Như mới đây, giữa tháng 5-2025, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã nêu vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc trên AI và sự khó trong việc này khi các điều luật hiện hành chưa theo kịp diễn biến trong thực tế.
Trên thế giới, các nhà bảo vệ tác quyền âm nhạc cũng đang đau đầu vì AI, với những sản phẩm phổ biến từ nó, chẳng hạn như Suno hay Udio - những nền tảng hỗ trợ sáng tác nhạc nhanh chóng, dễ dàng dựa trên trí tuệ nhân tạo. Suno được biết đến rộng rãi từ cuối năm 2023, là công cụ tạo nhạc hàng đầu, sử dụng dễ dàng như khi con người dùng ChatGPT để tạo nội dung văn bản vậy. Tuy nhiên, trong thực tế, từ một số bài hát mà các ứng dụng này giúp sáng tạo ra, người ta đã nhận ra sự giống nhau đến mức đáng kinh ngạc so với tác phẩm của một số nghệ sĩ nổi tiếng. AI hỗ trợ con người tạo nhạc, đó là nguyên nhân dẫn đến một số vụ kiện xâm phạm bản quyền âm nhạc đã xảy ra tại Mỹ, là nguồn cơn dẫn đến sự tranh cãi gay gắt giữa giới nghệ sĩ và nhà làm luật tại Anh, và là lý do khiến người ta đặt ra câu hỏi về động lực sáng tạo của giới nghệ sĩ trong bối cảnh ai cũng có thể sở hữu tác phẩm âm nhạc nhờ sự trợ giúp từ AI.
Đến lúc này, cho dù có thể giúp con người sáng tạo nghệ thuật nhưng các mô hình tạo nhạc nhờ AI chưa thể sánh bằng các nghệ sĩ thực thụ bởi khả năng tổng hợp và sao chép không thể thay thế cảm xúc và trải nghiệm phong phú của nhà sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, theo thời gian, cần dự báo viễn cảnh AI sẽ tìm được điểm cân bằng, khắc phục điểm hạn chế đó, dẫn đến khả năng thay thế sự sáng tạo của con người. Đánh giá đúng về hệ lụy cũng như lợi ích có được từ sự phát triển của AI không chỉ giúp nhà quản lý đề ra chính sách tạo sự cân bằng giữa quyền lợi của nghệ sĩ và đổi mới công nghệ, mà còn giúp duy trì động lực sáng tạo của người làm nghệ thuật.
Huy Toàn