Dấu ấn Phật giáo trong văn hóa và tâm hồn người Buryat

Dấu ấn Phật giáo trong văn hóa và tâm hồn người Buryat
11 giờ trướcBài gốc
Sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ vào năm 1991, Buryatia, cũng như nhiều vùng khác trong không gian hậu Xô-viết rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị. Cuộc sống của người dân bị bao trùm bởi lo lắng và bất định, đây là những dấu hiệu rõ nét của một thời đại chuyển mình đầy khó khăn. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh đó, những giá trị tinh thần sâu sắc, đặc biệt là Phật giáo, vẫn âm thầm được duy trì, thể hiện qua việc nhiều gia đình tiếp tục thực hành các phương pháp tu tập và trì tụng thần chú để tìm kiếm sự bảo hộ và sức mạnh nội tâm để chống chọi với những khắc nghiệt của bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.
Dù trải qua nhiều thập kỷ bị kiềm chế sự phát triển và truyền bá tôn giáo, Phật giáo Buryatia không hề mất đi mà chỉ tạm thời ẩn mình, chờ cơ hội hồi sinh. Bước sang thập niên 1990, quá trình phục hưng Phật giáo đã dần diễn ra, khi các tu viện (datsan) từng bị phá hủy được khôi phục và các nghi lễ truyền thống được phục hồi trở lại. Sự hồi sinh này không chỉ là dấu hiệu của một sự trở lại về mặt tôn giáo, mà còn phản ánh sức sống mãnh liệt của niềm tin và bản sắc văn hóa Phật giáo của người Buryat. Trải qua bao biến động lịch sử, Phật giáo không chỉ giúp cộng đồng duy trì bản sắc mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho một thế hệ mới, những người tiếp tục hành trì và phát triển truyền thống tâm linh của tổ tiên.
Nguồn cội
Cộng hòa Buryatia là một nước cộng hòa trực thuộc Liên bang Nga, nằm ở khu vực Viễn Đông. Người Buryat, một nhánh của dân tộc Mông Cổ, đã định cư quanh hồ Baikal hơn một thiên niên kỷ. Trong tiếng Buryat, hồ này được gọi là Baigal Dalai - vùng nước thiêng liêng bao la, gắn liền với bản sắc văn hóa và tâm linh của họ. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVII, khi Đế quốc Nga mở rộng lãnh thổ, vùng đất của người Buryat bị sáp nhập, làm gián đoạn đời sống du mục, ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế, văn hóa và ngôn ngữ truyền thống của họ.
Phật giáo Tây Tạng bắt đầu lan truyền vào Buryatia từ giữa thế kỷ XVII, chủ yếu qua giao lưu với Mông Cổ, dù có thể ảnh hưởng của nó đã xuất hiện từ thời Đế chế Mông Cổ. Đến cuối thế kỷ XVIII, Phật giáo không chỉ trở thành tôn giáo chính của người Buryat mà còn đóng vai trò giữ gìn và kết nối văn hóa. Các tu viện Phật giáo phát triển thành trung tâm giáo dục, nơi truyền bá giáo lý, đào tạo Tăng sĩ và giảng dạy chữ viết Mông Cổ (Mongol bichig). Vào thời kỳ hưng thịnh đầu thế kỷ XX, Buryatia có 44 tu viện, khoảng 16.000 vị Lạt-ma và một cộng đồng Phật tử lên đến 160.000 người.
Trong truyền thống Buryat, mỗi gia đình thường gửi ít nhất một người con trai vào chùa, vừa để cống hiến tâm linh, vừa để theo đuổi con đường học vấn. Thông thường, con trai lớn đảm nhận trách nhiệm gia đình, trong khi con trai út xuất gia, tu học Phật pháp và phục vụ Tăng đoàn. Đức tin vào Tam bảo đã ăn sâu vào đời sống thường nhật. Các gia đình không chỉ thường xuyên tham gia các nghi lễ mà còn học kinh điển, trì tụng thần chú, và cúng dường theo truyền thống. Như vị Lạt-ma Buryat Khensur Agvan Nima từng nói: “Không có gia đình nào mà trên bàn thờ lại không thắp đèn dầu và cúng dường nghi lễ bảy phần”.
Thử thách của Phật giáo trong thời Xô-viết
Dưới thời Xô-viết, Buryatia trải qua những thay đổi sâu sắc về tôn giáo và văn hóa. Trong bối cảnh thúc đẩy chính sách thế tục hóa, các tu viện và hoạt động Phật giáo truyền thống dần thu hẹp, nhường chỗ cho những chuyển biến mới trong đời sống xã hội. Vào những năm 1940, mặc dù các nghi lễ và giáo lý không còn được thực hành rộng rãi như trước, niềm tin tâm linh vẫn được gìn giữ trong cộng đồng qua những phương thức khác nhau. Ngay cả trong giai đoạn này, sợi dây kết nối giữa Phật giáo và bản sắc văn hóa của người Buryat vẫn không bị cắt đứt, thể hiện qua những ký ức, truyền thống gia đình và tinh thần gắn kết cộng đồng.
Dù đối mặt với những hoàn cảnh khắc nghiệt, nhưng đức tin của người Buryat vẫn không lụi tàn. Nhiều gia đình âm thầm gìn giữ và truyền lại truyền thống tâm linh qua nhiều thế hệ. Vào những năm 1960, không ít người vẫn lén lút đến tu viện Ivolginskii để tham dự các lễ hội quan trọng như Maidari (tiếng Phạn: Maitreya), bất chấp nguy cơ bị theo dõi và kiểm soát. Họ mặc trang phục truyền thống, bày tỏ lòng trung thành với đức tin của mình. Trong những ngôi nhà nhỏ, giữa thời kỳ khắc nghiệt nhất, tiếng trì tụng thần chú vẫn âm thầm vang lên, giữ cho dòng chảy tâm linh không bị gián đoạn.
Đối với nhiều người Buryat, giáo lý Phật giáo không chỉ hiện hữu trong chùa chiền mà còn là một ngôi đền tâm linh trong chính trái tim họ. Niềm tin ấy thể hiện qua lòng từ bi, những hành động thiện lành và những lời cầu nguyện vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Trong số ít các tu viện còn tồn tại sau những cuộc đàn áp, thế hệ cao niên vẫn bền bỉ giữ gìn đức tin. Hình ảnh những người ông, người bà tận tụy với Phật pháp trở thành sợi dây kết nối thiêng liêng, giúp Phật giáo Buryat tiếp tục được duy trì qua các thế hệ, bất chấp mọi thử thách của xã hội.
Vai trò lãnh đạo Tăng đoàn và di sản Phật giáo
Sự trường tồn của Phật giáo ở Buryatia gắn liền với công lao của những bậc cao tăng đã tận tụy bảo vệ và truyền bá giáo pháp, không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới. Chính di sản của họ đã đặt nền móng cho sự hồi sinh Phật giáo sau thời kỳ Xô-viết. Một số vị Tăng sĩ đã theo học tại các tu viện danh tiếng ở Tây Tạng, như Drepung Gomang, nơi họ đạt được học vị cao và nhận được sự kính trọng sâu sắc từ quần chúng. Tiêu biểu là ngài Galsan Legden Arzhigarov, người trở thành trụ trì thứ sáu mươi chín của Drepung Gomang và là người bạn của Đức Dalai Lama XIV, người đã phải công nhận ngài là “một học giả xuất chúng”.
Bên cạnh đó, nhiều vị Tăng sĩ đã tận dụng nguồn lực của mình để hỗ trợ các Tăng sĩ Tây Tạng tha hương, xây dựng cơ sở vật chất và lập quỹ bảo trợ cho Tăng đoàn. Agvan Nima Tsydypdorzhin là một trong những bậc thầy như vậy, ngài đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển cộng đồng Phật giáo trong giai đoạn khó khăn nhất của Phật giáo xứ sở này.
Ngoài vai trò lãnh đạo tôn giáo, các vị Tăng sĩ Buryat còn có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực học thuật Phật giáo. Ngài Choidak Dagba Badmazhapov đã biên soạn Da dak ming tsik salba, một từ điển tiếng Tây Tạng đặt nền móng cho sự nghiên cứu Phật học của Buryat. Một số khác đã đưa Phật giáo truyền bá đến châu Âu, như ngài Agvan Dorzhiev - vị khai sơn ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở St. Petersburg và thực hiện các nghi lễ tại Bảo tàng Guimet ở Paris. Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo tồn Phật giáo trong thời kỳ khó khăn mà còn góp phần đưa giáo lý Phật giáo vượt ra ngoài biên giới Buryatia.
Di sản ấy tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ mới. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, khoảng 200 Tăng sĩ Buryat đã được đào tạo tại Drepung Gomang, sau đó trở về quê hương để giảng dạy và hướng dẫn cộng đồng. Nhiều người trong số họ tin rằng một vị Lạt-ma gắn bó với ngôn ngữ và tâm thức của dân tộc mình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển Phật pháp ở quê hương xứ sở.
Hồi sinh Phật pháp
Sự sụp đổ của chế độ Xô-viết đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Phật giáo ở Buryatia. Những vị Tăng sĩ sống sót sau thời kỳ khó khăn đã trở về tái thiết tu viện, khôi phục các nghi lễ quan trọng, với sự hỗ trợ của quần chúng cư sĩ - những người đã kiên trì giữ vững đức tin suốt nhiều thập kỷ. Như ngài Gonchok Lama, thuộc tu viện Tamchinskii, từng nói: “Người ta có thể phá hủy chùa chiền, nhưng không thể phá hủy một niềm tin đã ăn sâu vào cội rễ”.
Đến năm 1991, Buryatia có khoảng 12 tu viện hoạt động trở lại, cùng với sự ra đời của Trường Đại học Phật giáo Dashi Choinkhorling tại tu viện Ivolginskii. Ngày nay, hơn 52 tu viện và chùa chiền đã được tái thiết, đánh dấu sự chuyển mình từ công cuộc phục hồi sang trọng tâm giáo dục và hoằng pháp. Như ngài Geshe Dymbryl, Viện trưởng Dashi Choinkhorling, nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất trong Phật giáo không phải là chùa chiền hay những biểu tượng bên ngoài, mà là sự hiện diện của những bậc trí giả chân chính”.
Ban đầu, sự hồi sinh Phật giáo tạo nên một làn sóng hứng khởi mạnh mẽ. Hàng ngàn người đổ về các tu viện tham gia nghi lễ, nghe giảng pháp - một cảnh tượng mà trụ trì tu viện Kudunskii, Bazar Lama, mô tả như “những con ngựa đang phi nước đại sau khi được tháo cương”. Theo thời gian, sự hăng say ấy dần chuyển thành một thực hành Phật pháp có chiều sâu hơn.
Ngày nay, hơn 19,2% dân số của Buryatia theo Phật giáo (2012). Nhiều Phật tử đến tu viện không chỉ để cầu may hay xem ngày lành tháng tốt, mà còn để tìm hiểu triết lý Phật giáo. Các vị Tăng sĩ nhận thấy rằng những câu hỏi của Phật tử ngày càng mang tính triết lý và thực tiễn hơn, phản ánh mong muốn kết nối giáo lý Phật giáo với cuộc sống hàng ngày của họ.
Ngay cả đối với những người chưa từng học Phật một cách chính thức, các nguyên tắc đạo đức của Phật giáo vẫn thấm nhuần vào đời sống thường nhật. Hành vi của con người được định hướng bởi quan niệm tránh các hành động bất thiện (Buryat: nugel; Sanskrit: pāpa). Các cư sĩ duy trì truyền thống bằng cách thắp đèn dầu, trì tụng thần chú, tham gia nghi lễ cộng đồng - những thực hành không chỉ góp phần giữ gìn đời sống tâm linh mà còn khẳng định vị thế bền vững của Phật giáo tại Buryatia.
Như vậy, Phật giáo đã bén rễ sâu sắc trong truyền thống hàng thế kỷ của Buryatia, nuôi dưỡng bởi lòng quyết tâm của các cư sĩ và hồi sinh nhờ sự tận tâm của các vị Lạt-ma địa phương; để rồi cho đến ngày nay, di sản Phật giáo của Buryatia vẫn tiếp tục tỏa sáng. Từ những lời trì tụng thần chú trong bóng tối thời Xô-viết đến sự hưng thịnh của các tu viện ngày nay, dòng chảy tâm linh này không ngừng biến đổi nhưng chưa bao giờ gián đoạn.
Phổ Tịnh tổng hợp/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/dau-an-phat-giao-trong-van-hoa-va-tam-hon-nguoi-buryat-post75537.html