Sửa đổi Hiến pháp vì sự phát triển của đất nước

Sửa đổi Hiến pháp vì sự phát triển của đất nước
18 giờ trướcBài gốc
Hôm nay, 7-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) sẽ nghe đại diện Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết (NQ) của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (viết tắt là dự thảo NQ sửa đổi Hiến pháp), sau đó thảo luận tại tổ về nội dung này.
Kết thúc hoạt động cấp huyện từ ngày 1-7
Trước đó, từ sáng 6-5, Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp đã công bố toàn văn dự thảo NQ sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Việc lấy ý kiến sẽ từ ngày 6-5, hoàn thành vào ngày 5-6.
Việc tổ chức lấy ý kiến được yêu cầu phải tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Các ý kiến đóng góp phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc. Cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử QH, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm.
Dự thảo NQ sửa đổi Hiến pháp có 2 điều. Trong đó, điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung điều 110 như sau: Các đơn vị hành chính của Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do QH thành lập. Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do QH quy định.
Khoản 2 điều 111 được sửa đổi, bổ sung: Chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do QH quy định.
NQ này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Kể từ ngày NQ này có hiệu lực thi hành, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.
Không bầu mà chỉ định
Theo dự thảo NQ sửa đổi Hiến pháp, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh: chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.
Căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ QH chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu QH của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp. Thủ tướng chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.
Các đại biểu Quốc hội tập trung nghiên cứu và thảo luận tại hội trường. Ảnh: PHẠM THẮNG
Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Thường trực HĐND cấp xã chỉ định ủy viên UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.
Theo thuyết minh của dự thảo NQ sửa đổi Hiến pháp, để kịp thời thể chế hóa Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới, đề nghị trong dự thảo cần có điều khoản chuyển tiếp (khoản 3 điều 2) quy định việc chỉ định các chức danh của HĐND, UBND và trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu QH để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026, khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện.
Lý do của việc cần áp dụng cơ chế nêu trên là do tính chất hết sức đặc biệt của việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này và cơ chế này chỉ thực hiện trong năm 2025 để phục vụ việc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này gắn với nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp. Còn sau bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và các năm tiếp theo, tiếp tục thực hiện bầu nhân sự bình thường theo đúng quy định hiện hành, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND.
Vì đất nước, vì nhân dân
Một trong những công tác lập hiến, lập pháp quan trọng của kỳ họp thứ 9 là xem xét, quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH Quảng Ninh, nhìn nhận: "Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch QH về xây dựng Hiến pháp, pháp luật thực hiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, số hóa, chúng tôi kỳ vọng sẽ thực hiện đúng tinh thần theo yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm là nói không với hạn chế, bất cập nào trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật để chúng ta xây dựng đất nước phát triển, vươn mình".
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là một quyết định hệ trọng cần được tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao nhất từ QH và toàn hệ thống chính trị, để làm sao thể hiện được tinh thần Hiến pháp là của dân, là của nhân dân, do nhân dân.
Hôm nay, 7-5, QH thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động
Dự thảo NQ sửa đổi Hiến pháp cũng sửa đổi, bổ sung điều 9 Hiến pháp theo hướng quy định MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng các tổ chức thành viên khác hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam.
Trả lại vị thế xứng đáng cho nhà giáo
Sáng 6-5, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Nội dung về dạy thêm, học thêm; chế độ, chính sách cho nhà giáo được nhiều đại biểu QH tham gia thảo luận.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình), dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội, của học sinh và phụ huynh, không thể quy rằng giáo viên ép buộc trong vấn đề học thêm. Thực tế, nhiều học sinh vẫn tự nguyện ra trung tâm học thêm tiếng Anh hay tự nguyện học thêm các môn văn hóa khác như âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật. Khi có nhu cầu của học sinh, của gia đình thì giáo viên dạy thêm và thu nhập này là hoàn toàn chính đáng, phù hợp, không có gì sai trái.
Đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội. Ảnh: PHẠM THẮNG
Điều quan trọng nhất chúng ta cần chống là khía cạnh tiêu cực. Đó là việc lợi dụng chuyện này để ép buộc học sinh đi học thêm, khi đó sẽ gây ra những tác động tiêu cực khác. Vì thế, đề nghị quy định làm sao để tổ chức các hoạt động này một cách chính thống như một loại hình dịch vụ khác và có nền nếp. Nếu làm được như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực.
Đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) trăn trở sâu sắc về nghề giáo - nghề được coi là "cao quý nhất trong các nghề cao quý". Đại biểu này cũng xúc động khi nhắc đến việc nhiều giáo viên phải xoay xở mưu sinh bằng nghề tay trái, từ bán hàng online, xe ôm, cò đất.
Sự thật ấy, theo ông, không chỉ khiến hình ảnh nhà giáo mất vẻ "sang trọng với nghề, ngạo nghễ với trò" mà còn làm lung lay niềm tin và sự kính trọng từ phụ huynh và HS. Những người mà theo ông lẽ ra phải là chỗ dựa tinh thần của nhà giáo.
Theo đại biểu Bế Trung Anh, Luật Nhà giáo không chỉ đơn thuần là một văn bản quy phạm pháp luật, mà phải có sứ mệnh trả lại danh xưng cho các nhà giáo đúng với vị trí của họ trong xã hội.
Ông đề nghị QH không chỉ phê chuẩn luật này, mà còn phải nỗ lực điều chỉnh để sâu sắc hơn nữa, gần với thực tiễn hơn nữa để nhà giáo không phải lo "cơm, áo, gạo, tiền" khiến họ được tự hào với nghề của mình và toàn tâm, toàn ý vào việc dạy dỗ.
Dự thảo luật cũng quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp nhưng không quy định tăng 1 bậc lương khởi điểm khi tuyển dụng. Ngoài ra, giáo viên được tuyển dụng, tiếp nhận làm nhà giáo phải thực hiện chế độ tập sự hoặc thử việc.
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 tuổi. Trường hợp có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì không giảm tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Ng.Thế - M.Phong
Văn Duẩn - Minh Chiến
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/sua-doi-hien-phap-vi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-196250506214920661.htm