Tăng thực hành giúp học viên nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.
Chính sách đào tạo nghề cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số đang mở cánh cửa vững chắc, giúp các em chủ động lập nghiệp.
Từ lớp học nghề đến tấm bằng song hành
Ít ngày nữa, Trương Thị Điềm (sinh năm 2007), người dân tộc Nùng, trú tại xã Ea Yông (Krông Pắc, Đắk Lắk) bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Bên cạnh tài liệu ôn tập, hồ sơ xin việc làm hướng dẫn viên du lịch cũng được Điềm hoàn tất. Trước đó, em cùng 67 học sinh người dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk được trao bằng tốt nghiệp trung cấp nghề.
Theo lời Điềm, vì hoàn cảnh khó khăn, sau khi học xong lớp 9, em và gia đình quyết định chọn vào học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Krông Pắc. Năm 2022, khi có chủ trương hỗ trợ học nghề từ Nghị định 81/2021 của Chính phủ, em đăng ký học nghề hướng dẫn du lịch tại Trường Trung cấp Tây Nguyên.
“Trường Trung cấp Tây Nguyên bố trí nơi học lý thuyết tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện nên thuận lợi cho việc học nghề và chương trình THPT hệ GDTX. Các đợt thực hành, chúng em được nhà trường dẫn đến thực tập tại công ty du lịch trong và ngoài tỉnh. Do đó, kỹ năng, nghiệp vụ học được không còn là lý thuyết mà có thể vận dụng ngay vào thực tế”, em Điềm bày tỏ.
Cũng theo lời Điềm, sở dĩ chọn học nghề hướng dẫn du lịch vì muốn khám phá vẻ đẹp của quê hương, đất nước và các nước trên thế giới. Đây cũng là nghề đòi hỏi sự năng động, giỏi về ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp.
Học viên học nghề tại Trường Trung cấp Tây Nguyên.
Tương tự, em Ksơr Y Hiếc (sinh năm 2007, dân tộc Ê Đê) thường trú tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) chọn học nghề thương mại điện tử vì muốn sớm kiếm thu nhập phụ giúp cha mẹ nuôi 4 em nhỏ. “Giờ em có thể viết bài quảng bá sản phẩm, quay dựng video. Sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, em muốn đi làm ngay, sau đó mới học tiếp. Nhà nghèo nên em không dám nghĩ tới đại học”, Y Hiếc bày tỏ.
Cũng với tinh thần chủ động, em Y Đan Niê, dân tộc Ê Đê (Cư Kuin, Đắk Lắk) chọn nghề tin học ứng dụng vì đam mê công nghệ và mong muốn làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
“Các ứng dụng từ ngành công nghệ thông tin gần như đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống. Do đó, sau khi thi xong tốt nghiệp THPT, em dùng bằng trung cấp nghề đi xin việc ở công ty tư nhân. Em sẽ nỗ lực làm việc và tự học thêm phần lập trình để phát triển bản thân, nếu có điều kiện sẽ giúp bà con trong buôn tiếp cận nhiều hơn các ứng dụng tin học hữu ích cho cuộc sống”, Y Đan nói quả quyết.
Từ thực tế đào tạo văn hóa song hành học nghề, TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk nhận thấy, việc học sinh sau khi học xong cấp THCS lựa chọn học nghề phù hợp với năng lực, sở trường và điều kiện kinh tế là hướng đi phù hợp xu thế cũng như định hướng phân luồng sau THCS của Chính phủ.
Chính sách đúng, cơ hội mở
Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ không chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí, mà còn tạo nền tảng pháp lý cho chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn, đặc biệt người dân tộc thiểu số. Tại Đắk Lắk, chính sách này đang triển khai hiệu quả, mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên dân tộc thiểu số lập thân, lập nghiệp.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Đắk Lắk, hằng năm có hơn 300 học sinh dân tộc thiểu số tại địa phương đã và đang được thụ hưởng chính sách này thông qua việc học nghề tại các cơ sở như Trường Trung cấp Tây Nguyên, Trung cấp Đắk Lắk, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Dam San...
Theo bà Nguyễn Vũ Anh Thư - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Dam San (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), triển khai Nghị định 81/2021, mỗi năm trung tâm đào tạo cho hơn 200 học viên. Các em được học nghề miễn phí. Riêng năm 2024, trung tâm có 299 học viên, trong đó 189 học viên người dân tộc thiểu số. Các ngành nghề đào tạo gồm pha chế, chế biến thực phẩm, nghiệp vụ nhà hàng…
“Hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp, có cuộc sống ổn định. Một số đã tự mở được cửa hàng kinh doanh riêng, tạo công ăn việc làm cho người khác”, bà Thư nói.
Còn theo ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Nội vụ Đắk Lắk) cho rằng: Chính sách hỗ trợ 100% học phí học nghề, cộng với hỗ trợ tiền ăn, ở, học bổng và giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp đang tạo ra sức hút rất lớn đối với học sinh dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn, cần tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Đây cũng là “điểm nghẽn” lớn nhất trong nỗi lo của Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Nguyên, bà Trần Thị Thiết. Bởi hiện nay, một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc kết nối, đặt hàng các đơn vị đào tạo.
Do đó, thời gian tới cần sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp và ngành chức năng để tạo điều kiện cho nhà trường trong việc thực hiện chính sách nhân văn này. Về phía các cơ sở đào tạo cũng phải cam kết chất lượng bằng việc “thực học - thực hành và thực làm”.
Năm 2025, Đắk Lắk đã trao bằng tốt nghiệp Trung cấp nghề cho 144 học sinh, trong đó 67/144 em là người dân tộc thiểu số. Hầu hết trong số này đang học tại các trung tâm GDNN - GDTX các huyện vùng sâu. Ngành nghề được lựa chọn nhiều nhất: Tin học ứng dụng, thương mại điện tử, hướng dẫn du lịch, sửa chữa ô tô.
Bài 2: Phát triển bền vững từ giáo dục nghề nghiệp
Bài, ảnh: Thành Tâm