Đạo luật thuế và chi tiêu của Tổng thống Trump: Cột mốc lịch sử với nhiều rủi ro tiềm ẩn

Đạo luật thuế và chi tiêu của Tổng thống Trump: Cột mốc lịch sử với nhiều rủi ro tiềm ẩn
5 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Trong suốt nhiều thập kỷ, đảng Cộng hòa luôn theo đuổi quan điểm nước Mỹ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu giảm thuế và thu hẹp các chương trình hỗ trợ cho người thu nhập thấp. Giờ đây, với đạo luật thuế và chi tiêu quy mô lớn mà Tổng thống Donald Trump sắp ký ban hành, nước Mỹ chuẩn bị bước vào một giai đoạn thử nghiệm thực tế với chính sách đó.
Theo The Guardian (Anh), đạo luật này – dự kiến được Tổng thống Trump ký đúng vào ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 – sẽ hiện thực hóa những cam kết chủ chốt trong chiến dịch tái tranh cử của ông. Luật sẽ gia hạn các khoản giảm thuế từng được ban hành trong nhiệm kỳ đầu của ông, đồng thời bổ sung thêm các ưu đãi thuế mới dành cho tầng lớp lao động – nhóm cử tri đã đóng vai trò then chốt trong chiến thắng bầu cử của ông.
Tuy nhiên, đi kèm với các khoản giảm thuế là những thay đổi sâu rộng đối với hai chương trình an sinh xã hội lớn: Medicaid (hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người thu nhập thấp và người khuyết tật) và SNAP (chương trình hỗ trợ người nghèo mua thực phẩm). Cả hai sẽ bị cắt giảm ngân sách và áp đặt các yêu cầu làm việc khắt khe hơn – động thái mà các chuyên gia cảnh báo có thể khiến hàng triệu người mất quyền lợi và gây ra tác động lan rộng trong xã hội.
Bà Lelaine Bigelow, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nghèo đói và Bất bình đẳng tại Đại học Georgetown nhấn mạnh: “Mọi người thường nghĩ đây là vấn đề của ‘họ’ – những người nghèo. Nhưng thực tế, đây là vấn đề của tất cả chúng ta. Là những đứa trẻ học chung lớp với con bạn, là người hàng xóm, là đồng đội trong đội bóng. Tác động của đạo luật này sẽ lan tới mọi ngóc ngách của xã hội Mỹ”.
Dự luật “to đẹp”, như tên gọi của nó, đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày 3/7. Ngoài nội dung cốt lõi là giảm thuế, đạo luật còn phân bổ hàng chục tỷ USD cho các biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới, bao gồm cả việc xây dựng thêm tường rào dọc biên giới Mexico.
Để giảm chi phí, các chính sách khuyến khích năng lượng xanh thời cựu Tổng thống Joe Biden đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, phần lớn khoản “tiết kiệm” lại đến từ việc tái cấu trúc Medicaid và SNAP. Theo quy định mới, người nhận hỗ trợ từ hai chương trình này sẽ phải đáp ứng yêu cầu làm việc nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, các bang sẽ phải chia sẻ chi phí vận hành SNAP cùng với chính quyền liên bang.
Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), những thay đổi này có thể khiến tới 11,8 triệu người Mỹ mất quyền tiếp cận chăm sóc y tế qua Medicaid. Trong khi đó, Trung tâm Chính sách và Ngân sách (CBPP) –tổ chức nghiên cứu có xu hướng cấp tiến – cho rằng khoảng 8 triệu người, tương đương 1/5 số người hưởng SNAP, có nguy cơ bị cắt trợ cấp.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Phía đảng Cộng hòa phủ nhận việc cắt giảm phúc lợi, khẳng định luật chỉ nhắm tới việc “loại bỏ lãng phí, gian lận và lạm dụng”, từ đó tăng hiệu quả sử dụng ngân sách. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson thậm chí dẫn nguồn từ Viện American Enterprise – một tổ chức bảo thủ – cho rằng người nhận Medicaid không đi làm thường dành thời gian để… ngủ hoặc chơi điện tử.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đạo luật này thực chất vẫn ưu tiên lợi ích cho người giàu. Trong khi đảng Cộng hòa cảnh báo nếu không tiếp tục giảm thuế, người dân sẽ phải đóng thuế cao hơn và nền kinh tế sẽ gặp khó khăn, thì thực tế cho thấy phần lớn lợi ích từ các ưu đãi thuế lại chảy vào túi nhóm thu nhập cao nhất.
Một nghiên cứu từ Trung tâm Georgetown của bà Bigelow cho thấy 34% dân số Mỹ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thay đổi trong SNAP và Medicaid. Trong khi đó, chưa đến 2% người đóng thuế – nhóm giàu có nhất – là những người hưởng lợi lớn nhất từ ưu đãi thuế.
Dù đạo luật cũng có một số chính sách giảm thuế dành cho tiền típ, lương làm thêm giờ hay lãi suất vay mua ô tô, nhưng các điều khoản này chỉ kéo dài đến năm 2028.
Đáng chú ý, tác động kinh tế của đạo luật không chỉ giới hạn ở nhóm người trực tiếp hưởng an sinh xã hội. Việc cắt giảm SNAP có thể khiến doanh thu của các cửa hàng thực phẩm giảm sút. Các bệnh viện vùng nông thôn – vốn phụ thuộc phần lớn vào Medicaid – cũng có thể lâm vào tình trạng tài chính khó khăn, dù chính phủ đã dành quỹ 50 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Foster City, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Giáo sư Robert Manduca, chuyên ngành xã hội học tại Đại học Michigan, dự báo việc cắt giảm trợ cấp có thể gây thiệt hại lên tới 120 tỷ USD mỗi năm cho các nền kinh tế địa phương. Theo ông, nhu cầu tiêu dùng giảm sẽ kéo theo nguy cơ mất việc và bất ổn kinh tế lan rộng.
“Cả nhân viên và doanh nghiệp đều có thể thấy công việc, hoạt động của mình trở nên bấp bênh hơn khi nhu cầu tại địa phương suy giảm”, ông nói.
Trớ trêu thay, dù cắt giảm phúc lợi cho người nghèo, đạo luật này lại không giúp tiết kiệm ngân sách. Trái lại, Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo nó sẽ làm tăng thâm hụt liên bang thêm 3.300 tỷ USD từ nay đến năm 2034 – chủ yếu do chi phí từ các gói giảm thuế.
Bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm, cảnh báo rằng đạo luật có thể tạo một giai đoạn “hưng phấn nhất thời”cho nền kinh tế – tăng trưởng ngắn hạn nhờ vay mượn và tiêu dùng, nhưng để lại hậu quả nặng nề về lâu dài.
“Một giai đoạn hưng phấn có thể đến, nhưng sẽ không kéo dài. Và điều thường xảy ra sau đó là một cú sập. Sức khỏe dài hạn của nền kinh tế, của các gia đình Mỹ, và của thế hệ tương lai sẽ bị tổn hại vì đạo luật chi tiêu dựa trên nợ này”, bà nói.
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dao-luat-thue-va-chi-tieu-cua-tong-thong-trump-cot-moc-lich-su-voi-nhieu-rui-ro-tiem-an-20250704143236729.htm