Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến: 'Làm gì cũng phải tận lực!'

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến: 'Làm gì cũng phải tận lực!'
5 giờ trướcBài gốc
- Thưa đạo diễn, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, được trao giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 khi đã ở vai trò là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, điều này với anh có ý nghĩa như thế nào?
+ Đầu tiên phải nói rằng, đây là một niềm vui lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, với may mắn là có sự nỗ lực của tập thể nhà hát. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì trong mỗi chặng đường làm nghề, tôi đã ít nhiều có được những thành công nhất định như: khi là diễn viên, tôi từng đạt được Huy chương Vàng với vai diễn trong vở “Biến dạng”; vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do tôi làm đạo diễn từng được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc 2018 và bây giờ là một ghi nhận ở vai trò đạo diễn. Từ khi bén duyên với sân khấu, tôi luôn tâm niệm và mong muốn được theo đuổi nghề một cách tử tế, đam mê, luôn có ý thức trong việc học hỏi, rèn luyện để mình trưởng thành hơn mỗi ngày. Thật mừng là nghề không phụ người, bên cạnh những vất vả khó nhọc, cũng cho tôi những giây phút thăng hoa như thế!
- Thành công của vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ do anh dàn dựng năm 2018 đã tạo nên tiếng vang và đạt được những giải thưởng lớn. Đây có phải là lý do thôi thúc anh tiếp tục dàn dựng một tác phẩm khác của Lưu Quang Vũ “Ông không phải là bố tôi”?
+ Cũng không hoàn toàn như vậy. Bản thân tôi và nhiều đạo diễn khác đều rất thích những kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ và mong muốn được làm những vở diễn của ông. Bởi vì, các vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ, bên cạnh tính triết lý không mất đi theo thời gian và khiến thông điệp mà nó gửi gắm luôn mang tính thời đại, mà còn là những vở kịch thấm đẫm tình thương yêu con người, giàu chất thơ. Bên cạnh đó, tôi cho rằng kịch bản của nhà thơ Lưu Quang Vũ với Nhà hát Tuổi trẻ có một mối duyên từ rất sớm, vở “Sống mãi tuổi 17” cũng là kịch bản đầu tiên của ông đã được NSND Phạm Thị Thành dàn dựng ở đây. Đến năm 2023, tôi có cơ hội dựng lại vở diễn này và vở diễn đã có hàng trăm đêm diễn cho thanh niên trên địa bàn Thủ đô cũng như theo lời mời của các tỉnh như một đợt sinh hoạt chính trị dành cho các đoàn viên thanh niên. Tôi vui vì vở diễn dựng lại sau hơn 40 năm được khán giả trẻ của ngày hôm nay đón nhận.
- Trở thành Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, phải đối mặt với những áp lực là đương nhiên. Anh thấy bản thân phải đối mặt với những áp lực nào mà anh cho là khó vượt qua nhất?
+ Tôi cho rằng, áp lực nhất đó chính là làm sao kéo được khán giả đến với các chương trình biểu diễn của nhà hát, bởi đi liền với đó là thu nhập, là đời sống của anh chị em nghệ sĩ, là uy tín của nhà hát. Đối với tôi, khi ở bất cứ vai trò nào, khi là diễn viên, là đạo diễn, hay giờ ở cương vị người đứng đầu một đơn vị nghệ thuật, thì không có nỗi lo sợ nào hơn thái độ thờ ơ, quay lưng của khán giả. Với Nhà hát Tuổi trẻ, đối tượng chính là khán giả trẻ tuổi, học sinh, sinh viên lại càng khó hơn. Đây cũng chính là những người nhạy cảm nhất với những điều mới mẻ và những hình thức giải trí nhanh.
Để kéo khán giả đến rạp đã khó, để có một vở diễn giúp họ thêm yêu sân khấu lại càng khó hơn nhiều trong bối cảnh người trẻ bị chi phối sâu sắc bởi chiếc điện thoại di động như hiện nay. Ý thức được điều này, sau mỗi vở diễn, tôi và các đồng nghiệp lại cùng nhau rút kinh nghiệm, tìm cách hiểu kỹ hơn về tâm lý “khách hàng”, về “món ăn” mà khán giả mong muốn, chờ đợi khi họ quyết định tạm rời chiếc điện thoại trong một khoảng thời gian để đi xem một chương trình nghệ thuật. Nhà hát cũng đã có những chiến lược riêng để thu hút đối tượng khán giả trẻ, bằng việc có mặt trên Facebook, TikTok để tiếp cận khán giả theo những cách đang phổ biến nhất và thường xuyên cập nhật các vở diễn, chương trình có nội dung phù hợp với khán giả trẻ trên các nền tảng online này.
- Là người đứng đầu một đơn vị nghệ thuật, đồng nghĩa với việc phải giải quyết rất nhiều công việc sự vụ bận rộn liên quan đến cơm áo gạo tiền. Điều này ảnh hưởng thế nào đến con người luôn mong muốn được “làm nghề một cách tử tế” như anh đã nói?
+ Đúng như bạn nói, công việc sự vụ khiến tôi rất bận rộn và để có thể vừa làm nghệ thuật lại vừa làm quản lý là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, tự trọng nghề nghiệp cũng đòi hỏi mình phải làm một cách nghiêm ngắn, làm tốt hơn trước kia. Chính vì thế, nhà hát và bản thân tôi cũng đang chú trọng việc đào tạo đội ngũ kế cận để họ chia sẻ, gánh vác những phần công việc đó.
- Đào tạo đội ngũ kế cận là đồng nghĩa với việc trao cho người trẻ những cơ hội để thể hiện và phát triển mình. Ông nghĩ sao về câu chuyện nghệ sĩ trẻ hiện nay hầu như chẳng thể sống được bằng đồng lương và phụ cấp biểu diễn từ các nhà hát mà đều phải bươn chải ở bên ngoài?
+ Xã hội phát triển cũng tạo ra cho nghệ sĩ nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập để trang trải đời sống và nuôi gia đình như đóng phim, làm quảng cáo, diễn tiểu phẩm, thậm chí là bán hàng thông qua hình ảnh của mình. Như tại Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi rất linh hoạt trong việc sử dụng nhân lực. Ngoài lực lượng trong biên chế chính thức của nhà hát, còn có rất nhiều nghệ sĩ được mời hợp tác theo thời vụ, theo hợp đồng. Chúng tôi chủ trương tạo điều kiện hết mức cho nghệ sĩ, diễn viên khi họ có cơ hội làm việc ở bên ngoài mà vẫn đảm bảo những nhiệm vụ theo yêu cầu của nhà hát. Khó khăn của người lãnh đạo, chính là phải khéo léo trong việc dung hòa, vừa luyện tập và biểu diễn vở mới tại nhà hát, vừa tạo điều kiện để các diễn viên có thể tham gia vào những hoạt động nghệ thuật khác nhằm có thêm thu nhập và đời sống tốt hơn. Có như thế thì họ mới yên tâm công tác, bởi ở thời đại nào, mối lo về “cơm áo gạo tiền” vẫn luôn thường trực và không là chuyện đùa với bất kỳ ai...
Một cảnh trong vở “Ông không phải là bố tôi”, kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ do NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến làm đạo diễn.
- Là một diễn viên được đào tạo tại Nhà hát Tuổi trẻ, có cơ hội làm việc với những nghệ sĩ lớn như NSND Phạm Thị Thành, NSND Lê Hùng... chắc hẳn những người thầy đó đã cho anh nhiều bài học quý?
+ Nhà hát Tuổi trẻ có 4 đợt đào tạo nghệ sĩ tại chỗ và đến nay rất nhiều nghệ sĩ trưởng thành từ các khóa đào tạo này trở thành tên tuổi lớn như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSND Minh Hằng, NSƯT Chí Trung, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Đức Khuê, NSƯT Nguyệt Hằng, nghệ sĩ Vân Dung... Được đào tạo theo kiểu “vừa học vừa làm”, những học viên trải qua chương trình đào tạo này đều đi lên từ những vai diễn nhỏ, nhưng điều tuyệt vời nhất chính là được học ở một môi trường nghệ thuật sống động, với những nghệ sĩ mà mình ngưỡng mộ và học hỏi được rất nhiều điều không chỉ về nghệ thuật mà cả về đạo đức, lối sống, quan niệm về nghệ thuật của họ. Mỗi người thầy đều có những bài học, những ảnh hưởng đến con đường, quan niệm nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, bài học lớn nhất mà tôi học được từ những người thầy lớn của mình như NSND Phạm Thị Thành, NSND Lê Hùng, NSND Xuân Huyền... là: Làm gì cũng phải tận lực, cho dù đó chỉ là một vai diễn nhỏ!
- Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm theo đuổi nghệ thuật, điều gì khiến anh cảm thấy tự hào nhất và có điều gì khiến anh tiếc nuối không?
+ Có thể nói, trên hành trình làm nghệ thuật của mình, tôi từng trải qua hầu hết các vị trí tại nhà hát, cùng nhà hát trải qua những thăng trầm và cũng nhiều lần phải đối mặt với những áp lực để có thể tiếp tục duy trì và giữ ngọn lửa tình yêu với sân khấu. Điều khiến tôi tự hào nhất, có lẽ là cho dù phải đối mặt với điều gì thì tình yêu đối với sân khấu, niềm mong mỏi được cống hiến cho nghệ thuật trong tôi cũng không bị lung lạc. Bởi vì tôi luôn có niềm tin. Chính vì thế, khi nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi không có gì phải tiếc nuối cả. Bây giờ, tôi chỉ mong muốn “chèo lái” để con thuyền Nhà hát Tuổi trẻ tiến về phía trước vững vàng, có thêm nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật đặc sắc, có giá trị để phục vụ khán giả nói chung và khán giả trẻ tuổi nói riêng.
- Xin cảm ơn đạo diễn, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến!
Nguyệt Hà (thực hiện)
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dao-dien-nsut-nguyen-si-tien-lam-gi-cung-phai-tan-luc--i750956/