Là những sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên đến đây, tổ công tác số 4 đã dũng cảm vượt lên những nguy hiểm bủa vây, nỗ lực góp phần vào việc ngăn ngừa, kiềm chế các hoạt động xung đột vũ trang và bảo vệ dân thường.
Trải nghiệm đi trực thăng và lái ôtô
Đã 6 tháng trôi qua kể từ khi Thiếu tá Hoàng Trọng Hòa, Đại úy Nguyễn Thế Anh và Đại úy Trần Thị Thu Trang đặt chân đến địa bàn Bor. Nửa năm trước, ngày 19/6/2024, tại Hà Nội, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Lương Tam Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Đề án số 05 đã trao Quyết định về việc cử ba sĩ quan của Công an Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ).
Đại úy Trần Thị Thu Trang tiếp xúc với người dân tại địa bàn Bor.
Hành trình đến địa bàn là một kỉ niệm đáng nhớ với ba sĩ quan. Đại úy Thế Anh nhớ lại: “Từ Việt Nam sang Nam Sudan quá cảnh ở Ethiopia. Lúc đến quốc gia Đông Phi này, chúng tôi rất bất ngờ khi tiết trời không hề nóng nực mà se lạnh như những ngày đầu đông Hà Nội. Chặng bay tiếp theo đưa chúng tôi đến thủ đô Juba, Nam Sudan. Ở đây thì hoàn toàn khác, nắng rát mặt và có cảm giác khó thở. Từ thủ đô, chúng tôi tiếp tục di chuyển về địa bàn Bor thuộc bang Jonglei cách đó 200 cây số. Đến đó chỉ có phương tiện duy nhất là đi máy bay”.
Còn Đại úy Thu Trang thì không thể quên được trải nghiệm lần đầu tiên đi máy bay xuống địa bàn: “Ba chúng tôi leo lên chiếc máy bay trực thăng cùng nhiều nhân viên khác của LHQ. Máy bay nhỏ mà có đến 18 người ngồi nên cảm giác không được thoải mái. Lúc máy bay lượn vòng tôi có cảm giác hơi chòng chành. Dù đã đeo ốp tai nhưng vẫn thấy ù ù, gió thổi phần phật. Từ máy bay nhìn xuống chỉ thấy một vùng bạc phếch, nhà cửa thưa thớt, đa phần là đường đất”.
Bang Jonglei là một trong 10 bang của Nam Sudan, trung tâm hành chính đặt tại huyện Bor. Với tổ công tác số 4, đây là địa bàn hoàn toàn mới bởi trước đó chưa từng có sĩ quan công an Việt Nam đến đây làm nhiệm vụ. Tổ công tác đặt chân đến Bor khi những cơn mưa dầm dề trút xuống. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12 khiến những con đường đất đỏ thường ngày đã khó đi, nay hoàn toàn mất dấu, chỗ nào cũng chỉ thấy bùn lầy nên việc di chuyển vô cùng khó khăn.
Bang Jonglei bao năm qua vẫn luôn là điểm nóng xung đột vũ trang giữa các nhóm sắc tộc. Thanh niên tộc Murle có vũ trang liên tiếp phát động các cuộc tấn công chống lại bộ lạc Nuer và Dinka, dẫn đến các vụ giết người, bắt cóc phụ nữ, trẻ em và săn bắt trộm gia súc khiến tình hình luôn căng thẳng. Hệ quả tất yếu là vấn nạn di dân, đói khát và bệnh tật. Mức độ nguy hiểm tại địa bàn ở mức bậc 4/6 (cận nguy hiểm cao) trong thang đo hệ thống cấp độ an ninh LHQ. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên, căn cứ Bor thực hiện giờ giới nghiêm từ 8 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.
Ba sĩ quan đã ứng tuyển thành công vào các vị trí công tác tại Văn phòng Cảnh sát Bor, bang Jonglei. Đại úy Thế Anh thực hiện nhiệm vụ ở Đội Điều hành tác chiến. Đại úy Trang ở Đội Đào tạo, xây dựng năng lực, còn Thiếu tá Hòa thuộc Đội tuần tra. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, họ tăng cường xuống địa bàn để nắm tình hình và tiếp xúc với người dân.
“Ở nhà tôi lái xe khá thành thục, nhưng với các dạng địa hình ở Bor thì có lúc vẫn toát mồ hôi. Chiếc ôtô lướt trên bùn và nhảy chồm chồm qua những ổ voi, ổ trâu nên có cảm giác như bay trên đường. Xe lúc nào cũng trong tình trạng đầu xe lệch sang phải, đuôi xe quay ngang sang trái vì đường trơn. Nhiều lúc xe bị sa lầy, tôi phải vào nhà người dân gần đó mượn cây gỗ, hì hụi vần tảng đá để tự cứu hộ xe. Giờ thì những cung đường ở Bor, anh em chúng tôi đã thuộc nằm lòng và khả năng lái xe ngày càng thiện chiến”, Thiếu tá Hòa chia sẻ.
Đi ôtô là vậy, còn đi tuần tra phức hợp bằng trực thăng thì cứ thời tiết xấu là bị hoãn. Đại úy Thế Anh kể rằng một lần bay đến khu vực tuần tra, làm xong nhiệm vụ thì nhận được tin sắp có mưa bão. Máy bay không thể quay về căn cứ Bor, cũng không thể ở lại địa bàn nên anh và đồng nghiệp đã bay đến căn cứ Bentiu gần đó tạm trú một đêm, hôm sau mới quay về. “Ngôn ngữ cũng thực sự là rào cản khi người dân ở Bor hầu như không biết tiếng Anh. Chúng tôi phải tìm người vừa biết tiếng Anh vừa thông thạo tiếng địa phương để phiên dịch. Trong rất nhiều tình huống phải phát huy tối đa ngôn ngữ cơ thể”, Đại úy Thế Anh dí dỏm chia sẻ.
Nếm trải “đặc sản” ở Bor
Căn cứ Bor khá rộng lớn, có các tiểu đoàn quân đội Ấn Độ và Ethiopia, đội công binh Hàn Quốc và quân cảnh Campuchia cùng làm việc. Lực lượng cảnh sát LHQ ở đây có hơn 50 sĩ quan, trong đó có 3 sĩ quan Việt Nam.
Khu ở của Thiếu tá Hòa và Đại úy Thế Anh cách khu ở của Đại úy Trang khoảng ba dãy container. Những căn phòng container nhỏ xinh ở đây được đánh số, kê trên các trụ cách mặt đất chừng 30cm để chống ẩm mốc. Đại úy Thu Trang là nữ sĩ quan duy nhất của tổ 4. Chị chia sẻ rằng sang địa bàn, yếu tố rất quan trọng là phải đảm bảo sức khỏe để tuần tra ngoài trời, bất chấp các dạng thời tiết và địa hình. Bởi ở đây dù là nam hay nữ thì cũng phải độc lập tác chiến.
“Mỗi lần đi tuần tra về là chiếc ôtô trắng mang dòng chữ UN phủ kín bùn đất. Có hôm tôi lái xe đi địa bàn thì gặp trời mưa. Mưa trắng trời trắng đất không nhìn rõ đường đi. Dù hơi lo lắng nhưng tôi vẫn phải đánh liều gài cầu và lái xe trong mưa. Vì không định hình được đường sá thế nào nên tôi đành bám sau chiếc xe tuk tuk của người dân địa phương”, Đại úy Trang kể.
Ba sĩ quan Công an Việt Nam của tổ công tác số 4 tại phái bộ UNMISS, Nam Sudan.
Trong số những “đặn sản” ở Bor thì muỗi là cơn ác mộng. Nhân viên LHQ có người đến đây vài ngày đã dính sốt xuất huyết hàng nửa tháng trời. Nhờ có thói quen ngủ màn và bôi thuốc chống muỗi mà hiện tại ba sĩ quan Công an Việt Nam vẫn chưa bị dịch bệnh tấn công. Ba anh em thường nói đùa với nhau rằng “có lẽ muỗi chừa mình ra”.
Cách vài ngày, các sĩ quan đi lấy nước ở khu vực chung về đun nấu. Thực phẩm có thể đặt hàng qua công ty cung cấp thực phẩm của LHQ nhưng hoàn toàn là đồ đông lạnh. Bởi thế cuối tuần họ tranh thủ đi chợ địa phương. Đại úy Trang cho biết: “Chợ ở đây chỉ có thịt bò, thịt dê và thịt cừu. Bù lại chúng tôi được ăn cá tươi của người dân đánh bắt ở sông Nile rồi đem bán. Rau thì chủ yếu là bắp cải và một số loại rau chúng tôi không biết tên. Để có rau ăn thì phải tự trồng. Những gói hạt mướp, hạt cải, hạt mùi mang từ Việt Nam cũng nảy mầm xanh lá ở vùng đất châu Phi cằn cỗi”.
Những ngày cận Tết, Đại úy Thế Anh có thêm niềm vui khi anh vừa trúng tuyển vị trí Trưởng Trung tâm Tác chiến khẩn cấp và hỗ trợ cơ sở dữ liệu 112 tại Phái bộ UNMISS. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và xây dựng chiến lược, Đại úy Thế Anh đã chứng minh năng lực vững vàng để đảm nhận vai trò chiến lược trong khối tác chiến, nhằm hỗ trợ Nam Sudan xây dựng một hệ thống ứng phó khẩn cấp đáng tin cậy. Từng ngày trôi qua, các tổ công tác luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ. Đó là nguồn động viên rất lớn để họ vượt lên mọi hoàn cảnh và điều kiện làm việc để đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động GGHB LHQ.
Huyền Châm