Đặt người dân vào vị trí trung tâm mọi chính sách

Đặt người dân vào vị trí trung tâm mọi chính sách
7 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Đây là một trong những biểu hiện sinh động về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi chính sách.
Đất nước đã qua 30 năm đổi mới, số người giàu (kể cả tỷ phú) ngày càng tăng lên. Số hộ giàu, mức sống cao ngày càng nhiều. Đó là điều đáng mừng. Người giàu trước, người giàu sau, đó là quy luật cuộc sống. Nhưng trong xu hướng tích cực đó, cũng phải ghi nhận rằng, số hộ nghèo, cận nghèo trong xã hội còn không ít.
Trong thực hiện các chiến lược phát triển “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Đảng và Nhà nước luôn chú trọng và có nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là với những gia đình chính sách, người có công, người nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển chung.
Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2025 phải hoàn thành cả 3 nội dung: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; Hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; Sửa chữa, xây mới 153.000 nhà trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Kinh nghiệm của phong trào trong năm 2024 là đổi mới cách làm, phân công công việc cụ thể hơn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bài học của tỉnh Hòa Bình cho thấy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, tự lo cho chính mình của người dân, cùng với sự giúp đỡ của làng xóm, họ hàng, các đoàn thể chính trị - xã hội, như thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh. Với số kinh phí từ phía Nhà nước, cộng với tự lực, tự cường, nhiều hộ nghèo đã có nhà kiên cố.
Để thực hiện được mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột; chắc chắn phải giảm khâu trung gian, triển khai nhanh chóng, thực chất, hiệu quả, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, để người dân được thụ hưởng thật sự.
Ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, phải nói rằng, tinh thần, lối sống của dân tộc Việt Nam nhân văn, đạo lý “Bầu ơi thương lấy bí cùng” bao giờ cũng được phát huy trong mọi hoàn cảnh. Khi cả nước chung tay, với tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều”, chắc chắn sẽ không có hộ nghèo, người nghèo bị bỏ lại phía sau.
Ngô Đức Hành
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/dat-nguoi-dan-vao-vi-tri-trung-tam-moi-chinh-sach-post527516.html