Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế dựa trên thời gian sở hữu cũng góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ và giảm nguy cơ bong bóng bất động sản. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong dự thảo tờ trình mới nhất gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu áp dụng thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản dựa trên thời gian nắm giữ.
Theo Bộ Tài chính, chính sách này nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về việc sử dụng nhà đất hiệu quả, đồng thời áp dụng mức thuế cao hơn đối với những cá nhân sở hữu nhiều bất động sản. Việc đánh thuế dựa trên thời gian sở hữu cũng góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ và giảm nguy cơ bong bóng bất động sản.
Góp ý về đề xuất này, Bộ Tư pháp cho rằng mức thuế cụ thể cần được nghiên cứu và xác định sao cho phù hợp với thực trạng thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, Bộ cũng nhấn mạnh chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ cần được triển khai đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách liên quan đến đất đai, nhà ở cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý đăng ký đất đai và bất động sản.
Do đó, Bộ Tư pháp nhận định giải pháp này chưa khả thi trong bối cảnh hiện nay, khi chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý thuế và đất đai. Bộ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Hiện tại, chính sách thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng nhà, đất được tính theo từng giao dịch, với thuế suất cố định là 2% trên giá chuyển nhượng.
Thực tế, đề xuất đánh thuế theo thời gian sở hữu nhà đất được đưa ra trong bối cảnh giá nhà đất liên tục tăng cao thời gian qua, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Theo Bộ Tài chính, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để hạn chế đầu cơ, trong đó có việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân nhằm làm tăng chi phí đối với những giao dịch mang tính đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc lướt sóng bất động sản.
Ngoài ra, một số quốc gia còn áp dụng thuế dựa trên lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản, với mức thuế suất thay đổi tùy vào tần suất giao dịch và thời gian nắm giữ.
Cụ thể, những bất động sản được mua và bán lại trong thời gian ngắn sẽ chịu thuế suất cao hơn, trong khi các giao dịch diễn ra sau thời gian dài sẽ được áp thuế thấp hơn.
Bên cạnh đề xuất đánh thuế theo thời gian sở hữu của Bộ Tài chính, trước đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất áp thuế đối với những trường hợp sở hữu và sử dụng nhiều bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để trục lợi. Bộ Tài chính được yêu cầu cùng nghiên cứu, tham mưu chính sách thuế với nhà đất thứ hai hoặc bỏ hoang, không sử dụng.
Liên Phạm