Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đặt ra một trong những mục tiêu đến năm 2025 là: 100% các đại học, học viện, trường đại học có ít nhất 05 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm
Thực tế cho thấy, hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của cơ sở giáo dục đại học còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Nhân dịp đầu Xuân 2025, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi, chia sẻ với lãnh đạo, cán bộ trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của một số cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Công thương về những kỳ vọng, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Hoạt động sinh viên khởi nghiệp giúp nâng cao chuẩn đầu ra
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đổi mới Sáng tạo khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, và là Trưởng Cộng đồng Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ sinh thái Ecotech - Techfest Việt Nam đánh giá, các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên giúp quá trình học của các em được toàn diện hơn về kỹ năng và kiến thức nền tảng.
Cụ thể, các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên giúp trang bị kỹ năng bán hàng, giao tiếp, quản lý thời gian, trình bày, tinh thần lãnh đạo, quản lý tài chính cá nhân và làm việc nhóm.
Sinh viên khởi nghiệp tạo môi trường đối chiếu giữa kiến thức lý thuyết và thực tế; giúp sinh viên trải nghiệm hành trình xây dựng và vận hành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động sinh viên khởi nghiệp giúp cho các em tập trung vào mục tiêu và khai thác triệt để các nguồn lực, tiềm năng của bản thân và mạng lưới các mối quan hệ chất lượng.
Cùng chia sẻ, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nếu cơ sở giáo dục đại học thúc đẩy được hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên, các em sẽ có kỹ năng tư duy, tự chủ, tự lập, từ đó sau khi tốt nghiệp có thể làm chủ được công việc, cuộc sống. Điều này cũng cho thấy nhà trường thực hiện được cam kết tạo việc làm đầu ra cho sinh viên.
Đồng thời, thông qua những hoạt động sinh viên khởi nghiệp cũng giúp hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường được triển khai thực tế, nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra.
Cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp như thế nào?
Bắt nhịp xu hướng mới, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đang định hướng xây dựng trường đại học nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo có vị thế trên thế giới và tiên phong trong lĩnh vực công thương.
Trong năm học 2024-2025, tổng kinh phí đầu tư cho các đề tài nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh là 1,285 triệu đồng, tăng 1,45 lần so với năm 2023-2024.
Cô Thoa cho biết, để xây dựng trường đại học đổi mới sáng tạo thì ngoài sứ mạng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhà trường phải chú trọng đến hoạt động đổi mới sáng tạo; đồng thời đưa các kết quả nghiên cứu khoa học được triển khai vào thực tế.
Cũng theo cô Thoa, nhà trường tạo môi trường để sinh viên hiện thực hóa ý tưởng, kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế có ý nghĩa quan trọng. Cụ thể, nhà trường đào tạo, trang bị kiến thức kỹ năng cho sinh viên để các em phát huy tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề,...
Ngoài ra, nhà trường cũng có chương trình hoạt động giao lưu, truyền cảm hứng, tọa đàm, hội thảo kết nối để sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa ý tưởng khởi nghiệp đến thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng thành lập các câu lạc bộ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp; xây dựng không gian sáng tạo để hỗ trợ sinh viên có địa điểm sinh hoạt, nghiên cứu; trang bị các thiết bị nghiên cứu, phòng lab.
Đặc biệt, nhà trường cũng có chương trình hỗ trợ cho sinh viên kết nối với các nguồn lực, quỹ đầu tư tài trợ dự án sau cuộc thi khởi nghiệp.
“Năm 2024, nhà trường đã chọn ra 5 dự án sau cuộc thi khởi nghiệp của trường để tham gia vào dự án khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo theo Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực tế, các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên ở giai đoạn đầu rất cần đến chính sách tiền ươm tạo hỗ trợ để thử nghiệm nghiên cứu.
Những năm trước, nhà trường cũng có kinh phí hỗ trợ ban đầu cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên”, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa chia sẻ.
Còn tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ cung cấp nhiều dịch vụ, hoạt động hỗ trợ đối với sinh viên khởi nghiệp.
Cụ thể, theo chia sẻ của cô Phượng, trung tâm tạo ra một môi trường khuyến khích sự sáng tạo và khởi nghiệp bằng cách cung cấp không gian làm việc chung, phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo mẫu, và các nguồn lực hỗ trợ khác thông qua các hoạt động ký kết phối hợp cùng các doanh nghiệp, tổ chức có cam kết đồng hành.
Trung tâm đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia trong lĩnh vực, tạo ra một mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp mạnh mẽ. Doanh nghiệp đặt hàng, sinh viên nghiên cứu và chuyển giao cùng với sự hướng dẫn của giảng viên, sản phẩm mới – công nghệ mới được tham gia các cuộc thi khởi nghiệp các cấp.
Trung tâm thường xuyên tổ chức các sự kiện như hội thảo, workshop, cuộc thi khởi nghiệp, gặp gỡ nhà đầu tư, nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và tạo cơ hội cho các dự án được kết nối và phát triển.
Chia sẻ thêm đến mảng đào tạo, cô Phượng cho biết, trung tâm cung cấp các chương trình đào tạo, huấn luyện về kỹ năng khởi nghiệp, quản lý dự án, lập kế hoạch kinh doanh, marketing, gọi vốn,...
Bên cạnh đó, trung tâm còn có đội ngũ tư vấn giàu kinh nghiệm để hỗ trợ các dự án từ giai đoạn ý tưởng đến khi thành lập doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo được tổ chức theo hình thức mới lạ, hấp dẫn với các kỹ thuật gamification (game hóa hoạt động đào tạo) và facilitation (kiến tạo môi trường học tập) để giúp các em được tiếp cận kiến thức quản trị doanh nghiệp với những trải nghiệm thực tế nhất từ doanh nghiệp.
Trung tâm có thể hỗ trợ kết nối để tìm kiếm nguồn tài chính cho các dự án tiềm năng thông qua các quỹ đầu tư, chương trình tài trợ, hoặc kết nối với các nhà đầu tư bên ngoài. Đồng thời, trung tâm hỗ trợ các dự án về các vấn đề pháp lý liên quan đến thành lập doanh nghiệp, bảo vệ sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền,... khi tham gia hoạt động khởi nghiệp - “đây là những điều rất quan trọng mà sinh viên đôi khi không đủ kiên trì, kiến thức, tầm nhìn, dễ bỏ sót, tạo thành rủi ro pháp lý trong tương lai”, cô Phượng chia sẻ.
Ngoài ra, các ý tưởng, nghiên cứu, sản phẩm đã được Trung tâm hỗ trợ có thể tiếp tục được kết nối chuyển giao đến doanh nghiệp các tỉnh thành thông qua các hoạt động kết nối giao thương và hỗ trợ khởi nghiệp tại các tỉnh thành.
Thiếu nhiều nguồn lực hỗ trợ đầu tư lâu dài để sinh viên nghiên cứu
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp đã được cơ sở giáo dục đại học quan tâm nhưng còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhà trường có nhiều thuận lợi từ việc thực hiện Quyết định số 1665 và mới đây nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nhân lực để triển khai.
Sinh viên Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu sản xuất nui ăn liền. Ảnh: Website nhà trường
Theo cô Thoa, việc lựa chọn người phụ trách phải là người dám nghĩ, dám làm và dành thời gian để làm thì những hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp mới hiệu quả.
"Việc xây dựng một đội nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo mạnh trong sinh viên chưa đáp ứng kỳ vọng, thiếu ổn định và cần thời gian. Do đó, cán bộ giảng viên khi hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp phải kiên nhẫn và có giải pháp để kết nối các thành viên trong đội nghiên cứu của sinh viên.
Kinh phí hỗ trợ giai đoạn đầu cho sinh viên nghiên cứu là điều kiện quan trọng. Đi liền với đó là cam kết của lãnh đạo trường trong việc đầu tư chính sách hỗ trợ lâu dài để sinh viên nghiên cứu cũng cần linh hoạt, đột phá", cô Thoa cho biết.
Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho hay:
Thứ nhất, nhận thức về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, đặc biệt là trong sinh viên và giảng viên đôi khi chưa đầy đủ và sâu sắc. Nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại rủi ro khi khởi nghiệp, đặc biệt là trong môi trường học đường.
Thứ hai, khó khăn về nguồn lực tài chính. Nội tại trung tâm chưa có nguồn lực tài chính và cơ chế pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư vào các dự án khởi nghiệp của sinh viên mà mới dừng lại ở các hoạt động kết nối và tìm kiếm nguồn lực về vốn từ bên ngoài. Nguồn lực về cơ sở vật chất cũng còn những hạn chế nhất định về phòng nghiên cứu, không gian làm việc chung và phòng phát triển mẫu, phòng thí nghiệm, đo kiểm,...
Thứ ba, trung tâm chưa xây dựng mạng lưới kết nối đủ lớn đến cộng đồng khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố - "đây là nội dung mà trung tâm sẽ tập trung cải thiện nhiều hơn trong năm 2025", cô Phượng cho biết.
Kỳ vọng và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
Năm 2025 là năm thực hiện mục tiêu 100% các đại học, học viện, trường đại học có ít nhất 05 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm (theo Quyết định số 1665). Lãnh đạo, cán bộ trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp kỳ vọng năm 2025 sẽ kiến tạo thật nhiều giá trị cho hoạt động khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Cô Thoa chia sẻ, trung tâm sẽ thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ trong triển khai hoạt động, bám sát định hướng, xu hướng mới để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo, đổi mới trong sinh viên; liên kết để sinh viên tiếp cận hệ sinh thái khởi bên ngoài trường, từ đó tận dụng nguồn lực, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhà trường.
“Đối với trường đại học đa ngành, sinh viên có thuận lợi là khả năng liên kết giữa sinh viên của nhiều ngành học đa dạng với nhau trong một đội nghiên cứu, từ đó tạo ra sản phẩm tốt. Nhưng đối với những cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành ít đa dạng hơn thì cũng khó khăn trong nghiên cứu, tạo sản phẩm. Do đó, đòi hỏi cần có sự liên kết đa ngành với nhau trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học thì khó hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp. Chính vì thế, nhà trường sẽ kết nối các nguồn lực từ doanh nghiệp, tập đoàn, trung tâm ngoài trường, và từ địa phương,... để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong sinh viên lên một tầm cao mới”, cô Thoa chia sẻ.
Lễ Tổng kết INNOGREENLIFE2023” và khởi động giải Cuộc thi “INNOGREENLIFE2024 - Đổi mới sáng tạo vì cuộc sống Xanh tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)
Bày tỏ mong muốn và đề xuất giải pháp nhằm tạo hiệu quả cao đối với hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, cô Phượng chia sẻ, thứ nhất, trung tâm cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn từ doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, các chương trình tài trợ trong và ngoài nước; xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư minh bạch và hấp dẫn; thành lập quỹ riêng dành cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên, có thể sử dụng một phần lợi nhuận từ các hoạt động chuyển giao công nghệ để tái đầu tư.
Thứ hai, xây dựng không gian làm việc chung hiện đại, trang bị đầy đủ thiết bị, kết nối internet tốc độ cao, tạo môi trường làm việc sáng tạo và chuyên nghiệp.
Cần đầu tư vào các phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo mẫu với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các dự án khởi nghiệp. Có thể đồng thời thực hiện phối kết hợp các các khoa, phòng ban để tổ chức thực hiện với một chính sách và mục tiêu rõ ràng đồng thời mời các doanh nhân thành đạt tham gia vào hoạt động của trung tâm với vai trò là cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối mạng lưới, qua đó xây dựng các hoạt động định kỳ, thường xuyên cho sinh viên và giảng viên.
Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên thực tập, tham quan, học hỏi kinh nghiệm và kết nối việc làm, học tập bài học khởi nghiệp từ thực tiễn,...
Thứ ba, về hợp tác và kết nối giao thương, Trung tâm tăng cường hợp tác với các vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức xã hội,... để tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm. Mở rộng hợp tác với các trường đại học, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi mô hình thành công từ các nước.
Thứ tư, về hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, trung tâm xây dựng cơ sở dữ liệu về các kết quả nghiên cứu khoa học của trường để kết nối với nhu cầu của doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm, công nghệ theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
"Bằng việc triển khai đồng bộ các đề xuất trên, tôi tin rằng vai trò và hiệu quả hoạt động của trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp nói chung và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẽ được nâng cao, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên và giảng viên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam bằng phát triển khoa học công nghệ và phát triển bền vững", cô Phượng chia sẻ.
Ngọc Mai