Sống chung với AI

Sống chung với AI
4 giờ trướcBài gốc
Ở đâu người ta cũng bàn luận về nó với tất cả những tiện dụng không thể phủ nhận đi kèm một số cảnh báo và lo ngại. Vì lẽ đó, học cách sống chung với AI là không thừa.
Lớp tập huấn về ứng dụng AI do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức cho 90 cán bộ Công đoàn chuyên trách vào tháng 4-2025. Ảnh: L.N
Chỉ trong vài tháng qua, liên tục có những lớp tập huấn về sử dụng AI được mở ra tại TP. Pleiku. Gần đây nhất là lớp do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp tổ chức cho 100 học viên là cán bộ, đảng viên trong tỉnh vào ngày 21-5. Tại lớp tập huấn, học viên được các chuyên gia về công nghệ truyền đạt kỹ năng sử dụng thành thạo công cụ ChatGPT với một số nội dung như: hỗ trợ soạn thảo văn bản, truy vấn tài liệu, phân tích dữ liệu; hỗ trợ học tập và phát triển bản thân…
Trước đó, ngày 24-4, Liên đoàn Lao động tỉnh mở lớp tập huấn chuyên đề về ứng dụng AI, chuyển đổi số cho 90 cán bộ Công đoàn chuyên trách toàn tỉnh. Lớp tập huấn đã cung cấp cho cán bộ Công đoàn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tận dụng tối đa tiềm năng của AI nhằm nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại số.
Cũng trong tháng 4-2025, khi đứng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ “Kỹ năng ứng dụng công nghệ AI trong sáng tạo nội dung báo chí”, Thạc sĩ Vũ Thế Cường-Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền không khỏi bất ngờ với số lượng 161 học viên tham gia.
Theo Thạc sĩ Vũ Thế Cường, đây là lớp tập huấn có đông học viên nhất mà ông từng phụ trách, cho thấy sức hút lớn của chủ đề trên. Trong thời gian 2 ngày, các nhà báo, phóng viên được chia sẻ kỹ năng ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí như: phân tích dữ liệu báo chí, thiết kế đồ họa, sản xuất nội dung đa phương tiện… nhằm phục vụ công chúng tốt hơn, nhanh nhạy hơn.
Cùng với hiệu quả mang lại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh chuyển đổi số, học viên các lớp tập huấn nói trên cũng có dịp hiểu thêm về những thách thức từ AI và khuyến cáo về cách thức sử dụng. Theo đó, AI không phải là “công cụ toàn năng” hay “chuyên gia biết tuốt” nên vẫn cần người sử dụng có độ lùi để kiểm chứng thông tin, đồng thời biết cách huấn luyện sao cho công cụ này hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ ngày càng hiệu quả.
Quan trọng hơn, học về công cụ AI không chỉ để khỏi lạc hậu, mà còn học để… biết sợ. Đơn cử, những người cầm bút hiểu rằng, không thể nhờ ChatGPT viết giùm một bài báo, bởi nguy cơ vi phạm bản quyền, thậm chí “đạo văn” là rất cao.
Trí tuệ nhân tạo chỉ nên được xem là trợ lý chứ không phải là người quyết định thay, làm thay. Song, nguy cơ vi phạm bản quyền vẫn chưa đáng sợ bằng nguy cơ lệ thuộc về tư duy. Thay vì suy nghĩ độc lập, một số người nhờ ChatGPT tư vấn trước tiên, dần dà bị phụ thuộc lúc nào không biết.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về kỹ năng sử dụng AI do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức tháng 4-2025. Ảnh: Lam Nguyên
Gần đây, một bài viết cảnh báo về nguy cơ trên với nhan đề “Tắt não, mở ChatGPT”. Thử hình dung một ngày nào đó, vì lý do bất khả kháng mà mạng internet gián đoạn, ChatGPT “im tiếng” thì con người sẽ bối rối đến nhường nào?
Từ sự cố mất điện trên diện rộng tại các nước châu Âu cuối tháng 4 vừa qua khiến hệ thống tàu điện ngầm chìm trong bóng tối, hàng loạt chuyến bay bị hủy, dịch vụ điện thoại “đóng băng”, hệ thống đèn giao thông và máy rút tiền ATM đều ngừng hoạt động… có thể nhìn ra viễn8 cảnh này. Công nghệ giúp cho cuộc sống con người trở nên tiện nghi hơn bao giờ hết nhưng cũng kèm theo những sự cố khó ngờ.
Đáng nói, ngay khi con người học cách sử dụng AI thì chính các công cụ được ví như “bộ óc thứ 2” cũng học cách sao chép cảm xúc của con người. Ta giao tiếp với AI theo cách nào, AI cũng học hỏi rất nhanh để trả lời các câu hỏi theo đúng phong cách ấy, thậm chí còn thả biểu tượng cảm xúc rất đúng chỗ, đúng ngữ cảnh theo lối... cực kỳ chiều ý. Cảm giác ta đang trò chuyện với một con người chứ không phải một công cụ là có thật.
Cũng có những lo ngại về việc AI can thiệp quá đà, thậm chí “giết chết” sáng tạo nghệ thuật. Tại triển lãm tranh cá nhân “Mắt núi” vừa ra mắt công chúng vào ngày 9-5 tại TP. Pleiku, tác giả Hùng Hoa Lư đã chia sẻ lý do ông chuyển từ chụp ảnh sang vẽ tranh. Ấy là khi ông chứng kiến công cụ AI chỉnh sửa ảnh theo những cách không thể tin nổi, khiến bản thân hoài nghi về sự sáng tạo của bộ môn nghệ thuật này.
Vậy là, ông tìm đến cây cọ vẽ, như tìm về với những gì chân thật nhất dù có tác phẩm phải tỉ mẩn cả tháng trời mới hoàn thành. Mới đây, ca sĩ Cao Minh-ông hoàng “nhạc đỏ”, người thủ vai chú Sáu trong bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” cũng kể ra lý do ông ra đảo ở hồ Trị An (Đồng Nai) xây nhà hát riêng. “Tôi sợ bị AI lấn át nên tôi xây nhà hát bằng gỗ, không dùng âm thanh điện tử, chỉ hát mộc cho các bạn nghe”-ông nói vui.
Nhưng cuối cùng thì nói dông dài về những nguy cơ ấy không phải là để “tẩy chay” AI. Quan trọng là hiểu tường tận để sử dụng một cách thông minh hơn, có trách nhiệm hơn và không lệ thuộc. Đừng để “trợ lý” biến thành “ông chủ”. Đôi khi những quyết định quan trọng không đến từ khối óc mà là từ trái tim.
LAM NGUYÊN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/song-chung-voi-ai-post324832.html