Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz nhận trách nhiệm hoàn toàn về vụ việc
Tiết lộ gây sốc
Hiện chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra và các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định trong vài ngày tới. Một quan chức cấp cao đã thông tin với tờ Politico rằng, họ đang thảo luận về các biện pháp đối với ông Waltz, sau khi có báo cáo vị cố vấn hàng đầu này đã vô tình đưa nhà báo Jeffrey Goldberg - Tổng Biên tập Tạp chí The Atlantic vào một cuộc thảo luận về biện pháp quân sự đối với lực lượng Houthi. “Một nửa trong số họ nói rằng ông ấy không thể tiếp tục tại vị” - một quan chức được ẩn danh cho biết. Hai trợ lý cấp cao của Nhà Trắng đã đưa ra ý kiến ông Waltz nên từ chức để tránh việc Tổng thống Trump bị đưa vào thế khó. “Thật liều lĩnh khi không kiểm tra xem ai đang tham gia trò chuyện trong nhóm. Và càng liều lĩnh hơn khi thảo luận về chuyện đó trên ứng dụng Signal. Với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia, bạn không thể bất cẩn như vậy” - vị quan chức này cho biết. Một nhân vật thân cận với Nhà Trắng còn thẳng thắn hơn: “Mọi người trong Nhà Trắng đều đồng tình về nhận định: Mike Waltz là gã ngốc chết tiệt!”.
Nguồn cơn bắt đầu từ việc nhà báo Jeffrey Goldberg nhận được lời mời tham gia nhóm chat Signal (một ứng dụng nhắn tin được mã hóa) từ nick name “Mike Waltz” vào ngày 11-3. Sau đó, ông được đưa vào một cuộc trò chuyện có tên là “Nhóm nhỏ PC của Houthi” cùng với các quan chức chính quyền cấp cao khác bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, Phó Tổng thống JD Vance, Giám đốc Tình báo quốc gia Tulsi Gabbard và một số người khác. “Quan chức trong chính quyền ông Trump đưa tôi vào một cuộc trò chuyện nhóm - nơi thảo luận về các cuộc tấn công quân sự sắp diễn ra ở Yemen. Tôi không nghĩ điều đó là sự thật. Khoảng 14h ngày 15-3-2025, Mỹ ném bom các mục tiêu của Houthi trên khắp Yemen. Tuy nhiên, 2 giờ trước khi quả bom đầu tiên nổ, tôi đã biết thông tin về cuộc tấn công này. Lý do là bởi Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã gửi vào nhóm về kế hoạch tấn công, bao gồm thông tin vũ khí, mục tiêu và thời gian” - nhà báo Jeffrey Goldberg tiết lộ.
Ảnh chụp màn hình nhóm chat mật có tên “Houthi PC small group” do tạp chí The Atlantic công bố
Tranh cãi về “số phận” của Cố vấn an ninh quốc gia
Một nguồn tin cho biết, Tổng thống Donald Trump đã trao đổi với ông Waltz về sự việc và Nhà Trắng hiện vẫn đứng về phía ông. “Như Tổng thống Trump đã nói, các cuộc tấn công vào Houthi rất thành công và hiệu quả. Tổng thống vẫn hoàn toàn tin tưởng đội ngũ của mình, bao gồm cả Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz” - Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói.
Một quan chức Nhà Trắng khác nói rằng, có áp lực nội bộ buộc ông Waltz phải thừa nhận sai sót, điều này có thể dẫn đến khả năng ông phải từ chức. Tuy nhiên, tương lai của ông Waltz phần lớn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của Tổng thống Donald Trump về sự việc và lưu ý đến sự tham gia của các quan chức khác trong cuộc trò chuyện nhóm nói trên. Tổng thống Trump có thể cáo buộc ông Waltz vì làm tổn hại đến an ninh quốc gia, cũng như bày tỏ thất vọng với ông Vance vì đã vượt qua lằn ranh chính sách đối ngoại trong cuộc trò chuyện, hoặc chỉ trích ông Hegseth vì bị cáo buộc chia sẻ thông tin nhạy cảm. Trong khi đó, những người chỉ trích ông Waltz, đặc biệt là nhóm bảo thủ theo chủ nghĩa biệt lập, đã lên tiếng nghi ngờ về mối quan hệ tân bảo thủ của ông, gây áp lực về việc ông phải từ chức.
Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz đã từng tham mưu cho cựu Phó Tổng thống Dick Cheney về chống khủng bố. Nhưng, giống như Ngoại trưởng Marco Rubio, trong những năm gần đây ông Waltz đã thay đổi quan điểm chính sách đối ngoại của mình để phù hợp hơn với cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết”. Những lo ngại đó đã lan rộng trên mạng xã hội sau khi nhóm bảo thủ theo chủ nghĩa biệt lập đặt câu hỏi: Tại sao ông Waltz lại có số điện thoại di động của Tổng Biên tập tờ Atlantic? Họ cho rằng đó là bằng chứng ông Waltz có cảm tình với phe tân bảo thủ.
Sự việc cũng gây ra mối lo ngại trong Quốc hội. Nghị sĩ Don Bacon thuộc đảng Cộng hòa, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện cho rằng, việc chia sẻ thông tin nhạy cảm qua mạng không đảm bảo an toàn là “vô lương tâm”. Ngày 27-3, Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ xác nhận đã yêu cầu Bộ Quốc phòng điều tra về vụ việc. Trong thư gửi quyền Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger Wicker - Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, cùng Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed đã yêu cầu điều tra về vụ việc này và đánh giá mức độ tuân thủ các chính sách về chia sẻ thông tin nhạy cảm.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, sự việc này sẽ không dẫn đến hậu quả chính trị lớn. Một quan chức cho biết: “Tôi không nghĩ đây là vấn đề đối với Tổng thống hay chính quyền, ngoại trừ khả năng ông Waltz sẽ mất chức”. Một số thành viên đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol hy vọng ông Waltz sẽ giữ được vị trí. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho rằng: “Ông ấy hoàn toàn không nên từ chức. Ông ấy có đủ năng lực và tôi hoàn toàn tin tưởng ông ấy”.
Về phần mình, Cố vấn An ninh quốc gia Waltz cho biết sẽ “chịu trách nhiệm hoàn toàn” về vụ việc. Ông đồng thời khẳng định không quen biết và chưa từng gặp hay liên lạc với nhà báo Goldberg. Ông Waltz cũng giải thích rằng, sự cố này có thể là do ông vô tình lưu số điện thoại của nhà báo Goldberg dưới một tên khác.
Theo Politico
Thu Nguyên
Theo Politico