Tiên phong “gieo hạt nông nghiệp số”
Bình Phước hiện có hơn 45 chủ trang trại áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, họ là những người trẻ sinh ra từ làng quê, quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp, góp sức vẽ nên bức tranh kinh tế nông nghiệp Bình Phước ngày càng tươi sáng, hiện đại hơn. Có được thành quả này là cả một quá trình thay đổi tư duy nông nghiệp, bản lĩnh, thức thời, bước qua những lằn ranh cũ để đi tìm cái mới, nắm bắt cơ hội và mạnh dạn đón đầu thời cơ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền tham quan vườn lan mokara tại trang trại Sunfarm, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú - Ảnh tư liệu
Hợp tác xã (HTX) sản xuất - thương mại - dịch vụ Thành Phương, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ vào trồng hoa chất lượng cao với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Trên diện tích nhà lưới 8.000m2, gần 50.000 cây hoa lan nhập khẩu từ Thái Lan đua nhau khoe sắc. Những chuỗi hoa đỏ, tím đều đặn, rực rỡ trong nắng xuân khiến khung cảnh nơi đây thật nên thơ, tươi đẹp. “Đầu tư ban đầu khá lớn nhưng vòng đời của dòng lan mokara ren red rất dài. Cây có vòng đời từ 12-15 năm tùy quy trình chăm sóc và các công nghệ mà chúng ta áp dụng” - anh Đỗ Văn Hòa, quản lý trang trại Sunfarm - HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ Thành Phương cho biết.
Lan Mokara tím và hoàng tử đỏ Renred - những dòng hoa chủ lực phục vụ thị trường tết Ất Tỵ 2025 của trang trại hộ anh Đỗ Văn Hòa ở huyện Đồng Phú
Hoạt động với phương châm “nông nghiệp xanh, sạch”, HTX vừa sản xuất vừa nghiên cứu, nhằm hướng tới xây dựng chuỗi giá trị nông sản công nghệ cao kết hợp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp xanh. HTX ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại như: Công nghệ nhà màng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, máng thu hồi nước, hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel… giúp vườn lan trổ hoa quanh năm.
Thiết bị chăm sóc cây trồng thế hệ mới nhất đã có mặt tại Gia Bảo Ecofarm, xã Phước Tín, thị xã Phước Long
Gia Bảo Ecofarm ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long từ lâu đã là điểm đến của nhiều nhà nông khi mô hình canh tác số với những thiết bị phục vụ canh tác vườn sầu riêng thế hệ mới nhất đã được chủ nhân trang trại đưa vào sử dụng. Là một trong những sáng lập viên của HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ Gia Bảo Ecofarm là người tiên phong xây dựng mô hình “Trạm dự báo thời tiết cá nhân”. Mô hình này giúp nông dân có thể quan sát thời tiết để cài đặt chế độ phun thuốc, bón phân, tưới nước... phù hợp. Đặc biệt sắp tới, Gia Bảo Ecofarm đưa vào vận hành máy Drone thế hệ mới để chăm sóc vườn sầu riêng, đó là dòng máy bay nông nghiệp XAG P150. Chiếc máy có sở hữu 4 chức năng: phun thuốc, gieo rải, vận chuyển hàng hóa và thiết lập bản đồ 3D, thậm chí còn tự động tránh vật cản hoặc nhờ vào bộ điều khiển thông minh.
Những thiết bị máy móc thế hệ mới nhất đã có mặt tại Gia Bảo Ecofarm của anh Nguyễn Minh Hiếu
“Đắt xắt ra miếng - chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng bù lại, chúng tôi quản lý trang trại của mình rất hiệu quả lại tiết giảm được rất nhiều chi phí. Với chiếc Drone thế hệ mới XAG P150, tôi chỉ cần đào tạo 2 nhân công phụ trách điều khiển, họ có thể đảm đương nhiệm vụ chăm sóc 30 ha sầu riêng mà tỷ lệ hao hụt vật tư lại rất thấp” - anh Hiếu cho biết.
Tương lai của ngành nông nghiệp Bình Phước
Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, nông nghiệp là một trong 9 ngành, lĩnh vực ưu tiên chọn để chuyển đổi số đến năm 2025. Nghị quyết số 04 nhấn mạnh: Chuyển sang áp dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động chăn nuôi, trồng trọt sẽ giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp với hiệu quả và chất lượng cao, tiết kiệm chi phí cũng như thân thiện với môi trường, nông nghiệp thông minh chính là “chìa khóa” để thúc đẩy hiệu quả nông nghiệp, đồng thời giúp giảm chi phí và tăng doanh thu. Công nghệ canh tác thông minh có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại và sẽ giúp ngành nông nghiệp Bình Phước định hình hướng phát triển trong tương lai. Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.
Mặc dù Bình Phước đa dạng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, số lượng mô hình hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đặt ra từ Nghị quyết số 04. Một phần nguyên nhân do năng lực sản xuất của nông dân còn nhiều hạn chế. Người sản xuất nông sản hàng hóa còn làm theo cách truyền thống, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn và kỹ năng công nghệ. Theo anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, việc phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất rất quan trọng. “Hiện nay, công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ, chúng ta nên tận dụng những ưu điểm của các loại công nghệ này để giải quyết những khó khăn trong sản xuất. Với một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp như Bình Phước, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất sẽ giúp nền nông nghiệp chuyển mình từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp thông minh” - anh Hoàng chia sẻ.
Để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp thông minh, lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp cần có những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao; từ đó huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh; đồng thời hình thành mạng lưới doanh nghiệp, công nghệ số, dịch vụ đầu tư phục vụ nông nghiệp và nông thôn thông minh; thúc đẩy hợp tác giữa ngành nông nghiệp và công nghệ thông tin để nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh. Có như vậy, Bình Phước mới có thể “về đích” mục tiêu hiện đại hóa nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Hưng Cát