Dấu ấn 50 năm TPHCM

Dấu ấn 50 năm TPHCM
9 giờ trướcBài gốc
Nét đẹp Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè về đêm.
Mỗi công trình có giá trị và sức ảnh hưởng khác nhau trong đời sống. Có những công trình làm thay đổi tình trạng giao thông ở một khu vực, như hầm đường bộ vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu Bình Lợi, cầu Ba Son, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Võ Văn Kiệt, Đại lộ Phạm Văn Đồng, tới đây là đường Vành đai 3.
Có những công trình mang dấu ấn như một biểu tượng của một tập đoàn kinh tế tư nhân, như tòa nhà Bitexco, Landmark 81… Có những khu đô thị mới làm thay đổi hình ảnh một góc thành phố, như Thảo Điền, An Phú, An Khánh, Bàu Cát.
Tuy nhiên, những công trình được coi có sức ảnh hưởng sâu rộng đến người dân, đến thành phố, và sự xuất hiện của nó không chỉ làm thay đổi diện mạo một khu vực rộng lớn, mà còn tác động rất mạnh đến tiến trình phát triển, tạo ra chất lượng cuộc sống mới, nhận thức mới, niềm tin mới, và đưa thành phố lên một nấc thang phát triển mới thực sự không có nhiều.
Nửa thế kỷ qua, TPHCM chỉ có 3 công trình dự án xứng đáng được xếp loại tầm cỡ thế kỷ, bởi mức độ ảnh hưởng của nó còn kéo dài rất lâu qua nhiều thế hệ. Đó là công trình dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án phát triển về vùng phía Nam TPHCM và dự án Khu đô thị đại học. Cả 3 dự án này đều bắt đầu vào những năm 1990.
Dự án đa mục tiêu đầu tiên thành công
Một trong số ấn tượng mạnh nhất đối với bà con rời TPHCM vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi họ quay trở lại vào sau những năm 2000 là hình ảnh dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đã hồi sinh trở lại ngoài sức tưởng tượng của họ.
Trước năm 1990, dòng kênh này mang tên “kênh đen”, “kênh thúi”, “kênh chết”, bởi nó tràn ngập rác rến đến mức nước không chảy được, hàng ngàn hộ dân lấn chiếm dọc bờ kênh và trên mặt kênh từ trước 1975 khó có thể thoát ly.
Không một ai tin sẽ thay đổi được số phận của nó. Thế mà bằng nỗ lực phi thường trong 19 năm, dự án đã hoàn thành một cách ngoạn mục. Đây là dự án đầu tiên của thành phố hướng đến đa mục tiêu, bởi giải quyết cùng lúc 7 mục tiêu mà mục tiêu nào cũng mang tầm chiến lược.
Trước hết dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè tham gia giải quyết bài toán thu gom và thoát nước mưa, nước triều và nước thải. Trước đây khu vực này ngập quanh năm, nhưng từ khi dòng kênh hoàn thành, đã làm giảm hầu như hoàn toàn tình trạng ngập nước cả một khu vực rộng lớn hơn 35km2 gồm các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình. Giải quyết cho 7.000 hộ dân sống trên mặt và dọc kênh được tái định cư vào các chung cư ở quận 3, Hiệp Bình Chánh, Tân Bình và có công ăn việc làm ổn định.
Dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè sẽ tạo ra môi trường tự nhiên của kênh, bằng cách nạo vét hàng triệu m3 bùn đất. Và nay con kênh đã trong xanh trở lại, có cá, có tôm dưới kênh, 2 bên dọc con kênh dài gần 10km có 2 dải công viên cây xanh, ghế đá, các điểm tập thể dục thể thao.
Dọc 2 bên kênh hình thành nên 2 trục đường giao thông mang tên Hoàng Sa và Trường Sa, giúp giảm tải giao thông cho khu vực trung tâm. Dọc theo bờ kênh xuất hiện rất nhiều điểm dịch vụ như siêu thị, trường học, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, chợ đêm.
Mặc dù bị vướng một vài cây cầu có độ tĩnh không thấp, nhưng các công ty du lịch đã tổ chức được các tour du lịch trên kênh thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.
Đại học Quốc gia, nhìn từ trên cao.
Nhiêu Lộc - Thị Nghè là công trình có ý nghĩa và là nỗ lực phi thường của chính quyền và Nhân dân thành phố. Nói nỗ lực phi thường vì TPHCM vào đầu 1990, khi đó còn nghèo lắm, chưa đủ ăn nhưng gồng mình đi vay nước ngoài hơn 6.000 tỷ đồng, đó là một số tiền khổng lồ vào thời gian đó.
Do là dự án giải tỏa kênh đầu tiên nên khó tránh khỏi những thiếu sót, nhưng cái được là biểu tượng sáng chói nhất, và thực sự trở thành mẫu hình để cho các dự án sau này như Tham Lương, Văn Thánh, Tân Hóa-Lò Gốm, Hàng Bàng, rạch Xuyên Tâm so sánh, rút kinh nghiệm…
Dự án làm thay đổi quan niệm từ nơi ở đến không gian sống
Dự án thứ hai được xem là đánh thức vùng đất phía Nam TPHCM, Đó là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đây được xem là một trong những thành tựu nổi bật nhất của TPHCM.
Thế hệ trẻ ngày nay nhìn Phú Mỹ Hưng không hề “mục sở thị” về một vùng đất hoang vu trước kia đầy cỏ lác, nước phèn, nước lợ, đầy rắn rít muỗi mòng, hầu như không có cây gì và con gì sống được, dân cư thưa thớt.
Sau hơn 30 năm, vùng đất này đã mang một diện mạo mới và chất lượng sống mới. Nơi đây có những khu công nghiệp hiện đại như Khu chế xuất Tân Thuận, nhà máy điện Hiệp Phước, những khu dân cư mới như Tân Mỹ, Tân Quy Đông, Long Thới, Hiệp Phước 1, Trên cái nền của một tập hợp các dự án vùng đô thị Nam Sài Gòn, thì Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nổi bật như một hình mẫu, làm thay đổi quan điểm và phong cách sống.
Một góc Phú Mỹ Hưng.
Trước 1990, người dân Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng quan niệm về một nơi cư trú khá đơn giản. Đó là một cái nhà, một căn hộ, hay chỉ là một chỗ tá túc qua đêm. Nhưng từ khi Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ra đời, làm cho người dân Việt Nam thay đổi quan điểm từ một chỗ ở đến một không gian sống hoàn thiện. Phú Mỹ Hưng làm thay đổi hoàn toàn quan điểm, nhận thức, và cả mong muốn từ các cơ quan công quyền đến nhà đầu tư và mỗi người dân.
Còn nhớ vào thời điểm 1990, TPHCM lên cơn sốt phân lô bán nền, một mảnh đất được chia ra làm hàng trăm mảnh, mạnh ai nấy xây nhà, hình thành nên những khu đô thị 5 không: không công viên, không trường học, không bệnh viện, không hạ tầng và không an ninh.
Và Phú Mỹ Hưng đi theo một con đường rất khác. Trên diện tích gần 500ha, chỉ có một bản quy hoạch thống nhất và tiêu chuẩn thiết kế kiến trúc thống nhất, đồng thời cũng chỉ có một chủ đầu tư duy nhất, cho nên tính thống nhất, đồng bộ và tiêu chuẩn hóa rất cao.
Chính từ đây, người dân TPHCM mới hiểu ngoài căn nhà, căn hộ mình ở ra, cần có một không gian sống hoàn chỉnh bên ngoài bức tường, hàng rào của mình nữa. Đó là công viên cây xanh, cảnh quan môi trường, hệ thống dịch vụ đầy đủ tiện ích, hệ thống đảm bảo an ninh an toàn cho đời sống, và các cơ sở trọng yếu khác như bệnh viện, trường học, tổ hợp thể thao, khu vui chơi giải trí, tất nhiên là cộng đồng xã hội thân thiện.
Chính Phú Mỹ Hưng đã làm thay đổi quan niệm về một khu đô thị, từ đó Bộ Xây dựng và các tập đoàn xây dựng hình thành nên các khu đô thị hiện đại sau này như Ciputra, Aqua City, Ecopark, Vinhomes... Phú Mỹ Hưng là đô thị đầu tiên được xếp hạng là khu dân cư kiểu mẫu của Việt Nam.
TS. NGUYỄN MINH HÒA
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/dau-an-50-nam-tphcm-post119823.html