Đề thi không phải một sản phẩm truyền thông
Khi có nhiều phản hồi rằng đề thi "không ăn nhập" với việc dạy và học ở trường, gây lo lắng và cảm giác không công bằng cho thí sinh, thì việc đánh giá lại là vô cùng cần thiết.
Mặc dù có một kỳ vọng "ngầm" nhưng mạnh mẽ rằng đề thi phải "được lòng công chúng", đây có thể là một cái "bẫy". Đề thi là công cụ đánh giá trong giáo dục, không phải một sản phẩm truyền thông.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là hoạt động kiểm tra kiến thức và kỹ năng của học sinh cuối lớp 12, nhằm đánh giá kết quả học tập, xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời là một trong những cơ sở quan trọng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Hà Nội.
Trong giáo dục, đánh giá là một hoạt động gắn liền với dạy và học, bao gồm các hình thức như bài kiểm tra, dự án học tập, hoặc các kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT thuộc hình thức đánh giá tổng kết, tương tự như các kỳ thi quốc gia ở nhiều nước như GCSE, A-level tại Anh hay Cao Khảo tại Trung Quốc.
Các tiêu chí quan trọng của đề thi
Có bốn tiêu chí phổ biến được công nhận rộng rãi trong đánh giá giáo dục mà đề thi tốt nghiệp THPT 2025 cần được rà soát:
Tính hợp lệ (Validity): Tiêu chí này đề cập đến việc kết quả đánh giá có phù hợp, có ý nghĩa và hữu ích cho việc đánh giá học sinh hay không. Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay có chức năng kép: vừa đánh giá mức độ hoàn thành bậc học phổ thông, vừa giúp sàng lọc, phân hóa trình độ thí sinh để tuyển sinh đại học.
Ví dụ, với môn Ngữ văn, nếu đề thi đánh giá được kiến thức văn học của thí sinh đối với các tác phẩm đã học, năng lực sử dụng ngôn ngữ đời sống và học thuật, cũng như khả năng cảm thụ tác phẩm văn học nói chung thì đó là đề thi có tính hợp lệ cao. Ngược lại, một đề văn tuy mang tính thời sự nhưng không có khả năng đánh giá đúng năng lực môn văn của học sinh có thể bị xem là "lạc đề".
Tính đáng tin cậy (Reliability): Tiêu chí này đảm bảo sự ổn định và nhất quán của đề thi. Nếu đề thi năm trước và năm sau cho ra kết quả (điểm) khác biệt quá lớn, hoặc nếu có sự khác biệt rõ rệt giữa "thi thử" và "thi thật", điều đó có thể cho thấy tính đáng tin cậy đang có vấn đề, hoặc đề thi có tính thiên vị (bias), khiến một nhóm thí sinh có lợi trong trong khi nhóm khác gặp bất lợi.
Tính chân thực (Authenticity): Đề thi có thực sự đánh giá được "năng lực" người học như mục tiêu đề ra, và năng lực đó có trùng khớp với năng lực cần có ngoài đời sống hay không? Đây là khía cạnh mà sự phản hồi của công chúng có ý nghĩa rất lớn để các nhà giáo dục điều chỉnh.
Chẳng hạn, nếu mục tiêu đánh giá môn tiếng Anh là khả năng giao tiếp (đặc biệt là đọc – viết) ở mức độ 3 (tương đương B1), việc đưa nội dung phân hóa lên tới cao hơn hai, ba bậc (C1, C2) là điều hiếm xảy ra trong khảo thí ngôn ngữ quốc tế. Thông thường, các kỳ thi quốc tế chỉ đẩy độ khó lên không quá 1 bậc so với mức độ mục tiêu để đánh giá các thí sinh xuất sắc.
Hiệu ứng (Washback): Tiêu chí này xem xét kỳ thi ảnh hưởng như thế nào đến việc học, tức là có dẫn đến "học gì thi nấy" hay "thi thế nào thì học sẽ như vậy". Bộ GD&ĐT đã nêu quan điểm hướng tới việc đánh giá năng lực học sinh. Do đó, nếu trường học và người học vẫn theo cách thức cũ tập trung vào ghi nhớ kiến thức hay luyện giải đề, họ sẽ ngày càng gặp bất lợi với cách ra đề mới.
Băn khoăn về tính thực tế của kỳ thi
Dư luận cũng đặt câu hỏi về tính thực tế (practicality) của kỳ thi, và điều này có cơ sở. Mỗi nền giáo dục có cách xử lý khác nhau. Việt Nam tổ chức thi tốt nghiệp quốc gia một năm một lần, trong khi Anh có vài kỳ thi A-Levels trong năm, còn Mỹ không có kỳ thi tốt nghiệp quốc gia mà xét tốt nghiệp theo tín chỉ do trường tự làm, kết hợp với các kỳ thi đánh giá năng lực chung vào đại học (SAT, ACT) do tổ chức khảo thí cung cấp suốt năm.
Việc ngành giáo dục Việt Nam giải quyết việc thi và phân loại cho hơn 1 triệu thí sinh chỉ trong 2 ngày là một nỗ lực vượt bậc, thể hiện rõ tính thực tế xét về hiệu quả sử dụng nguồn lực thời gian, con người, và chi phí. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ những phương án tối ưu hơn như thi trên máy tính, điều mà chúng ta cần hướng tới trong thời gian tới.
Rõ ràng, kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích kép: phục vụ cả xét tốt nghiệp lẫn xét tuyển sinh đại học, và cần tuân theo những tiêu chuẩn, tiêu chí của đánh giá trong giáo dục, hơn là gây ấn tượng với công chúng như một "sản phẩm truyền thông". Tuy nhiên, khi có nhiều phản hồi rằng đề thi "không ăn nhập" với việc dạy và học ở trường, cũng như gây lo lắng, cảm giác không công bằng cho thí sinh, thì rất cần "đánh giá lại công cụ đánh giá" một cách khoa học và giải trình minh bạch.
Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả về vai trò và các tiêu chí của một đề thi chuẩn mực.
ThS. Bùi Khánh Nguyên – chuyên gia giáo dục