Dấu ấn bất tử giữa lòng dân tộc

Dấu ấn bất tử giữa lòng dân tộc
7 giờ trướcBài gốc
Di tích ghi dấu một thời oanh liệt
Nằm bên dòng Kiến Giang Mỹ Hà – Mỹ Thủy (tỉnh Quảng Bình cũ) từng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi Sư đoàn bộ binh cơ động 341 – Đoàn Sông Lam – đóng quân, huấn luyện và chuẩn bị cho cuộc hành quân lịch sử vào chiến trường miền Nam.
Vị trí chiến lược, địa thế thuận lợi, cùng sự đùm bọc bền chặt của nhân dân địa phương đã biến nơi đây thành hậu phương vững chắc cho một trong những sư đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Khuôn viên di tích
Trong không khí sục sôi của mùa xuân năm 1975, tại sân bóng của làng Mỹ Hà, Sư đoàn 341 long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Lễ xuất quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch quyết định vận mệnh đất nước. Lễ xuất quân không chỉ là mệnh lệnh quân sự, mà còn là lời thề son sắt của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân: “Đã đi là đến, đã đánh là thắng”.
Lễ xuất quân ngày 3.2.1975 mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu bước chuyển mình từ xây dựng lực lượng sang tiến công chiến lược, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc về tổ chức, tinh thần và sức mạnh chiến đấu của một đơn vị được xem là “quả đấm thép” của Bộ Quốc phòng.
Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 341 đã viết đơn tình nguyện, có người viết bằng máu, bày tỏ quyết tâm được lên đường vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Ông Hoàng Xuân Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh
Chính từ mảnh đất này, những người lính trẻ mang theo lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mang theo niềm tin của nhân dân Quảng Bình, của cả nước, tiến vào chiến trường miền Đông, lập nên chiến công lừng lẫy ở Xuân Lộc, Trảng Bom và góp phần giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30.4.1975 – kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tri ân và phát huy giá trị di tích
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, di tích này không chỉ mang giá trị lịch sử đơn thuần mà còn hội tụ nhiều lớp giá trị quan trọng. Di tích chính là nơi ghi dấu một bước ngoặt trong tiến trình thống nhất đất nước. Những trận đánh tại Xuân Lộc, Trảng Bom, Biên Hòa... sau này đã góp phần xé toang tuyến phòng thủ của chính quyền Sài Gòn, đưa đất nước đến ngày độc lập trọn vẹn.
Những cựu chiến binh có mặt ở lễ xuất quân lịch sử của sư đoàn 341 nay trở về thăm lại chiến trường xưa rưng rưng nước mắt bởi vùng đất này chính là nơi kết tinh tình quân dân mẫu mực giữa Sư đoàn 341 và người dân Mỹ Thủy. Nhân dân đã nhường nhà, góp công, góp của, gắn bó máu thịt với bộ đội trong những ngày huấn luyện cam go. Mối quan hệ đó trở thành biểu tượng sống động của truyền thống “quân với dân như cá với nước” – một đặc trưng nổi bật của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Tân cùng đại diện sư đoàn 341 chụp ảnh lưu niệm ở khuôn viên di tích
Chiến tranh đã đi qua hơn nữa thế kỷ, di tích này chính là “địa chỉ đỏ” quý giá để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm công dân đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Nhiều năm qua, nhân dịp 3.2, 30.4, 27.7, 22.12... địa phương và cựu chiến binh lại về đây thắp hương, kể chuyện, ôn lại ký ức oai hùng.
Hiện nay, di tích trở thành điểm dừng chân trong các hành trình tìm hiểu lịch sử cách mạng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tại đây sẽ góp phần trao truyền tinh thần yêu nước và bồi đắp lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ.
Có thể khẳng định rằng, di tích “Nơi Sư đoàn 341 làm Lễ xuất quân vào chiến trường miền Nam, ngày 03.02.1975” chính là biểu tượng sống động của tinh thần kháng chiến, là nơi kết tinh ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc tôn vinh, gìn giữ và phát huy giá trị di tích chính là khơi dậy mạch nguồn tự hào dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước, trách nhiệm và niềm tin vào một Việt Nam phát triển, trường tồn.
Nhằm ghi nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 và tri ân mảnh đất đã chở che họ, công trình Nhà bia tưởng niệm tại vị trí Lễ xuất quân xưa đã được xây dựng lại trên nền sân bóng cũ với quy mô hơn 1ha. Việc xây dựng di tích không chỉ là hoạt động tưởng niệm, mà còn là khẳng định vị thế của mảnh đất “lửa thử vàng” trong kháng chiến, là bước đi cụ thể nhằm phát huy giá trị di tích trong phát triển văn hóa, giáo dục và du lịch.
VĨNH QUÝ
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/van-hoa/dau-an-bat-tu-giua-long-dan-toc-154662.html