Cơ sở ép dầu ở xã Nghị Đức, Lâm Đồng. Ảnh: N.Lân
Cơ sở ép dầu đậu phộng của vợ chồng anh Phan Văn Diễm và chị Phạm Thị Hồng Vân nằm sâu trong con hẻm ở Thôn 2 nhưng khá đông người ra vào. Xe máy đi vào thấy chở vài bao đậu phộng khô chưa tách vỏ, còn người đi ra hẻm thì chở can nhựa 20 lít, 5 lít dầu phộng vàng trong, óng ánh. Anh Nguyễn Văn Thắng vừa bốc 2 bao đậu phộng xuống xe máy để đưa vào xưởng ép, cho biết: “Nhà tôi 20 năm nay đều ép dầu ở đây để ăn. Đậu phộng nhà trồng không phun thuốc nhiều nên tự tin ăn...”. Đi cùng anh Thắng là anh Sơn cũng chở đậu đến để ép dầu, kể rằng cơ sở ép dầu này không chỉ ép cho người dân trong xã mà các xã kế bên cũng đem đậu phộng đến đây ép để lấy dầu ăn. Dầu ép cơ sở chỉ lấy tiền công 8.000 đồng/lít thành phẩm nên hầu như nhà nào có đất đều làm vài luống đậu phộng để có dầu ăn. Bên cạnh có nguồn dầu phộng nguyên chất, nhiều gia đình còn tận dụng xác ép đậu để chăn nuôi heo, gà, vịt... Đây là nguồn thức ăn sạch, nhiều dinh dưỡng nên cũng rất tốt cho các loại vật nuôi ăn. Với những người không trồng được đậu phộng thì mua dầu của cơ sở. Dầu ép lấy tại chỗ, được “sờ tận tay” hạt đậu trước khi ép và thấy được quy trình ép nên dân rất yên tâm...
Dầu đậu phộng ở xã Nghị Đức, Lâm Đồng. Ảnh: N.Lân
Cơ sở ép dầu của vợ chồng anh Diễm rộng chừng 450 m2, được đầu tư máy bóc tách vỏ đậu, máy ép dầu và dàn lọc dầu trị giá gần 700 triệu đồng. Do sản xuất chế biến theo mô hình hộ gia đình truyền thống nên chủ yếu làm theo mùa vụ để phục vụ bà con trong vùng. Chị Hồng Vân cho biết: Mùa chính vụ thu hoạch đậu phộng trong vùng từ tháng 3 - tháng 6, những tháng này cơ sở ép gia công cho người dân từ 1,5 - 1,8 tấn/ngày, khoảng 50 - 70.000 tấn cả vụ. Còn cơ sở thu mua đậu của bà con về ép khoảng 40 - 50 tấn, tương đương khoảng 20.000 lít dầu thành phẩm bán ra thị trường, chủ yếu là cung cấp cho bà con trong vùng...
Theo chị Vân, nhu cầu tiêu thụ dầu đậu phộng nguyên chất rất nhiều, nhất là thời gian gần đây khi rộ tin một số cơ sở sản xuất dầu ăn giả nên nhiều gia đình đặt hàng để gửi cho con cháu, họ hàng ở xa tăng rất nhiều. Tuy vậy, gia đình sản xuất trong năng lực cho phép nên lượng cung chỉ đáp ứng được phần nào cho bà con chứ chưa mở rộng ra thị trường... Bên cạnh ép dầu, vợ chồng anh Diễm còn giúp bà con mua giống đậu phộng nơi có địa chỉ rõ ràng, giống đậu có chất lượng, sản lượng tinh dầu cao, để bà con sản xuất có lợi nhuận cao hơn. Hiện nay trên xã Nghị Đức và các vùng lân cận đa phần sử dụng giống đậu Sẽ...
Anh Phan Nhật Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghị Đức, cho biết: Hộ kinh doanh, sản xuất dầu đậu phộng Diễm - Vân hoạt động truyền thống nhiều năm nay theo kiểu “cha truyền con nối” rất được người dân trong xã tín nhiệm. Bên cạnh ép dầu giúp bà con trong vùng có sản phẩm chất lượng để sử dụng, cơ sở còn tạo việc làm cho bà con theo thời vụ...
Trần Thi