Sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở khâu chế biến, đã biến đất hiếm thành thứ vũ khí sắc bén, buộc Mỹ, châu Âu và các đồng minh phải tìm kiếm giải pháp thay thế đầy thách thức.
*Vị thế của đất hiếm và chiến lược của Trung Quốc
Đất hiếm, gồm 17 nguyên tố hóa học, cùng các khoáng sản quan trọng như lithium, cobalt, gali..., là "xương sống" của công nghệ hiện đại, từ điện thoại thông minh, xe điện đến vũ khí tiên tiến.
Đất hiếm chuẩn bị xuất khẩu được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, khai thác và chế biến đất hiếm là quá trình phức tạp, tốn kém và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để đạt độ tinh khiết cần thiết cho các ứng dụng công nghệ cao, các quốc gia cần đầu tư lớn vào công nghệ và cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đã tận dụng lợi thế về chi phí lao động thấp, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và cải tiến công nghệ để thống trị thị trường đất hiếm.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc kiểm soát 61% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu và 92% khâu chế biến, đặc biệt với đất hiếm nặng – loại khó khai thác và tinh chế nhất. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết Trung Quốc sở hữu 44 triệu tấn trữ lượng đất hiếm, chiếm 34% tổng trữ lượng thế giới.
Trung Quốc đã khai thác đất hiếm từ sớm, bắt đầu từ những năm 1950, nhưng ngành công nghiệp này chỉ thực sự bắt đầu phát triển vào cuối những năm 1970.
Trong tháng 4/2025, Trung Quốc đã áp đặt hạn chế xuất khẩu 7 nguyên tố đất hiếm nặng và nam châm, yêu cầu giấy phép đặc biệt và cấm tái xuất sang Mỹ, nhằm trả đũa chính sách thuế quan của Mỹ.
Jan Giese, nhà giao dịch kim loại của Tradium, một trong số các công ty cung cấp đất hiếm hàng đầu tại châu Âu, có trụ sở tại Frankfurt (Đức), cảnh báo rằng khách hàng đã bị bất ngờ và hầu hết các tập đoàn ô tô, nhà cung cấp của công ty chỉ nắm giữ lượng nam châm đủ dùng trong 2-3 tháng. Nếu các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hoặc Nhật Bản không nhận được lô hàng nam châm trong thời gian đó hoặc ít nhất là gần thời gian đó, chuỗi cung ứng ô tô sẽ gặp những vấn đề thực sự.
Chuyên gia Cory Combs của công ty tư vấn Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định rằng các loại đất hiếm nhẹ như neodymium và praseodymium, được sử dụng với số lượng lớn hơn trong nam châm vẫn chưa bị nhắm mục tiêu, tạo cho Bắc Kinh một "phương tiện đe dọa lớn" để mở rộng kiểm soát nếu chiến tranh thương mại leo thang.
Trà My (Tổng hợp)