Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. (Ảnh: Getty)
Hai quan chức châu Âu nói với Financial Times rằng các cuộc thảo luận với nhóm chuyển giao của ông Trump trong những tuần gần đây cho thấy họ vẫn chưa quyết định cách giải quyết cuộc xung đột và sự ủng hộ dành cho Ukraine sẽ được duy trì sau lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1.
Một quan chức cho biết: "Toàn bộ đội ngũ trợ lý (của ông Trump) đều bị ám ảnh với việc thể hiện sức mạnh và tỏ ra mạnh mẽ, vì vậy họ đang điều chỉnh lại cách tiếp cận đối với Ukraine".
Chính quyền mới không muốn bị so sánh hành động của họ với cuộc rút quân mất mặt của Mỹ khỏi Afghanistan dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Đầu tuần này, ông Trump gợi ý rằng "6 tháng" là mục tiêu thực tế hơn để chấm dứt cuộc xung đột.
Ông Keith Kellogg, người được ông Trump chọn làm đặc phái viên về xung đột ở Ukraine, nói với Fox News hôm 8/1 rằng mục tiêu của ông là chấm dứt xung đột trong "100 ngày".
"Tôi muốn đặt ra mục tiêu ở cấp độ cá nhân và chuyên môn. Tôi sẽ đặt mục tiêu là 100 ngày và lùi lại toàn bộ chặng đường. Tôi muốn tìm ra cách chúng ta có thể thực hiện điều này trong thời gian tới, để đảm bảo giải pháp là vững chắc và bền vững và cuộc xung đột này kết thúc”, ông Kellogg nhấn mạnh khi được hỏi về thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.
Các lãnh đạo và quan chức châu Âu đã trình bày với ông Trump và đội ngũ trợ lý của ông rằng Mỹ cần tiếp tục viện trợ quân sự để Kiev có vị thế mạnh hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình và đưa Nga vào bàn đàm phán.
Tháng trước, các quan chức Pháp cho biết, củng cố vị thế của Ukraine trên chiến trường nghĩa là ngăn chặn những bước tiến của Nga ở miền đông, vì sẽ không có cuộc đàm phán nào diễn ra nếu Mátxcơva vẫn tiếp tục kiểm soát lãnh thổ Ukraine. Sự hỗ trợ quân sự liên tục của Washington là điều rất quan trọng đối với năng lực quân sự của Ukraine, dù các quốc gia châu Âu cũng viện trợ vũ khí và tài chính đáng kể cho Kiev.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, người đã đến gặp ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tuần trước, loại trừ khả năng Washington sẽ "bỏ rơi" Ukraine.
"Tôi không nhìn thấy khả năng Mỹ sẽ rút lui", bà Meloni khẳng định trong cuộc họp báo ngày 9/1. Thủ tướng Ý nói thêm rằng ông Trump đã chứng minh khả năng kết hợp ngoại giao với răn đe.
"Về hòa bình, ông Trump có thể đang tiến tới một giải pháp, nhưng tôi không nghĩ điều đó có nghĩa là bỏ rơi Ukraine", bà nói.
Thủ tướng Meloni gợi ý thêm rằng Ukraine sẽ phải nhận được các đảm bảo an ninh cụ thể trong bất kỳ thỏa thuận ngoại giao tiềm năng nào để chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra.
"Các đảm bảo an ninh là yếu tố cơ bản nếu chúng ta thực sự mong muốn có hòa bình ở Ukraine", bà Meloni nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky vẫn nỗ lực thuyết phục Washington và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tạo nên sự bảo đảm an ninh trong khung thời gian cụ thể, để Kiev có thể tham gia liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu
Tuy nhiên, cả Tổng thống Biden và ông Trump đều lưỡng lự với điều đó, kể cả một số nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý đưa quân đội châu Âu đến Ukraine để đề phòng Nga, nhưng không được châu Âu ủng hộ.
Ngày 9/1, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ "hoan nghênh" bất kỳ cách tiếp cận nào từ ông Trump và đã chuẩn bị cho việc đối thoại với Mỹ.
Mục tiêu chính của Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán nào là đạt được thỏa thuận mới nhằm bảo đảm Ukraine không bao giờ gia nhập NATO, và liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt sẽ rút lui khỏi một số khu vực ở sườn đông, một quan chức Nga cho biết.
Các quan chức phương Tây, trong đó có Tổng thư ký NATO Mark Rutte, vẫn đang nỗ lực nhấn mạnh với ông Trump về tầm quan trọng của việc đảm bảo “hòa bình thông qua sức mạnh” ở Ukraine và tránh để Kiev thất bại. Họ cho rằng thất bại của Ukraine sẽ càng khuyến khích Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.
Tú Linh
Theo FT