Dấu hiệu khi bị thiếu máu

Dấu hiệu khi bị thiếu máu
4 giờ trướcBài gốc
Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu
Bệnh thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Thiếu máu do bị mất máu
Xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân như:
Bệnh nhân có thể mắc các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, ví dụ như viêm loét hay ung thư, chảy máu dạ dày…
Tác dụng phụ từ thuốc kháng viêm (NSAIDs).
Rối loạn kinh nguyệt gây chảy máu quá nhiều.
Biến chứng của chấn thương vật lý hoặc bị phẫu thuật trên cơ thể.
- Bệnh thiếu máu do tế bào hồng cầu giảm số lượng hoặc suy yếu
Tủy xương là mô mềm xốp, đóng vai trò thiết yếu trong việc sản sinh tế bào máu. Chính vì thế có một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động tủy xương như:
Bệnh bạch cầu (Leukemia).
Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Tan máu bẩm sinh (Thalassemia).
- Thiếu máu liên quan đến tăng phá hủy hồng cầu
Thông thường vòng đời của tế bào hồng cầu sẽ kéo dài 120 ngày. Tuy nhiên, ở một số trường hợp tế bào hồng cầu cũng có thể "chết" trước khi chưa hoàn thành vòng đời tự nhiên của chúng bởi nhiều lý do như:
Thiếu máu do tán huyết tự miễn.
Cơ thể bị nhiễm trùng, chịu tác động của tác dụng phụ khi dùng kháng sinh.
Biến chứng khi bị ghép mạch máu hoặc van tim.
Hệ lụy và biến chứng các bệnh gan hoặc thận.
Do độc tố của rắn hoặc nhện, ong…
Bệnh thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Những yếu tố khiến cơ thể có nguy cơ bị thiếu máu đó là chế độ ăn nghèo nàn, thiếu một số vitamin và khoáng chất, ăn thực phẩm ít chất sắt, vitamin B12 và folate… cũng có thể dẫn đến thiếu máu.
Mắc rối loạn đường ruột dẫn đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng kém trong ruột non, (bệnh Crohn và bệnh Celiac) khiến cơ thể có nguy cơ bị thiếu máu.
- Phụ nữ kinh nguyệt ra nhiều sẽ mất tế bào hồng cầu dẫn đến thiếu máu.
- Khi mang thai nếu không bổ sung vitamin tổng hợp, acid folic và sắt sẽ làm tăng nguy cơ bị thiếu máu.
- Mắc các bệnh mạn tính như: suy thận, ung thư, tiểu đường... Những bệnh này có thể dẫn đến sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu.
- Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người có tiền sử thiếu máu.
Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác cũng có thể gây thiếu máu. Tiền sử cơ thể bị nhiễm trùng nhất định, mắc các bệnh về máu và rối loạn tự miễn dịch làm tăng nguy cơ thiếu máu.
- Những người nghiện rượu hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại và sử dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.
- Tuổi tác: Trên 65 tuổi có nguy cơ thiếu máu cao hơn.
Biểu hiện khi bị thiếu máu
Đa số các trường hợp thiếu máu ở dạng nhẹ sẽ không thể hiện triệu chứng rõ ràng cụ thể. Do đó, nhiều khi người bệnh thường chỉ phát hiện khám bệnh định kỳ hoặc đi khám để chẩn đoán các bệnh lý khác.
Bệnh nhân thường có biểu hiện như: Tâm trạng cáu kỉnh, gắt gỏng, hay cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thậm chí là suy nhược cơ thể, stress, nhức đầu, mất tập trung, lơ đãng.
Khi bệnh sang giai đoạn nghiêm trọng hơn, cơ thể có thể biểu hiện rõ nét hơn như: Da dẻ nhợt nhạt, xanh xao, đau tức ngực, móng tay giòn, dễ gãy, có thể choáng váng nhẹ khi đột ngột chuyển chuyển tư thế, hồi hộp, dễ hụt hơi...
Tùy vào nguyên nhân gây thiếu máu mà triệu chứng thiếu máu ở mỗi người cũng có thể khác nhau như:
- Thiếu máu do bất sản, có sốt, nhiễm trùng thường xuyên kèm phát ban….
- Thiếu máu do thiếu acid folic: Người bệnh có thể bị tiêu chảy, lưỡi nhẵn bóng…
- Thiếu máu do tán huyết: Có thể có vàng da, nước tiểu sẫm màu, sốt nhẹ kèm đau bụng…
- Thiếu máu do hồng cầu hình liềm: Cơ thể sưng đau ở tứ chi, có thể mệt mỏi, da vàng…
Tóm lại: Khi cơ thể bị thiếu máu cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để bệnh kéo dài, bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng loạt các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe như: Suy nhược cơ thể nghiêm trọng, gây biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ, bao gồm cả sinh non, tim mạch, thiếu máu não, thậm chí có thể tử vong.
Để phòng thiếu máu cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều loại vitamin đa dạng như: Ăn các loại thịt đỏ như bò, heo, cừu…; hải sản như tôm cua; gan động vật; rau xanh sẫm màu như cải bó xôi, súp lơ xanh, đậu lăng, hạt bí, đậu hũ và các loại trái cây khô...; bổ sung vitamin B12.
Ngoài ra, còn có thể bổ sung các loại vitamin bằng cách thay đổi thực đơn với ức gà, cá hồi, nghêu, trứng...; bổ sung vitamin C cũng giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ sắt hơn.
BS. Phạm Văn Hiệu
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-khi-bi-thieu-mau-169241010200053631.htm