Đất phong hóa tại dự án cầu vượt cửa biển Thuận An: Quá tải

Đất phong hóa tại dự án cầu vượt cửa biển Thuận An: Quá tải
8 ngày trướcBài gốc
Đất phong hóa sẽ được vận chuyển đi nơi khác theo quy định
Đổ đất ngoài phạm vi dự án
Nhiều ngày nay, người dân sống dọc tuyến Quốc lộ 49 qua địa bàn phường Thuận An, quận Thuận Hóa phản ánh, trong quá trình thi công tuyến đường dẫn lên cầu vượt cửa biển Thuận An, đơn vị thi công đã cào bóc, tập kết khối lượng lớn đất phong hóa (đất ruộng) ven tuyến Quốc lộ 49. Khu vực đổ đất nằm ngoài khuôn viên giải phóng mặt bằng của dự án, “án ngữ” ven tuyến Quốc lộ 49 gây tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, làm biến dạng đất khu vực được đổ tạm.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, đến thời điểm hiện tại, đơn vị thi công tuyến đường dẫn lên cầu Thuận An đã đào đắp xong nền đường và đã lu lèn. Sau khi cào bóc diện tích đất ruộng với hàng nghìn m3 để xây dựng đường dẫn, đơn vị thi công đổ đất phong hóa tại 2 vị trí: Ven Quốc lộ 49 (ngoài phạm vi dự án) và ở bãi tạm ngay đường dẫn lên cầu (nằm trong khu vực dự án). Tại khu vực ven tuyến Quốc lộ 49, khối lượng đất đổ rất lớn đã lấp một phần mặt nước tự nhiên ở đây.
Ông Ngô Văn Trường, Chỉ huy trưởng công trình Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam - đại diện đơn vị thi công cho biết, diện tích đất phong hóa sau khi cào bóc được tập kết tạm ngoài phạm vi dự án là do bãi thải đã được quy hoạch từ đầu khi thành lập dự án, nhưng đang vướng mặt bằng nên các đơn vị thi công đổ tạm tại khu vực ven Quốc lộ 49. Số đất này được cào bóc bề mặt có độ sâu từ 0,3 - 0,5m, không dùng để đắp nền đường mà chỉ dùng để tận dụng đắp các dải phân cách, đảo giao thông của tuyến đường dẫn thuộc dự án. Sau khi có mặt bằng, nhà thầu sẽ vận chuyển số đất này về vị trí thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án.
Sẽ yêu cầu nhà thầu sớm chuyển đi
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Huế - chủ đầu tư Dự án tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An thông tin, phần đất bóc hữu cơ đang đổ tạm bên ngoài dự án nhằm để tận dụng đắp vào dải phân cách, đảo giao thông để trồng cây. Đất đào lên là lớp đất ruộng trước đây của người dân, không phải đất cát mặn, không mang đi đổ như đất thải. Thời gian tới ban sẽ yêu cầu đơn vị thi công vận chuyển đất về đổ trong khuôn viên dự án. Số đất này trước đây chủ đầu tư đã có tờ trình gửi cơ quan chức năng về phương án tận dụng và đã được chấp thuận.
Theo đó, năm 2022, chủ đầu tư đã có tờ trình gửi UBND tỉnh (nay là UBND TP. Huế), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) về việc đề nghị thống nhất phương án sử dụng tầng đất mặt để thực hiện Dự án đầu tư tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An.
Theo tờ trình, diện tích đất chuyên trồng lúa nước đề nghị chuyển đổi phục vụ dự án khoảng 3,25ha. Trong đó, diện tích xây dựng công trình phải bóc tách hoặc chôn lấp tầng đất mặt khoảng 2,74ha trong phạm vi thi công nền đường. Lượng đất mặt phải bóc tách khoảng gần 5.500m3 với chiều dày cào bóc lớp đất trên mặt ruộng dự kiến sâu trung bình 0,2m.
Đất mặt sử dụng trong khuôn viên dự án khoảng 5.500m3 sẽ được tận dụng đổ đất vào dải phân cách trồng cây xanh đoạn thuộc xã Hải Dương (cũ), dải phân cách trồng cây xanh đoạn thuộc phường Thuận An..
Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Huế khẳng định, khối lượng đất mặt không sử dụng ngoài phạm vi dự án. Đồng thời, cam kết thực hiện đúng phương án sử dụng tầng đất mặt trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/dat-phong-hoa-tai-du-an-cau-vuot-cua-bien-thuan-an-qua-tai-152424.html