Lao động trong ngành bán dẫn. (Nguồn: TTXVN)
Trước thềm Diễn đàn French Tech Summit Vietnam 2025 khai mạc ngày 27/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN tại Pháp đã có buổi trao đổi với Tiến sỹ Marko Erman, Trưởng Văn phòng Nghiên cứu Khoa học, Tập đoàn Thales.
Tiến sỹ Marko Erman khẳng định Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng cho quốc phòng và an ninh mạng.
Nhấn mạnh mối quan hệ lâu dài của Thales với thị trường Việt Nam từ 30 năm qua, Tiến sỹ Marko Erman bày tỏ sự hài lòng khi nhận thấy mối quan hệ này cho đến nay vẫn luôn "theo đuổi chiến lược dài hạn, thông qua các hợp tác với các công ty lớn của Việt Nam như VNPT, Viettel và FPT."
Về triển vọng hợp tác Pháp-Việt, ông Erman bày tỏ sự lạc quan khi các thỏa thuận song phương gần đây, như Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện được ký kết giữa Pháp và Việt Nam, đã thiết lập một khuôn khổ thuận lợi cho các hoạt động đầu tư công nghệ.
Ông nhận định: “Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số toàn diện và có tham vọng trở thành một nhân tố công nghệ quan trọng tại Đông Nam Á. Việc ký kết thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Pháp và Việt Nam vào tháng 10/2024 đang mở ra con đường hợp tác dài hạn trong các lĩnh vực chiến lược, đồng thời nhấn mạnh cam kết chung trong việc hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa các tham vọng công nghệ của mình."
Cũng theo ông Erman, Thales đã cung cấp cho lực lượng vũ trang Việt Nam nhiều công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực chống tàu ngầm, radar giám sát và quang điện tử. Các cuộc trao đổi với Bộ Quốc phòng Việt Nam được tăng cường trong những năm qua, "mở ra những triển vọng tích cực trong lĩnh vực phòng không, chống máy bay không người lái và phòng thủ hải quân."
Tiến sỹ Marko Erman, Trưởng Văn phòng Nghiên cứu Khoa học, Tập đoàn Thales. (Ảnh: TTXVN phát)
Về khả năng Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Thales, Tiến sỹ Marko Erman cho rằng "lực lượng lao động Việt Nam trẻ và có trình độ cao, tạo nên sự năng động trong nghiên cứu và phát triển về AI và ứng dụng an ninh mạng."
Ông cũng cho biết các nền tảng tính toán AI của Thales cần các linh kiện điện tử chuyên biệt. Với định hướng và chuyên môn của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử, đây có thể là điểm khởi đầu trong chuỗi cung ứng.
Đối với việc phát triển năng lực của Việt Nam, Tiến sỹ Erman khuyến nghị Việt Nam nên tiếp tục thúc đẩy phát triển các ngành khoa học liên quan đến công nghệ thông tin và xuyên suốt toàn bộ hệ thống đào tạo đại học. Đặc biệt, ông đề xuất "thiết lập đào tạo cơ bản về trí tuệ nhân tạo AI, có thể kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu hơn về các thiết bị quốc phòng."
Theo ông, việc xây dựng một chương trình đào tạo như vậy sẽ rất hữu ích. Chính sự kết hợp giữa kiến thức về AI và hiểu biết về các ứng dụng quân sự sẽ giúp nắm bắt chính xác những yêu cầu đặc thù của AI trong lĩnh vực quốc phòng.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "đầu tư vào nghiên cứu nâng cao về học máy và phát triển các thuật toán tinh vi, vì những điều này là thiết yếu để đẩy nhanh đổi mới trong an ninh mạng và quốc phòng." Ngoài ra, ông cho rằng cần khuyến khích các chương trình trao đổi quốc tế và các kỳ thực tập tại những trung tâm nghiên cứu danh tiếng trên thế giới. Điều này sẽ giúp các chuyên gia Việt Nam tiếp cận những tiến bộ công nghệ mới nhất trong các lĩnh vực trọng yếu.
Tự hào về tập đoàn của mình, ông Marko Erman cho biết Thales đã "làm việc trong lĩnh vực AI phục vụ các hệ thống quan trọng từ hơn 30 năm nay." Tập đoàn này vừa ra mắt bộ tăng tốc AI có tên CortAix, "tập hợp 800 chuyên gia AI làm việc trên hơn 100 trường hợp sử dụng cụ thể của AI cho các hệ thống quan trọng và đặc biệt là quốc phòng."
Ảnh minh họa. (Nguồn: Globaltimes)
Về mối quan hệ giữa AI và an ninh mạng, ông Erman nhấn mạnh: "AI và an ninh mạng có mối liên hệ mật thiết: một mặt, AI cho phép thiết kế các cuộc tấn công tinh vi và quy mô lớn hơn, nhưng trong lĩnh vực quốc phòng, AI cũng giúp chúng ta dự đoán tốt hơn các mô hình tấn công và phát hiện những tín hiệu yếu của các cuộc tấn công hiệu quả hơn bất kỳ kỹ thuật nào khác."
Sự kiện French Tech Summit Vietnam 2025 và việc chọn "Năm Đổi mới Sáng tạo" làm chủ đề hợp tác giữa Pháp và Việt Nam sẽ góp phần tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó Thales sẽ tham gia diễn đàn với chủ đề "AI toàn diện: đáng tin cậy, có chủ quyền và an toàn."
Với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển AI cho các hệ thống quan trọng, Tập đoàn Thales sẵn sàng mở rộng hợp tác với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ./.
(TTXVN/Vietnam+)