Lãi suất huy động khó đứng yên

Lãi suất huy động khó đứng yên
21 giờ trướcBài gốc
Tăng lãi suất, hút tiền nhàn rỗi
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2025. Sau khi điều chỉnh lãi suất tiền gửi, Viet A Bank trả mức lãi suất cao nhất là 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Mức lãi suất 6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn tiền gửi 18 và 24 tháng.
Techcombank cũng vừa điều chỉnh tăng 0,2% lãi suất huy động ở các kỳ hạn tiền gửi 1-11 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 3,35%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,65%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng là 4,65%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi online dưới 1 tỷ đồng.
Lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 36 tháng đang được các ngân hàng nhỏ điều chỉnh vượt mốc 6%/năm, như Eximbank là 6,6%/năm, GPBank là 6,35%/năm.
Trên thị trường tiền gửi ngân hàng đang tồn tại mức lãi suất cao đột biến lên đến 9%/năm, nhưng chỉ áp dụng với khách hàng VIP. PVcomBank áp dụng mức lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng, với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Tiếp theo là HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng…
Trong nhóm ngân hàng Big4 Việt Nam có BIDV và Vietcombank vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Ở kỳ hạn tiền gửi 36 tháng, cả hai ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,1%, hiện ở mức 4,8%/năm. Mặc dù chỉ tăng nhẹ 0,1%/năm, nhưng đây là tín hiệu cho thấy các ngân hàng lớn bắt đầu tăng lãi suất huy động.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng, tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ theo hướng nhích dần đều, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước Covid-19. Công ty chứng khoán này dự báo, mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 0,2 - 0,3 điểm % ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025.
Dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục tăng mạnh phản ánh phần nào tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong năm 2024 khi đạt hơn 14 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so đầu năm, song tốc độ huy động vẫn chậm hơn so với tốc độ tín dụng.
Đón đầu sức cầu tín dụng tăng
Mặc dù lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng tăng kỷ lục, song tốc độ huy động vốn chậm hơn so với tín dụng khiến chênh lệch giữa dư nợ cho vay và số dư tiền gửi duy trì ở mức cao. Điều này, theo nhận định của VCBS, có thể gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động, đặc biệt ở các nhà băng quy mô nhỏ. Vì thế, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi cũng diễn ra chủ yếu ở các nhà băng tư nhân, trong khi nhóm quốc doanh giữ ổn định.
Theo các chuyên gia, xu hướng gia tăng tiền gửi vào ngân hàng có liên quan đến tâm lý thận trọng của người dân trước những biến động của kinh tế toàn cầu. Lạm phát gia tăng, bất ổn địa chính trị và sự suy giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đã khiến dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN và sự ổn định của hệ thống tài chính cũng góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền.
Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tiết kiệm chảy mạnh vào ngân hàng không chỉ phản ánh tâm lý thận trọng của người dân, mà còn tác động đáng kể đến nền kinh tế. Khi lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng lên, các tổ chức tín dụng có thêm nguồn vốn để mở rộng hoạt động cho vay, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
Theo nhận định của TS. Hiếu, diễn biến lãi suất trong thời gian tới sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Một trong số đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Ngay từ đầu năm 2025, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động cho vay theo mục tiêu 16% mà NHNN đề ra, nhu cầu huy động vốn có thể gia tăng đáng kể. Để đảm bảo nguồn vốn phục vụ tín dụng, các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất huy động, từ đó tác động đến lãi suất cho vay ở thời gian tới.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn là đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, cho các ngân hàng thương mại, qua đó đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ.
Vân Linh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/lai-suat-huy-dong-kho-dung-yen-d247588.html