Đấu giá lại quyền sử dụng khối băng tần B2 và B2'

Đấu giá lại quyền sử dụng khối băng tần B2 và B2'
16 giờ trướcBài gốc
Theo Quyết định số 280, điểm mới của phương án đấu giá lại này sẽ thực hiện kể cả chỉ có một doanh nghiệp tham gia. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo về quá trình đấu giá và biên bản đấu giá. Trong trường hợp này, biên bản đấu giá ngoài các nội dung theo quy định phải thể hiện quá trình đấu giá chỉ có một tổ chức đăng ký tham gia hoặc chỉ có một tổ chức tham gia cuộc đấu giá hoặc chỉ có một tổ chức trả giá hoặc có nhiều tổ chức trả giá nhưng chỉ có một tổ chức trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm.
Khối băng tần B2 và B2’ được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số (FDD) theo Thông tư số 19/2019/TT-BTTTT ngày 25/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về quy hoạch băng tần 694-806 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.
Giá khởi điểm của hai khối băng tần này là hơn 1,95 nghìn tỷ đồng; được thực hiện bằng cách bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, với bước giá 20 tỷ đồng. Để đăng ký, doanh nghiệp tham gia cần nộp khoản đặt cọc 100 tỷ đồng và phải được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cấp giấy xác nhận đáp ứng điều kiện đấu giá. Doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Trước đó, vào tháng 2/2025, việc đấu giá khối băng tần B2 và B2' phải hủy bỏ do chỉ có một doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ tài chính (đặt cọc) theo quy định.
Giá trị của một tần số phụ thuộc vào dải hoạt động rộng hay hẹp và tần số thấp hay cao. Tần số càng rộng, tốc độ truyền dữ liệu càng cao. Tần số ở dải càng thấp, sóng di động càng đi xa. Do ở tần số thấp, băng tần 700 MHz được coi là băng tần có giá trị thương mại rất cao. So với các băng tần 900 MHz, 1800 MHz hay 2100 MHz, băng tần 700 MHz có ưu điểm vượt trội về khả năng truyền sóng, giúp nhà mạng giải quyết được bài toán mở rộng vùng phủ sóng ở cả khu vực nông thôn và miền núi.
Theo phương án tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz tại Quyết định số 280, Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu doanh nghiệp cam kết sau 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần 713- 723 MHz và 768-778 MHz triển khai tối thiểu 5.500 trạm phát sóng vô tuyến điện; sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng, phủ sóng dịch vụ viễn thông di động mặt đất tại tối thiểu 50% số địa bàn hành chính cấp xã trên toàn quốc (mỗi địa bàn hành chính cấp xã có ít nhất 1 trạm phát sóng vô tuyến điện sử dụng băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz); chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần. Bên cạnh đó, trong điều kiện khả thi về công nghệ, kỹ thuật, doanh nghiệp cam kết thực hiện chuyển vùng dịch vụ viễn thông di động mặt đất giữa các mạng khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ các hoạt động viễn thông công ích; hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tình trạng khẩn cấp theo quy định.
TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/dien-tu-vien-thong/dau-gia-lai-quyen-su-dung-khoi-bang-tan-b2-va-b2-20250507110935722.htm