Hiến pháp năm 2013 có quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cùng với đó, các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta được phân định thành 3 cấp là: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Ảnh minh họa: sggp.org.vn
Tuy nhiên, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Hiện một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn có sự trùng lắp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, trùng lặp về đối tượng vận động tập hợp ở một số tổ chức thành viên của mặt trận, có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời. Mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được tối đa việc ứng dụng thành tựu của khoa học-công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trước bối cảnh nêu trên, Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12-4-2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và xã), sắp xếp các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là bước đi chiến lược, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là yêu cầu khách quan từ thực tiễn và là bước đi cần thiết nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, tạo cơ sở pháp lý cho việc tinh gọn, đổi mới tổ chức bộ máy, hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong thời kỳ mới.
Việc sửa đổi lần này tập trung vào hai nhóm nội dung chính: Các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; và các quy định để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là một nhiệm vụ chính trị hệ trọng, thể hiện tinh thần cầu thị, đổi mới, quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là nền tảng để tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững.
VŨ DUNG