'Danh tiếng không thể là tấm khiên trước pháp luật'

'Danh tiếng không thể là tấm khiên trước pháp luật'
7 giờ trướcBài gốc
Hoa hậu Thùy Tiên (thứ 2 từ trái qua) và các bị can bị khởi tố.Ảnh: BỘ CÔNG AN
Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm, liên quan đến hai doanh nghiệp là Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, đơn vị chủ quản sản phẩm kẹo rau Kera.
Danh tiếng, trách nhiệm và pháp luật
Vụ việc đã, đang đặt ra những câu hỏi lớn về đạo đức và trách nhiệm của những người nổi tiếng. Với sức ảnh hưởng đến công chúng, liệu họ có được phép dễ dãi trong việc chọn lựa và quảng bá sản phẩm? Liệu niềm tin từ người hâm mộ có thể bị đánh đổi chỉ bằng những hợp đồng lợi nhuận?
Chuyên gia truyền thông cho rằng, khi tham gia hoạt động thương mại như quảng cáo sản phẩm, người nổi tiếng cần phải ý thức rõ ràng về hậu quả pháp lý của những lời giới thiệu sai sự thật. Đặc biệt trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến sức khỏe, thì sự sai lệch về thông tin có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại cơ quan điều tra, Thùy Tiên thừa nhận khi bản thân là người nổi tiếng thì trách nhiệm của mình rất lớn. Cô nói: “Mọi người sẽ vì mình mà mua sản phẩm này rất nhiều”. Đó là sự thừa nhận muộn màng, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho bất kỳ ai đang sở hữu sức ảnh hưởng lớn trong xã hội. Danh tiếng luôn đi kèm trách nhiệm. Và khi trách nhiệm bị xem nhẹ thì không chỉ pháp luật, mà chính công chúng, những người từng tôn vinh họ cũng sẽ là “tòa án” nghiêm khắc nhất.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, một số nghệ sĩ vì thiếu kiến thức và kỹ năng ứng xử phù hợp, đôi khi đã có những phát ngôn thiếu kiểm soát, tham gia quảng cáo sai sự thật hoặc vi phạm các chuẩn mực nghề nghiệp, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Những sự việc như vậy không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà còn tổn hại đến hình ảnh của giới nghệ thuật biểu diễn nói chung.
(Thứ trưởng Bộ VHTTDL PHAN TÂM)
Chia sẻ với Văn Hóa xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý nghiêm minh, đồng thời đặt ra yêu cầu siết chặt vai trò của người nổi tiếng trong các hoạt động quảng cáo thương mại.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng, vụ việc Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố không chỉ là một vụ án hình sự đơn lẻ mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa danh tiếng, trách nhiệm và pháp luật trong xã hội hiện đại.
Theo ông Lượng, Thùy Tiên từng là gương mặt được yêu mến sau khi đăng quang Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, nhưng việc liên quan đến sản phẩm kẹo Kera mà cô đồng sáng lập, quảng bá đã “cho thấy một mặt tối của sự nổi tiếng”. Việc dùng danh tiếng để quảng cáo sai sự thật là hành vi không thể dung thứ, bởi “danh tiếng không thể là tấm khiên trước pháp luật”.
Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng nhấn mạnh, người nổi tiếng, đặc biệt là nghệ sĩ, hoa hậu hay các KOLs cần hiểu rằng, sự nổi tiếng là một quyền lực đi kèm nghĩa vụ. Họ không chỉ được công chúng kỳ vọng bởi tài năng hay nhan sắc, mà còn bởi tính gương mẫu và trách nhiệm xã hội. Vụ việc này là lời cảnh tỉnh cho người có ảnh hưởng và cơ quan quản lý, rằng: Trong một xã hội pháp quyền, chỉ có sự trung thực và tuân thủ pháp luật mới tạo dựng được giá trị bền vững.
Theo cơ quan chức năng, sản phẩm kẹo Kera đã bán ra thị trường 135.325 hộp, thu được 18 tỉ đồng, riêng hoa hậu Thùy Tiên được trả tiền hoa hồng gần 7 tỉ đồng
Răn đe nghiêm khắc để lấy lại niềm tin người tiêu dùng
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ tiếc nuối khi
Thùy Tiên từng là gương mặt được yêu mến sau khi đăng quang Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, nhưng việc liên quan đến sản phẩm kẹo Kera mà cô là người đồng sáng lập, quảng bá đã cho thấy một mặt tối của sự nổi tiếng. Việc dùng danh tiếng để quảng cáo sai sự thật là hành vi không thể dung thứ, bởi danh tiếng không thể là tấm khiên trước pháp luật.
(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội PHAN VIẾT LƯỢNG)
một người đẹp từng được công chúng yêu mến như Nguyễn Thúc Thùy Tiên lại vướng vào vụ việc nghiêm trọng. Ông cho rằng, việc một hoa hậu nổi tiếng tiếp tay cho sản phẩm giả, quảng cáo sai sự thật là không thể chấp nhận, cần được xem xét trách nhiệm nghiêm túc.
“Cơ quan điều tra đã truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng sản xuất, phân phối hàng giả và đang xem xét vai trò của Thùy Tiên. Dù là ai, nếu vi phạm pháp luật thì cũng phải bị xử lý. Đây không chỉ là vấn đề pháp lý, mà còn nhằm răn đe và lấy lại niềm tin người tiêu dùng”, đại biểu nhấn mạnh.
Từ vụ việc, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong giám sát chất lượng hàng hóa. Theo ông, tình trạng hàng giả tràn lan phản ánh cơ chế hậu kiểm lỏng lẻo và việc thực thi chưa nghiêm túc từ các Bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương.
Đại biểu đề xuất cần xem xét cơ chế tiền kiểm đối với một số sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và niềm tin người tiêu dùng. Đồng thời, phải xử lý nghiêm người nổi tiếng tiếp tay cho hàng giả qua quảng cáo sai sự thật, cũng như cán bộ quản lý có liên đới, phải có những án phạt tương xứng với mức độ vi phạm để làm gương cho xã hội”, ông nói.
Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs tham gia quảng cáo kẹo rau Kera trong một phiên livestream trên mạng xã hội
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận định, vụ việc liên quan đến Thùy Tiên và Quang Linh Vlog là đáng tiếc, bởi họ từng là hình ảnh đẹp của thanh niên Việt Nam.
Tuy nhiên, sự việc cũng là hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hụt kiến thức pháp luật trong một bộ phận người nổi tiếng. Theo bà, nhiều vi phạm khi quảng bá sản phẩm bắt nguồn từ việc thiếu hiểu biết pháp lý.
“Nếu được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, có lẽ họ đã không đánh đổi sự nghiệp và hình ảnh một cách đáng tiếc như vậy”, đại biểu này nói. Từ góc độ lập pháp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá cao việc dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi lần này đã bổ sung quy định rõ trách nhiệm pháp lý của người có ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo.
Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền pháp luật tới giới nghệ sĩ, KOLs. “Người nổi tiếng cần tự ý thức nâng cao hiểu biết pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật và chuẩn mực đạo đức. Chỉ như vậy, họ mới thực sự là hình mẫu xứng đáng trong lòng công chúng”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Tại lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng “Kiến thức, kỹ năng ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” diễn ra hôm 20.5 tại Bến Tre, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm đã phát biểu tâm huyết và cũng rất thẳng thắn: “Việc giữ gìn hình ảnh đẹp, uy tín và đạo đức nghề nghiệp không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu đối với giới làm nghệ thuật biểu diễn. Làm nghề thôi chưa đủ, mà còn phải làm người thật đẹp trong từng hành vi, từng ánh nhìn, từng lời nói”.
Lời nhấn mạnh ấy chính là sự nhắc nhở chân thành của Thứ trưởng đối với những người hoạt động nghệ thuật. Trong bối cảnh truyền thông mạng phát triển nhanh như hiện nay, mỗi cá nhân, đặc biệt là nghệ sĩ, người nổi tiếng, nếu không chủ động rèn luyện kỹ năng ứng xử và nhận thức pháp luật, rất dễ trượt dài trên con dốc của sự vô trách nhiệm, dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn.
THU SÂM - THÙY TRANG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/giai-tri/danh-tieng-khong-the-la-tam-khien-truoc-phap-luat-135980.html