Sinh kế hồi sinh, sản xuất bứt phá
Vụ lúa vừa rồi, gia đình ông Danh Sóc ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) thắng lớn. Giữa đồng ruộng xanh rì, ông Sóc đưa tay vốc nắm đất còn ẩm, ánh mắt sáng lên: "Đất này từng mặn chát, trồng gì cũng chết. Từ ngày có cống Cái Lớn - Cái Bé, nước ngọt về ổn định, làm hai vụ lúa, một vụ tôm, thu nhập gấp đôi. Giờ tôi làm chủ ruộng đồng của mình, không còn lệ thuộc vào thời tiết nữa"...
Cống Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng trên hai con sông cùng tên, nằm trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Đây là cửa ngõ phía Bắc bán đảo Cà Mau - vùng đất rộng lớn nằm ở cực Nam Tổ quốc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, lũ lụt và suy giảm tài nguyên nước ngọt.
Đây là công trình thủy lợi "siêu khủng", với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT trước đây) làm chủ đầu tư. Hợp phần xây dựng, gồm: cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô... để nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với QL61.
Cận cảnh công trình Cống Cái Lớn – Cái Bé
Từ khi khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2022, qua các đợt xâm nhập mặn, cống Cái Lớn - Cái Bé đã điều tiết nước cho hơn 384.000ha đất sản xuất vùng bán đảo Cà Mau, gồm: TP.Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang. Đồng thời giữ ngọt cho vùng trồng lúa, cung cấp nước có độ mặn phù hợp cho vùng vùng nuôi tôm và các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp giúp hàng ngàn người dân trong vùng an tâm sản xuất.
Ghi nhận tại Hậu Giang, tỉnh này đã triển khai Dự án xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé. Huyện Long Mỹ và TP.Vị Thanh là 2 địa phương được chọn để triển khai thí điểm 4 mô hình sinh kế: lúa - tôm; lúa - rau màu; khóm - thủy sản và mô hình trồng mãng cầu xiêm. Mỗi mô hình thí điểm là một hướng đi mới, sinh kế mới cho người nông dân ở vùng ven.
Ông Ngô Văn Tám (ngụ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) cho biết: "Vùng đất này từng được xem là khó phát triển nông nghiệp, nhưng bây giờ 15 công lúa của nhà tôi chắc cậy, hạt to nặng trĩu. Hồi trước, dễ gì kiếm được ruộng lúa tốt như vậy".
Lời giải chiến lược cho bài toán ngọt - mặn - úng
Tuy không nằm trực tiếp trên bán đảo Cà Mau, nhưng công trình có vai trò đặc biệt quan trọng, điều tiết nước mặn - ngọt - lũ cho một vùng rộng lớn. Vì vậy, Cái Lớn - Cái Bé không chỉ là một công trình thủy lợi, mà là "van điều tiết" sống còn, quyết định đến sản xuất và sinh kế của hàng triệu nông dân miền Tây.
Đây cũng là hệ thống thủy lợi đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long tích hợp nhiều chức năng: ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, thoát lũ và cấp nước sản xuất. Không như những cống truyền thống, hệ thống Cái Lớn - Cái Bé vận hành bằng công nghệ tự động, cập nhật liên tục diễn biến thủy văn. Nhờ đó, mùa khô kiểm soát được xâm nhập mặn, mùa mưa tiêu thoát lũ nhanh chóng, giúp người dân yên tâm sản xuất quanh năm.
Ông Nguyễn Văn Dũng - nông dân xã Hưng Phú (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: "Hồi trước, nước mặn lên thất thường, lúa không kịp trổ đã cháy lá. Giờ thì nước ngọt về tới ruộng, mặn bị chặn lại. Tụi tôi không còn sợ trắng tay mỗi mùa".
Không chỉ người dân, chính quyền các địa phương cũng ghi nhận hiệu quả rõ rệt. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, từ khi đưa vào vận hành thử nghiệm năm 2023, diện tích bị xâm nhập mặn giảm trên 70%, năng suất lúa tăng bình quân 10 - 15%, mô hình luân canh tôm - lúa phát triển ổn định.
Người dân miền Tây vui mừng vì trúng mùa nhờ có "siêu" cống
Còn theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, các số liệu ghi nhận cho thấy, trước khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động, nồng độ mặn tại Hậu Giang có lúc đạt mức cao kỷ lục (19,7‰ trong năm 2015 - 2016 và 18,6‰ trong năm 2019 - 2020). Tuy nhiên, nhờ sự hoạt động hiệu quả của hệ thống này, nồng độ mặn giảm đáng kể.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé không chỉ giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn mà còn bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, việc kiểm soát mặn ở mức dưới 1 tại cầu Cái Tư giúp TP.Vị Thanh duy trì nguồn nước ngọt ổn định, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, các công trình thủy lợi trong tỉnh còn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông qua việc chủ động tưới tiêu, kiểm soát lũ và triều cường. Điều này góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; thuận tiện lưu thông hàng hóa, từ đó cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân.
Một dấu son sau nửa thế kỷ thống nhất
Tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành giai đoạn 1, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở vùng cực Nam của Tổ quốc, hạ nguồn sông Mê Kông, là vùng đất rộng lớn, chiếm 12% diện tích cả nước với điều kiện tự nhiên phong phú, mạng lưới sông, kênh dày đặc, giàu bản sắc văn hóa, là nơi sinh sống của 18 triệu bà con miền Tây với truyền thống sáng tạo và cần cù trong lao động.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện là trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây, lúa gạo lớn nhất cả nước và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, lịch sử, văn hóa, con người của vùng. Tuy nhiên, vùng châu thổ trẻ, mẫn cảm với sự tác động cả từ bên ngoài và bên trong này cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức do ảnh hưởng kép của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nước từ thượng nguồn.
Đây cũng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Phải thẳng thắn nhìn nhận ảnh hưởng đó đang ngày càng gia tăng, hiện hữu rõ nét hơn do sự nóng lên của trái đất và việc khai thác tài nguyên nước quá mức trên thượng nguồn. Hiện tượng sụt lún với tốc độ nhanh, sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng...
Thủ tướng nhấn mạnh: Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là công trình của ý Đảng, lòng dân; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam. Trong điều kiện khó khăn, chúng ta đã phấn đấu vươn lên thực hiện công trình phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững; chúng ta đã thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp; thay đổi tư duy từ chống đỡ sang chủ động thích ứng, thuận thiên, kiểm soát để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án có hiệu quả trực tiếp, điều tiết nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384.000ha thuộc địa bàn 4 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu (trong đó phần đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là gần 347ha).
Công trình không chỉ kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, mà còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Ngoài ra, công trình giúp tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng do không phải triển khai đắp các con đập tạm ven sông. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự lớn mạnh, làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật của đội ngũ thực hiện trong nước trước một dự án có cống kiểm soát triều lớn nhất trong cả nước cũng như Đông Nam Á...
50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, vùng Tây Nam Bộ không còn là miền đất ngập mặn, hoang hóa như thuở nào. Từ những con đường xuyên qua rừng U Minh, những cây cầu vượt sông lớn như cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận... đến hàng loạt tuyến kênh, hồ chứa, hệ thống điện - nước - viễn thông được đầu tư đồng bộ, tất cả đã vẽ nên một diện mạo mới cho vùng đất Chín Rồng.
Trong dòng chảy phát triển ấy, công trình Cống Cái Lớn - Cái Bé nổi bật như một biểu tượng hiện đại hóa hạ tầng thủy lợi, sánh vai cùng các dự án chiến lược như hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh T5 - T6, cảng biển Hòn Chông, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải... góp phần đưa miền Tây từ vùng trũng trở thành khu vực trọng điểm nông nghiệp - thủy sản quốc gia. Đó không chỉ là những công trình xây dựng bằng bê tông và thép mà là công trình của lòng dân, của trí tuệ Việt và của khát vọng phát triển bền vững giữa thời đại biến đổi khí hậu.
Nguyễn Nhân