảo tính công bằng giữa các cá nhân có phát sinh thu nhập, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc đánh thuế TNCN và thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính rà soát kinh nghiệm của các nước quy định về các loại hình thu nhập chịu thuế cho thấy, thu nhập từ tiền lãi chịu thuế TNCN. Cụ thể, Thái Lan thu nhập từ cổ tức, lãi tiền gửi ngân hàng ở Thái Lan và thu nhập từ đầu tư vốn là 1 trong 8 loại thu nhập chịu thuế TNCN. Trung Quốc thu nhập từ lãi suất, cổ tức và phân phối lợi nhuận là 1 trong 9 loại thu nhập chịu thuế TNCN. Tại Hàn Quốc có 6 khoản thu nhập chịu thuế TNCN thì có tiền lãi.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa đề xuất thu thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm. Trả lời về đề xuất của UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Ninh Thuận, Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi, bổ sung đối tượng miễn, giảm thuế cần được nghiên cứu phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước trong việc phát triển các lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với thực tiễn và xu hướng cải cách thuế TNCN trên thế giới.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng nhằm mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chính sách này chưa thực sự phù hợp và có thể gây nhiều hệ lụy không tốt cho nền kinh tế.
Theo ông Được, việc miễn thuế đối với tiền gửi giúp duy trì dòng vốn dân cư trong hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện để nhà nước kiểm soát dòng tiền và triển khai chính sách tiền tệ nhằm điều tiết kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, ngân hàng có thể phân bổ nguồn vốn hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất và kinh doanh.
“Nếu áp dụng thuế lên tiền gửi, người dân có thể không còn mặn mà gửi tiền vào ngân hàng mà sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư khác. Điều này có thể dẫn đến sự dịch chuyển dòng tiền vào các lĩnh vực kém bền vững, thậm chí tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, tiền ảo… làm gia tăng nguy cơ lừa đảo và gây bất ổn cho nền kinh tế”, ông Được nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Được, để thu hút tiền gửi trong điều kiện bị đánh thuế, các tổ chức tín dụng buộc phải tăng lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng. Điều này làm gia tăng chi phí tài chính cho doanh nghiệp, khiến giá thành sản phẩm cao hơn, gây áp lực lạm phát và hạn chế khả năng vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Chuyên gia Nguyễn Văn Được nhận định, xét về nguyên tắc chung, việc thu thuế tiền gửi có thể khả thi, nhưng trong bối cảnh hiện nay, điều này chưa thực sự hợp lý. Nếu áp dụng thuế đối với tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng, bởi đa phần doanh nghiệp sử dụng vốn để kinh doanh thay vì gửi ngân hàng, trong khi cá nhân gửi tiền chủ yếu để hưởng lãi suất. Việc đánh thuế có thể làm mất cân bằng dòng tiền, thúc đẩy xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực ít tạo ra giá trị thực.
“Trước khi đưa ra quyết định, cần thực hiện đánh giá tổng thể về quy mô thị trường tiền gửi, tỷ lệ tiền gửi từ cá nhân và tổ chức. Đồng thời cần xây dựng và hoàn thiện thị trường đầu tư lành mạnh, từ đó xây dựng chính sách phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế và tài chính quốc gia”, ông Được khuyến nghị.
An Nhiên