Ảnh minh họa.
Đây là một trong những nội dung trong công văn số 1638/UBND – ĐT vừa được UBND TP. Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư đối với tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Gia Bình với Thủ đô Hà Nội.
Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Gia Bình với Thủ đô Hà Nội có điểm đầu từ Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đến điểm cuối tại nút giao tuyến đường kết nối đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Vành đai 3 TP. Hà Nội, tổng chiều dai tuyến khoảng 35,43 km.
Đoạn tuyến từ Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đến cầu Kênh Vàng đi Hải Dương sẽ thực hiện theo 1 dự án đầu tư riêng của tỉnh Bắc Ninh.
Trên địa bàn TP. Hà Nội, tuyến có chiều dài 14 km, chiều rộng mặt cắt ngang 120 m, trong đó đoạn từ ranh giới Bắc Ninh - Hà Nội đến nút giao giữa Vành đai 3 của TP. Hà Nội với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn dài 7 km sẽ thực hiện xây mới.
Đoạn từ nút giao giữa Vành đai 3 của TP. Hà Nội với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đến nút giao tuyến đường kết nối đường dẫn cầu Tứ Liên với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (đi trùng Vành đai 3 của TP. Hà Nội) dài 7 km sẽ được cải tạo từ quy mô mặt cắt ngang 35 m lên mặt cắt ngang 120 m.
Chi phí đầu tư dự kiến của đoạn 14 km qua địa phận TP. Hà Nội là 42.451 tỷ đồng gồm chi phí giải phóng mặt bằng 8.115 tỷ; chi phí xây dựng; tư vấn và khác 34.336 tỷ đồng.
Đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (từ Cảng hàng không quốc tế Gia Bình đến ranh giới Bắc Ninh - Hà Nội) dài 21,43 km, được xây dựng mới với mặt cắt ngang rộng 120 m. Đoạn tuyến này có chi phí đầu tư dự kiến là 28.699 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 7.199 tỷ; chi phí xây dựng; tư vấn và khác 21.500 tỷ đồng.
Quy mô giải phóng mặt bằng đoạn tuyến nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sẽ đúng theo quy mô ranh giới của tuyến đường với chiều rộng nền đường 120 m (không thực hiện giải phóng mặt bằng đồng thời 300 m – 400 m hai bên tuyến).
Tại công văn số 1638/UBND – ĐT, UBND TP. Hà Nội đề xuất phân chia thành 2 dự án thành phần.
Trong đó, Dự án thành phần 1 - Bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Hà Nội trong phạm vi ranh giới tuyến đường rộng 120 m được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8.115 tỷ đồng.
Ngân sách TP. Hà Nội sẽ chi trả toàn bộ cho chi phí giải phóng mặt bằng và không đưa vào giá trị Hợp đồng BT của Dự án thành phần 2.
Đối với dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng đoạn tuyến nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, UBND TP. Hà Nội đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo hình thức đầu tư công (không tính trong Dự án thành phần 2 thực hiện theo Hợp đồng BT) để đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ với dự án đầu tư công giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Hà Nội.
Dự án thành phần 2 - Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối Cảng hàng không quốc tế Gia Bình với Thủ đô Hà Nội được đầu tư theo phương thức PPP loại Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).
Phạm vi của Dự án thành phần 2 là từ nút giao với tuyến đường kết nối đường dẫn cầu Tứ Liên với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến Cảng hàng không quốc tế Gia Bình.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án thành phần 2 là 55.866 tỷ đồng (không bao gồm khoảng 7.199 tỷ đồng chi phí thực hiện giải phóng mặt bằng đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh).
Liên quan đến quỹ đất thanh toán cho Dự án thành phần 2, UBND TP. Hà Nội đề xuất ưu tiên sử dụng quỹ đất hai bên tuyến đường hoặc quỹ đất khác phù hợp với quy hoạch … trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh theo nguyên tắc quỹ đất trên địa bàn TP. Hà Nội dùng để thanh toán tương ứng cho giá trị thực hiện trên địa bàn TP. Hà Nội và quỹ đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dùng để thanh toán tương ứng cho giá trị thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị 2 bên tuyến đường với chiều rộng mỗi bên khoảng 300 m – 400 m, làm cơ sở để chuẩn bị quỹ đất đối ứng cho Dự án BT.
Hợp đồng BT sẽ được ký kết 3 bên, giữa UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh với nhà đầu tư được lựa chọn (đấu thấu rộng rãi hoặc chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù được cấp có thẩm quyền chấp thuận) sau khi hình thức Hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất có hiệu lực (từ 1/7/2025) và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức PPP về thực hiện dự án áp dụng loại BT được ban hành, có hiệu lực.
Anh Minh