Quang cảnh hội nghị Vietnam Banking Innovation Summit 2024
Vừa qua, hội nghị Vietnam Banking Innovation Summit 2024 đã được tổ chức bởi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Công ty TNHH Tư vấn và Truyền thông 5S Media với sự đồng hành của các đối tác chiến lược Temenos, Amazon Web Services, Thunes và Tập đoàn FPT.
ĐI ĐẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Ngành ngân hàng đang dẫn đầu xu thế đổi mới sáng tạo, thể hiện qua kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các ngân hàng đã có những đột phá lớn về công nghệ, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng lõi để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua không chỉ nhanh chóng mà còn hiệu quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Cũng theo ông Sơn, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam được thực hiện với bốn công nghệ nổi bật bao gồm: công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học, và phân tích dữ liệu.
Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức Vietnam Banking Innovation Summit 2024, bà Phạm Thị Thu Hằng, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Truyền thông 5S Media chia sẻ: “Trong bối cảnh chuyển đổi số là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng Việt Nam, 5S Media cam kết trở thành cầu nối hiệu quả giữa các đối tác công nghệ cao cấp, chuyên gia và các ngân hàng để xây dựng một hệ sinh thái ngân hàng số hiện đại và thông minh. Chúng tôi kỳ vọng Vietnam Banking Innovation Summit sẽ trở thành hội nghị thường niên, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng Việt Nam và mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong khu vực và thế giới.”
Còn theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, ba yếu tố nổi bật tác động đến sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt Nam: khung pháp lý cởi mở, sự bứt phá của ngân hàng số, cũng như mối quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng Việt Nam và quốc tế.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm chuyển đổi phương thức quản lý công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo hướng chủ động, kiến tạo song vẫn kiểm soát được rủi ro.
CẦN NỖ LỰC CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ VÀ CÁC NGÂN HÀNG
Những nỗ lực rất lớn của cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Các chuyên gia quốc tế cũng nhận định yếu tố này góp phần rất quan trọng giúp đẩy nhanh hiện đại hóa công nghệ ngân hàng thời gian tới.
Ông Frankie Wai, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh, Temenos AG, đánh giá vể tình hình chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam: “Sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam đạt được nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng và ngân hàng thành viên, cùng với nhiều sáng kiến thúc đẩy chuyển đổi số. Trong tương lai, các quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ tăng cường hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán.”
Quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng không tránh khỏi những khó khăn, thất bại bởi quy trình thủ tục qua nhiều cấp gây tốn nhiều thời gian, có khi phải chờ nhiều năm mới được xét duyệt, lúc đó chi phí ước tính ban đầu đã không còn đủ và buộc phải làm lại kế hoạch từ đầu.
Chính vì vậy, bản thân nội tại ngân hàng cũng phải điều chỉnh để làm sao rút ngắn quy trình nội bộ mới có thể đẩy nhanh chuyển đổi số.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, PVcomBank là ngân hàng đầu tiên Việt Nam triển khai thành công hệ thống Infinity của Temenos, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số tại PVcomBank.
Cũng theo giám đốc ngân hàng số PVCombank, bản thân PVCombank từng có những khó khăn như trên trong triển khai chuyển đổi số ban đầu. Tuy nhiên sự kiên trì đã giúp mang đến thành công khi mà chi phí mở mới tài khoản tính theo mỗi khách hàng trước đây là 300 nghìn đồng/khách hàng giờ đây đã giảm chỉ còn 150 nghìn đồng/khách hàng.
Chuyển đổi số ngành ngân hàng là cần thiết để đảm bảo khả năng cạnh tranh của ngân hàng với các ngân hàng khác, theo quan điểm của ông Trần Nhất Minh, Phó tổng Giám đốc và Giám đốc Ngân hàng Số, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam - VIB.
Cũng theo ông Minh, sự thành công của chiến lược Cloud-First đã khẳng định tầm quan trọng của việc áp dụng các công nghệ đột phá như điện toán đám mây để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành ngân hàng.
Ông Eric Yeo, Giám đốc AWS Việt Nam khẳng định: "Việc tích hợp giải pháp ngân hàng lõi của Temenos với hạ tầng đám mây AWS giúp nâng cao hiệu suất, khả năng mở rộng và bảo mật, hỗ trợ các ngân hàng tối ưu hóa chi phí và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đây là bước tiến quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và mang lại trải nghiệm khách hàng vượt trội".
Mai Hoa