Óc Eo xa lắm…

Óc Eo xa lắm…
5 giờ trướcBài gốc
Chùa Linh Sơn
Đến Óc Eo, chúng tôi lên thăm ngôi chùa Linh Sơn nằm ở sườn núi Ba Thê, rợp bóng cổ thụ. Qua cổng tam quan, một ngôi chùa mái ngói rêu phong thấp thoáng hiện lên dưới những tán lá xanh cao vút, trong không gian thoáng đãng, thanh tịnh. Chúng tôi chậm rãi, khẽ khàng đặt từng bước chân theo con đường thoai thoải dẫn lên sân chùa, hai bên rêu mọc xanh rì, vì ý thức được rằng mình đang có mặt ở một địa chỉ văn hóa, lịch sử rất đặc biệt.
Theo lời giới thiệu, ngôi chùa này được xây dựng năm 1913, cách đây 112 năm. Mảnh đất nơi ngôi chùa tọa lạc là “đất thiêng”, trên nền một kiến trúc cổ, trung tâm của nền văn hóa Óc Eo xa lắc, của quốc gia Phù Nam lừng lẫy trong lịch sử.
Tượng Phật 4 tay ở Linh Sơn.
Qua mấy cấp sân dưới, mới đến sân chính của chùa, phía bên phải của sân chùa có những ngôi tháp mộ các vị tăng quét sơn trắng và vàng nhạt, được hương khói hằng ngày.
Tam bảo thờ tượng Phật 4 tay được sơn phết bằng sơn vàng sặc sỡ nhưng tạo hình khác với các tượng pháp thường thấy, tương đồng phong cách tượng Bà Chúa Xứ ở núi Sam. Các nhà nghiên cứu khẳng định đây chính là tượng thần Visnu của vương quốc Phù Nam xưa. Năm 1913, người dân tìm thấy pho tượng này chìm sâu 2 mét dưới lòng đất ở khu vực chợ Vọng Thê. Tượng cao 1,7 mét, bằng đá đen. Trước đó, vào năm 1879, hai tấm bia đá sa thạch đen cũng được tìm thấy. Một tấm khắc minh văn Sanskrit cổ đọc được một số chữ có nội dung: “Vì hoàng hậu, thân mẫu của Kumarambha tuân theo con đường của đạo pháp, đã vui mừng cúng thần Sri Varhamana, vài chục tôi tớ...”. Một tấm không thấy chữ.
Sau khi xây dựng chùa, người dân cho đắp thêm chân để tượng có dáng ngồi kiết già và sơn phết, dẫn đến vẻ đẹp thời gian của pho tượng bị che phủ. Điều đáng tiếc nữa là hai tấm bia cũng được gắn xi măng vào bệ thờ, không được giữ gìn riêng biệt...
Ngồi trên ghế đá ở sân chùa, lắng nghe tiếng gió thổi lao xao, những hạt nắng nhạt qua kẽ lá nhảy nhót vui mắt, chúng tôi suy ngẫm về pho tượng trong chùa, “chứng nhân” của Phù Nam, mới biết dâu bể thời gian cũng không thể xóa hết mọi dấu vết. Dưới lòng đất hẳn còn lưu giữ rất nhiều hiện vật phản ánh những năm tháng huy hoàng xưa cũ của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên, mà các đợt khai quật khảo cổ đã làm phát lộ một phần.
Từng là chốn cung đình
Các đợt khảo sát, khai quật đã tìm thấy những kiến trúc đổ nát xung quanh chùa Linh Sơn, ngoài gạch đá còn có rất nhiều di vật như: bàn mài, con lăn đá, chân đá tảng, bậc thềm, trụ cửa bằng đá... là những cấu kiện của một kiến trúc lớn. Bên cạnh đó là bệ thờ Linga - Yoni, tượng thần Visnu, bò thần Nadin và nhất là một trụ đỡ bằng đá có khắc minh văn. Học giả G.Coedes nhận định, nơi đây vốn có một đền thờ bằng gạch, có thể là nơi dựng một tượng Linga, vật tượng trưng cho thần Siva...
Các nhà nghiên cứu còn đưa ra nhận định: “Chùa Linh Sơn và khu vực phía Đông núi Ba Thê từng là chốn cung đình của các vị vua cuối thời Phù Nam, sau khi kinh đô Angkor Borei bị Chân Lạp xâm chiếm vào thế kỷ thứ VII sau Công nguyên”.
Năm 1879, những cổ vật đầu tiên của nền văn hóa này đã được bác sĩ A.Corre thông báo trong tập san “Excursions et Reconnaisances”. Từ năm 1937, L. Malleret - nhà khảo cứu người Pháp đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu một vài địa điểm văn hóa Óc Eo trong vùng Ba Thê và ghi nhận hàng loạt di tích phân bố trên các gò thấp, hệ thống kênh cổ. Tên gọi văn hóa Óc Eo được đặt theo tên địa điểm gò Óc Eo, được phát hiện và công bố năm 1942.
Cuộc khai quật đầu tiên được L. Malleret tiến hành năm 1944. Từ đó đến nay các nhà khảo cổ trong nước cùng nhiều nhà khảo cổ nước ngoài như Pháp, Mỹ, Nga, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã tiếp tục khai quật, nghiên cứu và công bố những đánh giá mới về nền văn hóa Óc Eo với số lượng di tích, di vật, kiến trúc lớn đến kỳ lạ.
Ngay sát sân chùa Linh Sơn là khu khai quật di tích khảo cổ Nam Linh Sơn Tự. Tầng văn hóa di tích Nam Linh Sơn Tự xuống sâu đến 2m so với đỉnh gò, gồm nhiều giai đoạn sử dụng, xây dựng và tu bổ. Đây là lần đầu tiên, các nhà khảo cổ đã phát hiện mộ chum trong một di chỉ Óc Eo và cũng là lần đầu tiên mộ hỏa táng kiểu Óc Eo được tìm thấy ở thế đất cao trên sườn núi.
Từ Linh Sơn Tự, chúng tôi đi thăm di chỉ Gò Cây Thị. Di chỉ nằm giữa cánh đồng, con đường dẫn đến di chỉ đi giữa những hàng cây xanh, hai bên là đồng ruộng bát ngát. Theo các nhà khảo cổ, cả kiến trúc Gò Cây Thị được xây dựng trên nền tảng văn hóa cư trú có chứa nhiều gốm và cọc nhà sàn. Đây là kiến trúc quan trọng nhất còn lại trên cánh đồng Óc Eo, có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ V sau Công nguyên. Với giá trị lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa khoa học rất cao, nên năm 2012 Gò Cây Thị được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Sân chùa Linh Sơn.
Phù Nam
Trở lại pho tượng đá được sơn phết trên Tam Bảo chùa Linh Sơn, vì sao pho tượng nguyên gốc không phải là thần Siva hay tượng Phật, các nhà nghiên cứu cho biết, ở Ấn Độ xưa, các đại điền chủ thờ thần Siva, giới tiểu nông, tiểu thương thì thờ thần Visnu. Ở Nam Bộ đa số tượng thờ được tìm thấy là Visnu. Điều đó cho thấy khi tiếp xúc với Ấn giáo, cư dân Óc Eo đã chọn Visnu vì vị thần này phù hợp với xã hội của nông dân, tiểu thương, tiểu thủ công nghiệp khi ấy.
Trên nền tảng văn hóa Óc Eo, vương quốc Phù Nam ra đời. Phù Nam là tên gọi một vương quốc theo âm Hán Việt, nhưng theo tiếng cổ của quốc gia này là Btu Nam, Bnam, Bnum, Vnum, ngày nay là Phnom, nghĩa là đồi, núi. Có nhà nghiên cứu cho rằng, cư dân của Phù Nam là hai bộ lạc Môn Cổ và Nam Đảo. Bộ lạc người miền núi hay người Bnom, Mnông, Pnông trên phía Nam dãy Trường Sơn. Các học giả phương Tây lại cho rằng, Phù Nam là một từ Khmer - Pnôm Pênh và Fu Nan, bao gồm cả Chân Lạp, Việt Nam, Thái Lan và vùng xung quanh.
Phù Nam được hình thành vào thế kỷ đầu Công nguyên, cương vực chưa thể xác định được một cách chính xác nhưng các nhà nghiên cứu đều cho rằng nó rất rộng lớn. Dù nhận định về cương vực còn khác nhau nhưng điều khá thống nhất là trung tâm của Phù Nam nằm trong vùng Tây Nam của Việt Nam và Đông Nam Campuchia mà đô thị - cảng thị Óc Eo là nơi Phù Nam giao lưu với thế giới bên ngoài, đại diện tiêu biểu cho Phù Nam.
Quốc gia Phù Nam tồn tại cho đến khoảng nửa đầu thế kỷ 7 (sau năm 630) thì bị sáp nhập vào lãnh thổ của Chân Lạp. Mãi đến thế kỷ XVII - XVIII, một phần lãnh thổ xưa kia được coi là trung tâm của Phù Nam tách khỏi Chân Lạp để trở thành lãnh thổ Việt Nam, tức Nam Bộ ngày nay. Sau khi thôn tính Phù Nam, giới quý tộc, thượng lưu của Chân Lạp đã tiếp thu nền văn hóa Phù Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thủy lợi và kiến trúc.
Nhân chứng của thời gian thăm thẳm
Sau khi thăm Linh Sơn Cổ Tự và các di chỉ khảo cổ, thăm ngôi chùa Khmer Kal Bô Prưk đẹp mắt trên triền núi Ba Thê, câu hỏi được đặt ra là hậu duệ của cư dân Phù Nam hùng mạnh ngày xưa bây giờ ở đâu?
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng: Chủ nhân của vùng đất Nam Bộ nói chung sau sự sụp đổ của vương quốc Phù Nam và sự suy tàn của văn hóa Óc Eo vẫn là lớp người đã sinh sống nhiều thế kỷ trên địa bàn này. Không thể có sự thay thế một cơ tầng dân cư bản địa bằng một lớp dân cư khác trên một vùng đất rộng lớn và có mật độ cao như vùng châu thổ sông Cửu Long sau một cuộc chinh phạt bằng quân sự. Sau sự tan rã của Phù Nam, cũng như các dân tộc khác trong vùng, các cư dân bản địa ở Nam Bộ vẫn tiếp tục sinh sống trên đất cũ của mình và chịu ảnh hưởng chính trị của Chân Lạp.
Chia tay thị trấn Óc Eo, chúng tôi ngoái lại nhìn ngọn núi Ba Thê, chợt thấy ngọn núi xanh thẫm màu cây rừng, không cao mà vẫn sừng sững bởi ngọn núi là nhân chứng của thời gian thăm thẳm, đang lưu giữ trong nó những dấu tích của nền văn hóa Óc Eo đồ sộ, của đế chế Phù Nam rộng lớn và phồn vinh... Lưu Vũ Tích viết trong “Lậu thất minh” rằng: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh/ Thủy bất tại tâm, hữu long tắc linh” nghĩa là: “Núi không vì cao, có tiên ở đó ắt sẽ nổi tiếng/ Nước không vì sâu, có rồng thì ắt linh”, sao mà phù hợp với Ba Thê đến thế...
Nguyễn Phan Khiêm
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/so-tay/oc-eo-xa-lam-i756391/