CNN dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ cho biết, Israel đang có dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, động thái có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn tại Trung Đông trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn đang theo đuổi giải pháp ngoại giao với Tehran.
Một góc nhìn về thủ đô Tehran, Iran, ngày 31/3/2025. . Ảnh: NurPhoto/Getty
Thông tin tình báo mới, bao gồm các dữ liệu chặn thu liên lạc và theo dõi chuyển động quân sự của Israel, cho thấy nước này đang tiến hành một số bước chuẩn bị cụ thể, như điều chuyển vũ khí không quân và hoàn tất một cuộc tập trận trên không. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng lưu ý rằng các động thái trên có thể là cách để Israel gửi thông điệp răn đe tới Iran, nhằm buộc nước này từ bỏ các phần then chốt trong chương trình hạt nhân.
Một nguồn tin cho hay, “khả năng Israel tiến hành tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran đã tăng lên rõ rệt trong thời gian gần đây”. Nguy cơ này càng lớn khi có khả năng Mỹ và Iran đạt được một thỏa thuận hạt nhân không loại bỏ toàn bộ lượng urani của Iran, điều mà Israel cho là không thể chấp nhận.
Nếu được triển khai, một cuộc tấn công như vậy sẽ là hành động thách thức công khai chính sách ngoại giao hiện tại của Tổng thống Donald Trump. Nó cũng có thể làm leo thang căng thẳng tại Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh khu vực vẫn chưa ổn định kể từ cuộc xung đột tại Gaza năm 2023.
Dù vậy, vẫn chưa rõ giới lãnh đạo Israel đã đưa ra quyết định cuối cùng hay chưa và trong nội bộ chính quyền Mỹ cũng có những đánh giá khác nhau về khả năng Israel sẽ hành động.
Iran đang ở thế yếu, Israel nhìn thấy cơ hội vàng?
Theo các quan chức Mỹ, Iran hiện đang ở vào thế quân sự yếu nhất trong nhiều thập kỷ – do các cuộc không kích của Israel hồi tháng 10/2024 nhằm vào cơ sở sản xuất tên lửa và hệ thống phòng không, cùng với áp lực kinh tế từ các lệnh trừng phạt. Thêm vào đó, các lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của Tehran trong khu vực cũng đã bị Israel làm suy yếu đáng kể.
Tình hình này khiến giới chức Israel cho rằng đây là “cơ hội hiếm có” để hành động. Mỹ cũng đã tăng cường thu thập thông tin tình báo nhằm chuẩn bị hỗ trợ nếu Israel quyết định hành động. Tuy nhiên, các nguồn tin trong chính quyền Tổng thống Trump khẳng định Mỹ hiện không có ý định tham gia trực tiếp vào bất kỳ chiến dịch tấn công nào của Israel, trừ khi Iran có hành động khiêu khích rõ ràng.
Theo đánh giá tình báo Mỹ từ tháng 2, Israel không thể phá hủy hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran nếu thiếu sự hỗ trợ từ Mỹ, bao gồm tiếp nhiên liệu trên không và các loại bom đặc biệt có thể xuyên phá các cơ sở nằm sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, bản đánh giá này cũng thừa nhận rằng các cuộc tấn công như vậy chỉ có thể làm chậm tiến trình hạt nhân của Iran trong thời gian ngắn, chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn chương trình này.
“Đây thực sự là một bài toán nan giải đối với ông Netanyahu”, ông Jonathan Panikoff, cựu quan chức tình báo Mỹ chuyên trách Trung Đông nhận định.
Sức ép với Thủ tướng Netanyahu
Dù chính quyền Tổng thống Trump vẫn kiên định theo đuổi giải pháp ngoại giao, ông Trump đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu các cuộc đàm phán thất bại, Mỹ sẽ không loại trừ khả năng dùng đến biện pháp quân sự.
Trong một bức thư gửi Lãnh tụ Tối cao Iran – Ayatollah Ali Khamenei – hồi giữa tháng 3, Tổng thống Trump đã đặt ra thời hạn 60 ngày để đạt tiến triển trong đàm phán. Đến nay, đã hơn 60 ngày kể từ khi thư được gửi và 38 ngày kể từ vòng đàm phán đầu tiên.
Một nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ, Tổng thống Trump đã nói rõ với các đối tác rằng Washington sẽ chỉ cho đàm phán “vài tuần” nữa trước khi cân nhắc chuyển sang phương án quân sự. Tuy nhiên, hiện tại, Nhà Trắng vẫn ưu tiên con đường đối thoại.
Điều này khiến Israel rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Theo ông Panikoff, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang chịu sức ép hai chiều: phản đối một thỏa thuận mà Israel cho là chưa đủ mạnh, nhưng cũng không được phép gây căng thẳng với Tổng thống Trump – người từng có bất đồng với Netanyahu trong một số vấn đề an ninh khu vực.
“Rốt cuộc, quyết định của Israel sẽ phụ thuộc vào các hành động cụ thể của Mỹ, đặc biệt là liệu Tổng thống Trump có đạt được thỏa thuận với Iran hay không,” ông Panikoff nhận định. Ông cũng cho rằng Israel khó có khả năng hành động đơn phương nếu không có ít nhất sự đồng thuận ngầm từ Washington.
Đàm phán Mỹ-Iran vẫn bế tắc vì vấn đề urani
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran hiện đang vấp phải trở ngại lớn xoay quanh vấn đề làm giàu urani - quá trình cần thiết để sản xuất năng lượng hạt nhân dân sự, nhưng cũng có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân.
Đặc phái viên của Mỹ tại Trung Đông, ông Steve Witkoff cho biết Washington “không thể chấp nhận bất kỳ mức độ làm giàu nào, dù chỉ là 1%”. Ông cho biết thêm, Mỹ đã gửi tới Iran một đề xuất “thể hiện thiện chí, đồng thời không làm tổn hại đến thể diện của họ”.
Tuy nhiên, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khamenei khẳng định ông không kỳ vọng các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ đạt được kết quả, đồng thời nhấn mạnh quyền làm giàu urani của Iran theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) là không thể đàm phán.
Một vòng đàm phán mới có thể diễn ra tại châu Âu trong tuần này, song đến nay vẫn chưa có đề xuất nào được Tổng thống Trump chính thức phê duyệt.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo CNN