Vi mạch bán dẫn là một trong những ngành quan trọng được tập trung đầu tư phát triển nhằm đáp ứng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh mới. Để có một lực lượng nhân lực chất lượng cao ngành vi mạch bán dẫn, Bộ GD&ĐT đã đặt nhiều yêu cầu về chuẩn chương trình đào tạo bậc đại học, cao đẳng.
Cụ thể, về chuẩn đầu vào hệ cử nhân, kỹ sư, nếu thí sinh muốn theo học ngành này ngoài đủ điểm trúng tuyển còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn kép như khi tuyển sinh dựa trên kết quả thi kỳ thi tốt nghiệp THPT thí sinh phải có điểm bài thi môn Toán đạt tối thiểu 80% thang điểm xét (tối thiểu 8/10); Tổ hợp xét tuyển phải có ít nhất một môn thuộc Khoa học tự nhiên phù hợp chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn; Tổng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 80% thang điểm xét (tối thiểu 24/30 đối với tổ hợp gồm 3 môn).
Đại điện Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết để xây dựng cơ sở chương trình, hội đồng tư vấn chuyên môn nhận thấy kiến thức nền tảng học sinh cần phải có để theo học tốt ngành vi mạch bán dẫn và STEM đặc biệt liên quan kiến thức về toán.
"Sau này, trong quá trình học tập và làm việc ở ngành vi mạch bán dẫn, các em sẽ sử dụng kiến thức về Toán rất nhiều", ông Dũng đánh giá.
Một số ngành thuộc danh mục các ngành đào tạo phục vụ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cũng lưu ý, học sinh cần nghiên cứu kỹ quy định vì chuẩn chương trình đào tạo này áp dụng cho các trường sẽ tham gia vào đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn.
"Với các trường không tham gia đề án sẽ không bắt buộc tuân theo quy định này. Điều này có nghĩa là các trường vẫn có thể tuyển sinh đầu vào ngành này với các quy định khác", ông Nguyễn Anh Dũng bày tỏ.
Yêu cầu cao chất lượng đầu vào là điều quan trọng, tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều năm liền thí sinh chuộng thi các môn Khoa học xã hội, nguồn tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn vẫn ở mức thấp. Việc tăng yêu cầu đầu vào càng đặt ra thách thức không nhỏ cho việc có đảm bảo số lượng tuyển sinh cho các trường đại học hiện nay.
Trường Đại học Giao thông vận tải là một trong những cơ sở giáo dục đại học được giao đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn. Nhiệm vụ này nằm trong khuôn khổ Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" theo Quyết định 1017 của Chính phủ.
Đại diện nhà trường cho biết, trước những quy định mới Hội đồng tuyển sinh vẫn còn nhiều băn khoăn. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ phù hợp của các tiêu chuẩn vẫn cần thêm thời gian và dữ liệu thực tiễn.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải đánh giá: "Với chuẩn chương trình đào tạo của ngành vi mạch bán dẫn nhà trường cũng có những lo lắng nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là lo lắng sớm bởi còn phải phụ thuộc vào mức độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT và phổ điểm thi của thí sinh".
Theo bà Hòa, nếu số lượng thí sinh được điểm 8 môn Toán có thể đáp ứng được chỉ tiêu mong muốn của ngành vi mạch bán dẫn nói riêng và các ngành khác nói chung, thì sẽ vừa đảm bảo cả số lượng và chất lượng tuyển sinh. Nhưng, nếu năm nay đề thi khó hơn, ít thí sinh đáp ứng được yêu cầu thì tất nhiên sẽ phải chấp nhận không tuyển đủ chỉ tiêu.
"Hiện chúng tôi cũng tham gia các đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao và cam kết đào tạo một lượng kỹ sư vi mạch bán dẫn nhất định trong khoảng 10 năm tới. Mặc dù vậy, số lượng và chất lượng lại là 2 yêu cầu ràng buộc nhau. Nếu nhà trường thực hiện đúng chuẩn đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, để lọc thí sinh có năng lực, thì có thể sẽ không đủ số lượng chỉ tiêu đào tạo đã được giao", bà Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.
Năm 2024, số thí sinh được điểm 8 môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT là hơn 50.000 em.
Đánh giá theo số liệu điểm thi từ những năm trước, đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải cũng nhận thấy với yêu cầu môn Toán đạt 8 điểm và tổng điểm 3 môn tối thiểu 24 điểm là ở mức cao. Bởi số thí sinh đạt đủ điều kiện như vậy là không nhiều, mặc dù đây là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất của nhà trường.
Tư vấn thêm cho những thí sinh năm nay có nguyện vọng đăng ký các ngành thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa cho hay: "Đây là ngành học thuộc tốp đầu, nên các em cần có thời gian dài học tập theo hướng các môn Khoa học xã hội, có năng lực thực sự về Toán, Vật lý, Hóa học. Đây chắc chắn không phải ngành cho các em có lựa chọn nhất thời, theo xu hướng mà không ôn tập bài bản, dài hơi".
Đối với những thí sinh là năng lực còn ở mức trung bình, nhưng thực sự yêu thích đam mê về vi mạch bán dẫn, có thể hãy cho mình cơ hội, thời gian ôn tập, bồi dưỡng thêm một năm nữa những môn học xét tuyển. Các quy định chuẩn đầu vào này sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian dài, chứ không chỉ trong một hai năm, việc chuẩn bị tốt nhất sẽ không bao giờ là quá muộn cho các em.
Vi mạch bán dẫn là một trong những lĩnh vực được tập trung đầu tư phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Áp dụng tiêu chuẩn đầu vào sẽ rất khó tuyển sinh cho các trường là quan điểm của vị Hiệu phó một trường đại học ngoài công lập.
Theo vị Hiệu phó: "Đào tạo chất lượng cao là mục tiêu của tất cả các trường đại học, nhưng cần dựa trên nhiều căn cứ khác nhau. Thực tế, tuy nói chung là vi mạch bán dẫn những ngành này có rất nhiều giai đoạn và vị trí khác nhau, vì vậy, rất khó đánh đồng quy chuẩn đào tạo các chuyên ngành là giống nhau".
Hiện nay ngành bán dẫn chia làm 3 giai đoạn gồm thiết kế, sản xuất, kiểm thử - đóng gói. Do tính chất phức tạp nên các tập đoàn đều đang phát triển chuyên môn hóa ở các giai đoạn, thay vì gộp chung vào làm một. Quy trình sẽ có vị trí cần kỹ sư tay nghề, trình độ cao để nghiên cứu, sáng tạo, nhưng ngược lại cũng có nhiều công việc đòi hỏi những yêu cầu cụ thể khác nhau.
Trước đó, góp ý tại tọa đàm Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Xung lực từ Nghị quyết 57, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho rằng xây dựng khung chương trình đào tạo về đào tạo vi mạch bán dẫn, thể hiện mong muốn về mặt chất lượng, nhưng nếu số lượng đáp ứng không cao thì cũng cần suy nghĩ rất kỹ.
"Chúng ta cần chất lượng, quản lý ở đầu ra chứ không phải thắt chặt ngay đầu vào. Bởi vì đào tạo nhân lực cho một ngành công nghiệp yêu cầu số đông, khác với đào tạo tinh hoa. Cần số đông mà chúng ta lại "chặn" ngay đầu vào thì chính sách sẽ ngược với nhau", ông Lê Trường Tùng đánh giá.
Cũng theo ông Tùng, hiện số lượng học trong lĩnh vực STEM còn thấp. Do vậy, cần có giải pháp để tạo sự dịch chuyển, tác động vào từng người học lựa chọn lĩnh vực này. Ở đây, nếu như có người học, chúng ta sẽ có cách thức triển khai, cùng với sự quản lý của Nhà nước để cuối cùng chất lượng cao hơn. Nhưng nếu không có người học hoặc không đủ số lượng như mong muốn sẽ rất khó.
Nguyễn Hoa Trà