Cơ chế chỉ định chức danh thuộc HĐND, UBND là phù hợp
Làm rõ một số nội dung của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, trong quá trình xây dựng và biên tập dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến còn băn khoăn về quy định chuyển tiếp tại khoản 3, điều 2, liên quan đến việc chỉ định các chức danh thuộc HĐND và UBND tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Đại biểu cho rằng, cơ chế chỉ định này phù hợp, bởi nhiệm kỳ của HĐND tại các đơn vị hành chính hiện nay chỉ kéo dài đến đầu năm 2026, thời gian còn lại rất ngắn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại tổ - Ảnh: Khánh Duy
Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này diễn ra trên quy mô toàn quốc, với quy mô lớn, như nhập 3 tỉnh thành 1 hoặc nhập 5 - 7 xã thành 1 đơn vị hành chính cấp xã. Sự thay đổi này khiến các đại biểu HĐND tại các đơn vị trước sắp xếp khó có điều kiện theo dõi, đánh giá chính xác năng lực, trình độ và khả năng đảm đương công việc của các cán bộ sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại đơn vị hành chính mới.
Về thẩm quyền chỉ định, dự thảo Nghị quyết quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên, Trưởng ban và Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh. Quy định này phù hợp với thẩm quyền phê chuẩn hiện nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các chức danh do HĐND bầu, chỉ bổ sung thêm Trưởng ban.
Đối với cấp xã, dự thảo Nghị quyết quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban của HĐND cấp xã, cũng như Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Quy định này gây băn khoăn về nguyên tắc quản lý hành chính, bởi theo luật hiện hành, Chủ tịch UBND cấp trên phê chuẩn các chức danh do HĐND cấp xã bầu, còn cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
"Việc giao Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định các chức danh cấp xã có thể chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý hành chính, mặc dù phù hợp với Kết luận số 150 của Bộ Chính trị. Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền cân nhắc điều chỉnh thẩm quyền chỉ định để đảm bảo phù hợp hơn với nguyên tắc quản lý hành chính hiện nay" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nêu.
Hơn 1.300 lượt ý kiến được ghi nhận trên ứng dụng VNEID
Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, việc Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, các ngành và các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp đánh dấu một bước tiến bộ đáng kể.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, chiều 7/5. Ảnh: Như Ý
"Điểm khác biệt trong lần lấy ý kiến này là ngoài các hình thức truyền thống, chúng ta đã áp dụng nền tảng số thông qua ứng dụng VNeID. Tính đến nay, đã có hơn 1.300 lượt ý kiến được ghi nhận trên ứng dụng này" - đại biểu Phương Thủy cho biết.
Đối với đề xuất sửa đổi điều 110 về phân định các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại biểu Phương Thủy phân tích, dự thảo Nghị quyết không liệt kê cụ thể các loại đơn vị hành chính mà chỉ nêu: đơn vị hành chính bao gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Lý do dự thảo Nghị quyết không liệt kê chi tiết là để rút kinh nghiệm từ điều 110 của Hiến pháp hiện hành, vốn quy định quá cụ thể, dẫn đến thiếu linh hoạt trong tổ chức đơn vị hành chính.
Vân Hà