Tổ đình Từ Hiếu được xây dựng vào năm 1848, tọa lạc trên triền đồi Dương Xuân với lối kiến trúc không quá cao và rộng nhưng thông thoáng, không gian thiền tịnh lý tưởng, cảnh quan thơ mộng với rừng thông cao vút, rợp bóng cây xanh, hồ nước trong veo, hòa mình vào thiên nhiên. Từ đó, tạo nên vẻ đẹp trầm mặc, thanh nhã để du khách tham quan đến đây có thể cảm nhận được sự linh thiêng, thanh bình và thư giãn.
Tổ đình Từ Hiếu
Về mặt bằng tổng thể, tổ đình Từ Hiếu có lối kiến trúc chữ khẩu (口), bao gồm chính điện, nhà Tây, nhà Đông và Quảng Hiếu đường, hướng của cây đòn dông tạo thành hình chữ khẩu hoặc hình vuông tạo thành khung gian khép kín.
Ở giữa bốn căn là khoản sân dùng để trang trí, hòn non bộ và cây cảnh. Lối kiến trúc này gồm tất cả các nhà liền kề nhau, thuận tiện lợi cho việc tu tập cũng như nếp sống sinh hoạt hằng ngày. Toàn bộ bố cục kiến trúc chùa được phân bố về phía bên trái khuôn viên tổ đình, còn bên phải là cảnh quan vườn chùa và khu tháp mộ. Bố cục chùa theo trục chính đạo là một trục thẳng xuyên suốt trong bố cục kiến trúc cổ để các khối được sắp xếp bố trí một cách đăng đối.
Ngoài công trình chính còn có các công trình phụ như nhà bia, Thiền đường, Tăng xá, hệ thống tháp các vị tổ và các lăng mộ các vị Thái giám, cung giám, phi tần nhà Nguyễn. Xa xa một góc vườn chùa tạo cảnh hai hồ Sao Hôm và hồ Sao Mai. Hồ Sao Mai có nhà Thủy Tạ với điểm nhấn là cây cầu trải dài giữa hồ mang đường nét uyển chuyển, sinh động. Hồ Sao Hôm, với đầm sen tỏa ngát, là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, cùng với đó là cây cầu gỗ bắt giữa hồ dáng đứng tự nhiên, tạo nên không gian tĩnh lặng. Cả hai đều được xem là một loại hình nghệ thuật độc đáo, kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Nhìn chung các công trình nêu trên được thiết kế theo phong cách và chức năng sử dụng riêng biệt, nhưng vẫn giữ được nét thiền vị và độc đáo của ngôi chùa xứ Huế.
Kiến trúc các hạng mục chính
Cổng tam quan
Lối vào tổ đình bắt đầu bằng con đường nhỏ, men theo khe suối, len lỏi qua ngọn đồi thông già sẽ thấy cổng Tam quan với nét cổ kính uy nghiêm. Tam quan có nghĩa là ba cánh cửa giải thoát là không, vô tướng và vô tác, ba cánh cửa này giúp hành giả đạt đến cứu cánh “Tam quan cũng đại diện cho ba ngôi báu là Phật, Pháp và Tăng, cũng chính là khoảng tách biệt giữa chân và tục”. [2]
Cổng tam quan chùa Từ Hiếu, xây dựng theo dạng thức cuốn vòm thượng lâu hạ cổng. Phần trên “lầu” dùng để tôn trí tượng Hộ Pháp. Phần dưới có 3 vòm (tam quan) là lối đi với cửa giữa thường lớn hơn hai cửa bên. Hiện nay cổng vẫn giữ được kiến trúc thiết kế tỉ mỉ, từng đường nét đắp vữa và trang trí gốm sứ được thể hiện trên các bức phù điêu cùng những hoa văn đặc sắc.
Mặt trước cổng Tam Quan ( Ảnh: Tác giả)
Ở phía trong của cổng không khác phía ngoài, tầng trên ở trong nhìn ra cũng có ba hộc, hai hộc bên được trang trí khảm mảnh sành sứ “Kỳ Lân” cùng với cảnh đẹp núi sông. Hộc giữa đặt tượng Ngài Hộ Pháp, tư thế đứng chắp tay đặt thanh gươm ngang ngực với ý nghĩa giữ gìn chốn già lam.
Trên đỉnh nóc cổng trang trí “lưỡng long triều pháp luân” tượng trưng sự chuyển động không ngừng của bánh xe chánh pháp, truyền bá những lời dạy của Đức Phật. Trên những bờ quyết trang trí “cành lá hóa rồng” tạo hình đặc sắc cho cổng.
Nhìn vào lối kiến trúc cổng Tam quan không riêng Tổ đình Từ Hiếu mà ở các ngôi chùa khác, tác giả Tạ Quốc Khánh đã có nhận định rằng: “sự kết hợp giữa cổng vòm, vọng lâu với những đường nét trang trí cửa tròn hay nét tinh tế uốn lượn bờ quyết, bờ nóc, làm cho Tam quan chùa Huế vừa trông rất uy nghi, chắc khỏe vừa đem lại cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng cho thập phương đến vãn cảnh chùa”. [4]
Bước qua cánh cổng Tam quan chúng ta sẽ nhìn thấy toàn bộ khung cảnh chốn tổ đình với hồ bán nguyệt có đường kính khoảng 12m, mặt cong quay về phía cổng chùa, được Ngài Huệ Minh cho xây vào năm 1931. Sau khi được trùng tu, giờ đây mặt hồ trong veo, phía trước có bình phong ghi dòng chữ hán“八功德水”với ý nghĩa nước có đầy đủ tám công đức thù thắng, tám loại đó là: nước lóng sạch, nước trong mát, nước ngon ngọt, nước uống vào nhẹ nhàng, nước uống nhuận trơn, nước uống rồi vui vẻ hòa nhã, nước uống rồi trừ đói khát, bệnh hoạn, nước uống vào thân thể tinh thần, khoan khoái định lực tăng trưởng. Với ý nghĩa trên, chư Tổ đã lựa chọn dòng chữ “Bát công đức thủy” nhằm vào mục đích rửa sạch bụi trần, cấu nhiễm của chúng sanh, từ đó mới có thể bước vào con đường mầu nhiệm của Phật pháp. Có nghĩa rằng trước khi vào chánh điện cần rũ bỏ những âu lo muộn phiền, hơn thua, lợi danh của thế sự bên ngoài cổng Tam quan, để cảm nhận được hương vị giải thoát chốn Thiền môn, làm cho tâm hồn được lóng sạch, thanh tịnh, lúc đó mới thể nhập vào thế giới “Chân như” được.
Kiến trúc chính điện
Chính điện tổ đình Từ Hiếu được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Theo tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận định: kiểu “trùng thiềm điệp ốc” là có “hai cái nhà nối liền nhau, chung một cái nền và dọc theo chỗ tiếp giáp của hai mái nhà, người ta mở rộng thành một không gian trung gian, thay thế cái máng xối nhằm hứng nước từ hai mái nhà đổ xuống. Không gian bao gồm phần bên ngoài của cái nhà thì quang đãng, hứng nhận tất cả ánh sáng từ ngoài chiếu vào, được xem như ngoại sảnh của ngôi nhà. Phần không gian bên trong có mái phụ xuống thấp hơn tạo nên ánh sáng âm u thích nghi với việc thờ cúng”. [6]
Ngôi chính điện sau trùng tu (2024) (Ảnh: tác giả)
Chính điện có ba gian hai chái, các gian rộng khoảng 3m. Mặt bằng có 36 cột gỗ đường kính 30cm bố trí trên 6 hàng ngang - dọc, xung quanh chánh điện là hàng hiên rộng từ 1,2m đến 1,5m. Toàn bộ cột, kèo, xuyên, trến, vách ngăn của chùa được sử dụng bằng gỗ lim. Trước chính điện là bậc cấp có hai con lân chầu hai bên được khắc bằng đá với những đường nét tinh tế.
Về mặt kết cấu, kết cấu của tiền đường và chính điện là cấu trúc của nhà “rường”, nhà truyền thống Huế. Bộ khung của chính điện toàn bộ bằng vật liệu gỗ. Hai bộ vì nóc đỡ hai mái là vì “giao nguyên - trụ đội” gồm 4 bộ vì kèo chính, mỗi bộ có 2 kèo tiền và 3 kèo hậu nối với nhau theo kiểu kèo chồng, 1 chèo hiên đỡ 3 đòn tay hiên. Khối tiền đường được kiến trúc bằng gỗ lim, gồm 4 bộ vì kèo chính, mỗi bộ gồm 1 kèo hiên đỡ 3 đòn tay hiên. Bố trí không gian, chánh điện chùa tổ có ba không gian: không gian tiền đường, không gian chính điện và không gian hậu tổ.
Không gian tiền đường
Không gian tiền đường ( Ảnh: tác giả)
Tiền đường là gian nhà nằm phía trước nơi thờ đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Từ ngoài lư hương nhìn vào, bước lên bậc cấp chánh điện ta sẽ thấy tiền đường. Tiền đường có ba gian và hai chái, với ba gian trống. Gian giữa chỉ đặt bục gỗ được chạm khắc đơn giản là nơi chư Tăng và tín đồ thập phương lễ Phật, tụng kinh. Hai chái của tiền đường, bên phải đặt đại hồng chung, đối diện đại hồng chung là ảnh Ngài Tiêu Diện Đại sĩ với hai vị đầu trâu mặt ngựa. Bên trái của chái đặt đại pháp cổ với chuông báo chúng, bảng và pháp cổ nhỏ, ở phía đối diện với pháp cổ là gian thờ chư Thánh tử đạo. Để thể hiện lòng biết ơn đối với Tăng ni đồng bào Phật tử, vị trú trì đã thiết trí bàn thờ Thánh tử đạo tại gian thờ tiền đường như một phần nhắc nhở đến hậu thế về đức hạnh và sự hi sinh của quý vị cho đạo pháp mãi trường tồn.
Không gian chính điện
Không gian giữa chính điện (Ảnh: tác giả)
Gian phải chính điện (Ảnh: tác giả)
Gian trái chính điện (Ảnh: tác giả)
Chính điện tổ đình có ba gian hai chái. Ba gian là nơi thờ Phật và chư vị Bồ tát. Hai chái, chái được ngăn bằng bức tường làm bằng gỗ làm liêu. Liêu bên phải là nơi ở của Hòa thượng Chơn Thiệt lúc sinh thời, liêu bên trái là nơi ở của Hòa thượng Chí Mậu lúc sinh thời, giờ đây hai liêu được sử dụng tiếp chư tôn hòa thượng và chư tăng khi có Phật sự. Chính điện được ngăn bởi tường gỗ có hai lối vòm hai bên lối ra hậu tổ, thể hiện rõ phần tiền đường, chính điện và hậu tổ. Trên mỗi cột trang trí những cặp đối và các bức hoành phi.
Không gian hậu Tổ
Hậu Tổ là phần phía sau tường gỗ của chánh điện. Hậu tổ cũng được sắp xếp ba gian, hai chái thông với liêu. Gian giữa, ở trên cao là khám thờ là bức họa chân dung Ngài Cương Kỷ và ba long vị, chính giữa thờ long vị Tổ sư Khai sơn Tánh Thiên Nhất Định, bên trái long vị Ngài Cương Kỷ, bên phải là long vị Ngài Hải Thuận Lương Duyên (chùa Báo Quốc). Ở dưới thờ tượng Đạt Ma Tổ Sư cùng bát nhang, cơm nước và hoa quả.
Gian giữa hậu tổ (Ảnh: tác giả)
Không gian hậu tổ (Ảnh: tác giả)
Gian phía bên phải từ sân khẩu nhìn vào được gọi là bàn thờ “Hòa thượng”, trên cao là chân dung hai vị trú trì là Hòa thượng Huệ Minh và Hòa thượng Chơn
Thiệt. Phía dưới là bốn long vị được đặt trong lồng kính, từ phải sang trái là long vị Ngài Thanh Ninh Tâm Tĩnh (chùa Tây Thiên); Ngài Thanh Thái Huệ Minh (chùa Từ Hiếu); Ngài Thanh Tú Huệ Pháp (chùa Thiên Hưng); Ngài Thanh Quý Chơn Thiệt (chùa Từ Hiếu). Trước bàn thờ hòa thượng có bộ “tam sự” và cơi nước.
Gian bên trái được gọi là bàn thờ “Tăng chúng”, trên cao chân dung bốn vị hòa thượng. Phía dưới có khung bảng ghi bài vị chư Tăng trong chùa hoặc trong môn phái viên tịch dưới bảng có bốn long vị. Nhìn từ phải sang trái là long vị hòa thượng Trừng Tuệ Chí Mậu, hòa thượng Trừng Trì Chí Niệm, hòa thượng Thanh Quang Huệ Đăng, hòa thượng Tâm Lễ Kiến Chánh. Trước long vị là bàn thờ có lư đồng, bát nhang và cơi nước.
Về mặt đứng, tổ đình Từ Hiếu gồm một mặt bằng nhất định hoành độ, chiều cao vừa phải. Theo tác giả Nguyễn Phước Bảo Đàn: “Với kiểu kiến trúc này, ngôi chùa thường mang lại cảm giác dung hòa và “ẩn mình” vào thiên nhiên, sự khẳng định trong trục đứng không gian, chỉ dừng lại ở các tháp tổ hoặc phù đồ, với chiều cao cũng rất khiêm tốn, và vẫn không thoát khỏi quy luật “thiên - nhân tương dữ” [1]. Lối kiến trúc với chiều cao khiêm tốn như vậy, tạo cảm giác gần gũi với con người, vừa linh thiêng vừa giản dị.
Mái chùa
Mái chùa được xem là một phần kiến trúc tiêu biểu của tất cả các chùa. Tuy nhiên mỗi miền lại có những nét kiến trúc mái chùa khác nhau và đó cũng chính là đặc trưng của vùng miền. Mái chùa miền bắc được thiết kế theo dạng “đầu đao lá mái” kiểu kiến trúc kẻ chuyền, bẩy góc, không xòe quá rộng. Đầu đao chính là cái đòn tay hình chữ nhật, được đặt nghiêng ở trên vì kèo sát diềm mái và hớt cong lên ở góc mái như lưỡi đao. Phần lá mái chính là mái cong cong và mềm mại. Với hình khối vững chắc, vừa thanh thoát, vừa mạnh mẽ. Còn ở miền chùa miền Nam theo dạng mái rộng có các sống thẳng, đường nóc ngắn, đỉnh mái nhọn, những đầu đao không uốn cong nhiều so với mái miền Bắc. Mái chùa miền Trung hầu hết theo kiểu “trùng lương”, góc mái thẳng, đầu mái cong.
Nhìn theo mặt đứng tổ đình Từ Hiếu, chúng ta sẽ thấy được bộ mái mỏng kiểu trùng thiềm chia làm hai đỉnh mái riêng biệt. Phần mái tiền đường cao hơn phần mái chánh điện - hậu tổ. Đỉnh nóc trang trí “lưỡng long triều pháp luân”,kết hợp chữ vạn ở trung tâm thể hiện trường tồn và bền vững. Pháp luân với ý nghĩa là bánh xe chánh pháp của đức Thế Tôn luôn được chuyển động, đây chính là biểu tượng của Phật giáo.
Phần đỉnh mái chánh điện - hậu tổ trang trí “lưỡng long triều nhật” đây là cách trang trí theo kiến trúc cung đình là biểu tượng của Nho giáo. Trang trí ở các bờ quyết, góc mái là hệ “tứ linh”, bao gồm Long, Lân, Quy, Phụng. Vách giữa hai tầng mái là các ô hộc, được trang trí những bức khảm sành các sự kiện trọng đại của Đức Phật Thích Ca.
Ở ô hộc giữa là đức Phật thành đạo, vách bên phải là đức Phật Đản sanh, vách bên trái là Thái tử xuất gia tầm đạo, đan xen giữa các ô hộc là trang trí hệ thống bát bửu kết hợp giữa “Nho, Phật, Lão” như đàn tỳ bà, chữ vạn, hai cây bút, quả dưa tây, sách,... Bên cạnh đó còn trang trí bằng kệ kiểu “nhất họa nhất kệ” và tranh thủy mặc cùng với hoa sen, hoa lá, họa tiết, mụt mây... Tất cả đều được nề họa - khảm sứ.
Mái tiền đường và chánh điện được nề ngõa công phu (Ảnh: tác giả)
Về mặt ngói lợp của tiền đường và chánh điện - hậu tổ, chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc dân gian, nên các mái đều được lợp bằng ngói liệt. Cấu trúc mái bao gồm các viên ngói nhỏ được xếp lên nhau trên khung mái gỗ, được cố định chủ yếu bằng lực ma sát và các lách chặn ngói, dũi. Ngoài ra ưu điểm của loại ngói này là bền, nhẹ, cách nhiệt tốt, tạo không khí mát mẻ vào mùa hạ oi bức của xứ Huế, vào mùa đông lại ấm áp, điều này thuận lợi cho việc sinh hoạt của chư Tăng và người dân thập phương đến tham quan lễ Phật.
Hệ thống tháp và lăng
Tháp Bồ Đề
Tháp Bồ Đề hay được gọi là “Tàng Kinh Các”,tọa lạc giữa rừng thông phía bên kia đồi của chùa. Tháp được Ngài Cương Kỷ xây dựng vào tháng 3 năm Thành Thái thứ sáu 1896. Trong văn bia xây dựng Tháp, Ngài Cương Kỷ có đề cập:
敕賜慈孝寺老衲海紹竊炤神京重地官寺山寺最為勝蹟者也然而藏經藏像之塔古來未之有也茲應營築一塔便收損壞經像藏焉但於項料希多未能供辨適遇弟子典事太監阮春鳳以事寄奏候奉皇太后聖聰洞鋻念及愚衷彩納其言特賜鉛錢土磚以充雇辨因而寘扁曰菩提塔永垂後世以彰禪道遙祈諸寺庵人家誰有經像壞矣耑祈遞就悉來棲藏於此次免流失遮哉
Phiên âm: Sắc tứ Từ Hiếu tự lão nạp Hải Thiệu thiết chiếu: Thần kinh trọng địa, quan tự sơn tự tối vi thắng tích giả dã. Nhiên nhi tàng kinh tàng tượng chi tháp, cổ lai vị chi hữu dã. Tư ưng dinh trúc nhất tháp, tiện thu tổn hoại kinh tượng tàng yên. Đãn ư hạng liệu hi đa, vị năng cung biện. Thích ngộ đệ tử Điển sự thái giám Nguyễn Xuân Phụng dĩ sự ký tấu, hậu phụng Hoàng thái hậu thánh thông động giám, niệm cập ngu trung, thể nạp kỳ ngôn, đặc tứ duyên tiền thổ chuyên dĩ sung cố biện. Nhân nhi trí biển viết “Bồ Đề tháp”, vĩnh thùy hậu thế dĩ chương thiền đạo. Dao kỳ chư tự am, nhân gia thùy hữu kinh tượng hoại hĩ, chuyên kỳ đệ tựu tất lai tiếp tàng ư thử, thứ miễn lưu thất già tai.
Dịch nghĩa:Lão nạp là Hải Thiệu ở chùa Sắc Tứ Từ Hiếu trộm xét rằng Thần kinh là đất quan trọng, chùa công và chùa núi đều là di tích bậc nhất cả. Tuy nhiên, tháp để chứa sách, chứa tượng xưa nay chưa có. Nay muốn xây dựng một ngôi tháp để tiện thu chứa sách, tượng hư hỏng, nhưng vật hạng phần nhiều ít ỏi, chưa thể sắp đặt. Nay gặp đệ tử là điển sự thái giám Nguyễn Xuân Phụng đem việc tâu lên, may được Hoàng thái hậu thánh minh soi xét, ban tiền và gạch để sung vào việc xây dựng và thuê mướn. Nhân đó, đặt tấm biển ba chữ “Bồ Đề tháp”. Kính mời các chùa, am, các nhà dân xa gần, ai có sách, tượng hư hỏng thì cứ đưa đến đây, chúng tôi sẽ đón tiếp tất cả đem chứa vào tháp, cho khỏi bị mất mát.
Tháp Bồ Đề (sưu tầm)
Theo lời của Tổ sư, chúng ta thấy được Tháp Bồ Đề được mẹ vua Thành Thái là bà Từ Minh Hoàng Thái Hậu, ban tiền và vật liệu để xây dựng, với mục đích là tàng trữ kinh sách Phật pháp, tượng Phật và các vị Bồ tát bị hư mục để cho tự hủy theo thời gian. Đây là ngôi tháp duy nhất được sử dụng vào việc chứa những thờ tự bị hư hỏng ở Huế, những chùa tại xứ Huế hay nhà đạo hữu có những kinh tượng mục nát đều sung vào đây.
Về mặt kiến trúc, ngôi tháp cao 9m gồm 3 tầng với 4 mặt đáy hình vuông, cạnh dài 2,5m. Tháp được xây bịt kín tầng dưới cùng có đề văn bia ghi lại lịch sử hình thành của tháp, ở mỗi tầng đều có vòm như cổng Tam Quan được xây điều từ chân cho đến tầng 3 theo đỉnh đỉnh tháp. Trên đỉnh tháp có trang trí bình hồ lô, xung quanh mỗi tầng tháp với mái ngói đầu dao, mỗi góc mái có trang trí họa tiết mây lượn.
Lăng Thái Giám
Thái giám hay còn được gọi là hoạn quan, công công là một chức quan có địa vị thấp trong hậu cung. Phần đông những người tự nguyện “tịnh thân” đặng thiến bộ phận sinh dục. Bởi rằng làm Thái giám thì cả gia tộc, quê hương được nhờ, cả vùng đó được triều đình miễn thuế trong ba năm. Các vị Thái giám sẽ được lựa chọn đưa vào trong cung để rèn luyện, hầu hạ vua, chúa, làm việc trong hậu cung, hoặc được tham dự triều chính trong thời kỳ phong kiến. Về sau, khi chế độ phong kiến tập quyền không còn, vai trò của các vị thái giám cũng bị xóa bỏ cùng với đó là những bí mật của cung đình và những diễn biến quan trọng của một giai đoạn lịch sử.
Trước những thân phận thấp kém trong cung cấm, họ suy nghĩ rằng: nhân sinh ảo mộng thế sự tang thương, sau khi mình qua đời, không còn nơi nương tựa, không ai thờ phụng. Chính những suy nghĩ này họ đã đến chùa Từ Hiếu nương nhờ cửa Phật và đức độ của vị cao Tăng Nhất Định, sớm hôm nghe lời kinh tiếng mõ vang vọng để an ủi lòng mình và mong được siêu thoát. Vì vậy các vị Thái giám trong triều quyên góp tài vật cúng dường mở rộng ngôi thảo am thành phạm vũ uy nghiêm và mong muốn có nơi yên nghỉ sau khi chết.
Trong khuôn viên tổ đình, nghĩa trang Thái giám hay còn được gọi là “Lăng Thái giám” nằm riêng một khoảng không gian dưới hàng thông cao vút ở phía Tây tổ đình Từ Hiếu. Toàn bộ khu nghĩa trang của thái giám rộng khoảng 1.000m2. Tổng thể mặt bằng của lăng có thành bao quanh, thành cao chừng 1m80, xung quanh là những bức tường bảo vệ cao khoảng 1.5m, mặt trước thành là 3 cổng gạch vòm cung truyền thống của thời Nguyễn, với lớp lớp các ô hộc trang trí gạch hoa và khảm sứ đắp nổi và lớp rêu phủ nhuộm màu thời gian. Ở giữa là cổng vòm đặt tấm bia ghi công lao đóng góp của các vị Thái giám do Long Cương Cao Xuân Dục soạn năm 1901. Trước cổng vòng giữa có bức bình phong, nhìn từ ngoài vào trang trí con kì lân được khảm sứ tỉ mỉ.
Bên trong là khu lăng mộ có 25 ngôi mộ, trong đó có 2 ngôi mộ gió, 4 ngôi mộ không có tên, 18 ngôi còn lại có bia và tên đó là Thái giám Trần Quan, Hà Tháo, Ngô Trí, Nguyễn Bính Dưỡng, Dương Ức, Nguyễn Đức, Phạm Quý, Trần Quý Công, Võ Trọng, Lê Quý Công, Bùi Xuân Du, Nguyễn Hầu, Viên Bá, Trần Quý Phước, Đình Hữu…
Lăng Thái giám (Ảnh: tác giả)
Giờ đây, khu lăng mộ vẫn còn đó, toát lên vẻ đẹp của rêu phong phủ mái, nét trầm mặc trong không gian yên tĩnh gợi lên những liên tưởng tâm linh lắng đọng, xao động lòng người.
Dấu ấn nghệ thuật trang trí
Trang trí nề ngõa
Nghệ thuật trang trí nề ngõa xuất hiện tại Huế khoảng thế kỷ XVII, bắt nguồn từ những vật liệu đơn giản, từ những mảnh vỡ vô tri, vô giác dường như bỏ đi, nhưng với bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của mình các nghệ nhân đã tạo nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo, bền bỉ với thời gian. Theo nhà nghiên cứu Phan Thanh Bình cho biết: “Qua những công trình, tác phẩm nghệ thuật nề họa, các nghệ nhân đã thể hiện nhuần nhuyễn chiều sâu thẩm mỹ tạo hình lúc bấy giờ và phản ánh đầy đủ sắc thái văn hóa, tâm linh của một thời đại” [7]. Các vật liệu khảm sành sứ được lựa chọn kĩ lưỡng từ những mảnh vỡ của loại gốm cổ. Nề ngõa thật sự là một nghệ thuật, với rất nhiều công đoạn đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ phối màu, phối chọn mảnh sành ghép sao cho phù hợp. Để kết dính chúng lại với nhau, các nghệ nhân sử dụng chất kết dính được làm từ bột vỏ hàu trộn vôi và mật ong những chất này quánh dẻo, bền chắc chịu được mưa nắng.
Nghệ thuật trang trí nề ngõa (khảm sành sứ) ở lầu bia (Ảnh: tác giả)
Tổ đình Từ Hiếu đã tiếp thu loại hình nghệ thuật trang trí này vào các công trình chính như tiền đường, chánh điện, cổng tam quan, lầu bia... Từ hồ bán nguyệt đi lên, không gian chánh điện mở ra nghệ thuật trang trí nề ngõa xuất hiện ngay sân trước đó là lư hương được khảm sứ với hình hổ phù hai bên. Đến bậc thềm tiền đường, tổ đình sử dụng trang trí phá ô hộc, trong ô hộc đó là tạo hình nề ngõa hai con long mã với thân hình mềm mại, hai đầu hướng vào nhau, có bộ vảy sành sứ sắp lớp. Xung quanh ô hộc là hai cây tùng, họa tiết hoa văn, hoa lá... với phong cách phối màu của nghệ nhân đã nổi bật lên không gian tiền đường, tạo nên sự linh thiêng chốn thiền môn.
Nghệ thuật cham khắc gỗ
Chạm khắc gỗ là một loại hình của nghệ thuật chạm khắc. Theo từ điển Mỹ thuật phổ thông định nghĩa: “chạm khắc là vạch trũng xuống những đường nét, hình thể, chữ hoặc văn tự từ một bề mặt cứng như gỗ, kim loại, đá... bằng dụng cụ nhọn sắc hoặc bằng phương pháp ăn mòn hóa học” [5]. Chạm khắc gỗ là tác động vào các hình khối gỗ hay chất liệu rắn bằng cách cưa, khoan, đục, khắc nhằm diễn tả một tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân. Các kỹ thuật chạm gồm có chạm nổi, chạm thủng, chạm vừa, chạm cao đều là những nghệ thuật trang trí trong đình làng, chùa miếu xưa.
Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở Quảng Hiếu Đường (Ảnh: tác giả)
Tổ đình Từ Hiếu đã tiếp thu loại hình nghệ thuật này vào bộ khung nhà rường truyền thống xứ Huế với những đường nét chạm khắc tinh xảo. Đi vào không gian chánh điện, du khách có thể nhìn thấy nghệ thuật trang trí được thể hiện trên cánh cửa, trên bộ vì kèo, đấu, xà bẩy, kẻ biên, ván gió, cửa nách, đường diềm, tủ thờ, án thờ,… được chạm nổi trên bề mặt gỗ với đa dạng chủ đề như hoa dây, đầu rồng, biến thể hoa văn, hồi văn chữ vạn, hồi văn mây lửa, tứ quả (Lê - Na - Đào - Lựu) bộ tứ quý (Long - Lân - Quy - Phụng) và hệ bát bửu như hai cây sáo ghép đôi, cây đàn tỳ bà, cái quạt, pho sách, bút, phất trần. Bên cạnh đó còn có nghệ thuật chạm thủng trên hệ thống bao lam với các đề tài như hình tượng rồng, phượng, lân, nghê, dơi, hoa dây, hoa lá... các bao lam được bố cục, sắp xếp theo quy luật đối xứng có khi ba bao lam cùng hàng hoặc trong cùng một bao lam. Không những thế các câu đối, hoành phi, vách tường được chạm nổi chữ rất công phu. Ngoài không gian tiền đường, chánh điện - hậu tổ còn có các công trình kiến trúc khác như hai chái, nhà Đông, nhà Tây, Quảng Hiếu đường, thất Lắng Nghe... cũng được thiết kế thẩm mỹ phù hợp với không gian sử dụng. Tất cả đều được chạm khắc tỉ mỉ từ những họa tiết đơn giản đến phức tạp mang tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao. Như vậy dưới quan sát thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của nghệ nhân, các chủ đề được chạm khắc trên gỗ không chỉ thể hiện rõ nét tinh thần dung hợp “Nho - Phật - Lão” mà còn thể hiện mong ước cuộc sống bình an, ấm no hạnh phúc, đất nước thịnh vượng của người dân.
Sơn son thiếp vàng
Sơn son thiếp vàng là một nghệ thuật truyền thống của người Việt, nó gắn liền với đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của ông cha ta. Nghệ thuật này được đẩy lên cao nhất là khi trang trí cho những công trình đền đài lăng tẩm, chùa chiền. Theo tác giả Đinh Quỳnh Hoa nhận định: “Sơn son thiếp vàng là kỹ thuật trang trí bao phủ bên ngoài của các đồ vật chạm khắc bằng gỗ và được coi là biện pháp bảo quản đồ vật hữu dụng, được phổ biến tại Việt Nam. Ngoài ra sơn son thiếp vàng nhằm tô điểm cho không gian thêm sắc màu, làm đẹp cho án thờ, tăng thêm lộng lẫy uy nghiêm”.[3]
Nghệ thuật sơn son thiếp vàng ở khám thờ Tam Thế ( Ảnh: tác giả)
Qua khảo sát tổ đình Từ Hiếu chiếm một phần tương đối nhiều về loại hình trang trí này. Đầu tiên sơn son thiếp vàng được thể hiện trên bức hoành treo giữa chánh điện đề chữ “敕 賜 慈 孝 寺”(Sắc tứ Từ Hiếu tự) trên khung gỗ được chạm nổi lưỡng long triều nhật kết hợp họa tiết chữ vạn cân xứng bốn góc thể hiện sự uy nghiêm. Ngoài bảng hiệu của tổ đình còn có các khám thờ tam thế Phật kết hợp chạm khắc tinh xảo hoa dây uốn lượn, khám hậu tổ, khám ba vị Quan Công, Quan Bình, Châu Thương tất cả đều được sơn son thiếp vàng cùng với đó là sự kết hợp các họa tiết hoa dây, hồi văn. Cùng với các khám thờ, bài vị cũng được sơn son thiếp vàng kết hợp nét hoa dây uốn lượn quanh thân đế và thân bài vị tạo nên sản phẩm nghệ thuật mang đậm tinh thần Phật giáo.
Nghệ thuật trang trí sơn son thiếp vàng còn thể hiện trên các hoành phi câu đối được chạm nổi kết hợp chạm khắc họa tiết hoa lá, chữ vạn, chữ thọ cách điệu chạy viền. Qua việc quan sát trực tiếp, có thể thấy tổ đình đã thừa nhận và áp dụng nghệ thuật này từ truyền thống văn hóa tín ngưỡng của người Việt, đặc biệt là trong hoàng cung thời Nguyễn. Trong việc phối màu, màu đỏ thể hiện sức sống của thiên nhiên và con người, trong khi màu vàng biểu tượng cho sự cao quý và giải thoát. Sự kết hợp khéo léo giữa hai màu sơn này, với bàn tay điêu luyện của các thợ, mang đến cho người Việt niềm tin, sức sống và những ước vọng tốt đẹp. Đây cũng là cách thể hiện sự tôn trọng và lòng kính ngưỡng đối với giá trị tâm linh và tín ngưỡng lớn lao của dân tộc.
Kết luận
Hơn một trăm mười tám năm tồn tại và phát triển, tổ đình Từ Hiếu đã tiếp thu những giá trị kiến trúc - nghệ thuật một cách độc đáo. Trên khoảng không gian rộng lớn với hơn 50 nghìn mét vuông đất, nhưng bao đời trú trì đã biết cách vận dụng thiên nhiên, để giao thoa giữa kiến trúc - nghệ thuật cung đình và nhân gian làm cho phù hợp với con người, phù hợp với môi sinh, từ đó đã tạo nên khung cảnh thiền vị, trang nghiêm rực rỡ giữa rừng núi hoang sơ.
Không những vậy, từ khi tổ đình được thành lập vào những năm trị vì của các triều đại Nguyễn, cho nên đã chứa đựng những hình thái kiến trúc nghệ thuật chung của ngôi sắc tứ thời bấy giờ. Những kiến trúc như cổng Tam quan, tiền đường, Chánh điện - Hậu tổ, mái chùa hoặc những loại hình nghệ thuật trang trí nề ngõa, chạm khắc gỗ, sơn son thiếp vàng… tất cả đều thể hiện với đa dạng về đề tài và các hình tượng như “lưỡng long triều pháp luân”,“lưỡng long triều nguyệt”, hệ tứ linh (Long - Lân - Quy – Phượng), tứ quý (Mai - Lan - Cúc - Trúc), tứ quả, bát bửu chữ vạn, chữ thọ, hoa dây, pho sách,… đồng thời, tự sở cũng giữ gìn những hình thái kiến trúc riêng như Tháp Bồ Đề, Lăng Thái Giám,…
Tổ đình hiện đang bảo quản những di vật và di sản tư liệu quý giá như đại hồng chung, tượng Tam thế, tượng Bồ Tát, mộc bản.
Tác giả: Nguyễn Thị Thùy Trang (Thích nữ Huệ Khánh)
Học viên Cao học khóa IV, chuyên ngành Lịch sử Phật gíao, Học viện Phật gíao Việt Nam tại Huế