Đầu tư chứng khoán, tìm nhóm ngành xuống tiền để nhận lì xì sau Tết

Đầu tư chứng khoán, tìm nhóm ngành xuống tiền để nhận lì xì sau Tết
7 giờ trướcBài gốc
Nhiều lực đẩy cho thị trường
Năm 2025, theo các chuyên gia phân tích, TTCK Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn khi các yếu tố vĩ mô và động lực nội tại được kỳ vọng tạo nên một giai đoạn phát triển mới.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ở câu chuyện vĩ mô, nhiều triển vọng đang được kỳ vọng, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực bước vào kỷ nguyên vươn mình để bứt phá. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng sẽ đạt mức cao nhờ 3 trụ cột chính: Đầu tư công, dòng vốn FDI và tiêu dùng nội địa.
Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.670 điểm trong kịch bản tích cực, tương ứng với mức tăng trưởng 32% so với năm trước. Ngược lại, trong trường hợp kém thuận lợi hơn, VN-Index sẽ dừng lại ở mức 1.340 điểm, tăng nhẹ 6% so với cuối năm 2024. Hai kịch bản này được xây dựng dựa trên các yếu tố vĩ mô, chính sách quốc tế và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở kịch bản tích cực, các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ bao gồm kỳ vọng nâng hạng thị trường và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo đó, Việt Nam có khả năng được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn dòng vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Ngoài ra, chỉ số EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) dự báo tăng 17% vào năm 2025 cũng là yếu tố thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, năm 2025 cần tăng tốc, bứt phá, tận dụng tối đa các nguồn lực của đất nước để phát triển đột phá, bền vững. Nhiệm vụ của ngành chứng khoán phải nỗ lực không ngừng đối với tất cả các thành viên trên thị trường, từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. “Chúng ta cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn”- ông Thắng nhấn mạnh.
“Hái lộc đầu Xuân” vào nhóm ngành nào?
Theo các chuyên gia phân tích, hiện, có hai trường phái đầu tư chính là đầu tư tăng trưởng và đầu tư giá trị cho cả phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.
Đầu tư tăng trưởng qua phân tích cơ bản là chọn những doanh nghiệp tăng trưởng với kỳ vọng lợi nhuận, quy mô tài sản, vốn chủ … đi lên và giá cổ phiếu sẽ phản ánh những yếu tố trên một cách bền vững.
Ông Đào Hồng Dương- Công ty VPBankS nhận định, đến giữa tháng 1/2025, mùa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết đã bắt đầu. Nhiều mã với vốn hóa rất hơn như BID, ACV, GVR, HDB, TPB, LPB, NAB hoặc nhóm dầu khí PVD, PVT hay nhóm midcap như DBC ... đều ghi nhận kết quả tích cực.
Trong hơn 50 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính, có ba điểm đáng chú ý. Thứ nhất, với vốn hóa 3 sàn khoảng 7,1 triệu tỷ đồng tại ngày 17/1, đối với các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh thì xu hướng tăng trưởng lợi nhuận là tích cực.
Tính riêng các mã có vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng, hiện đã có 33 mã công bố kết quả kinh doanh với tổng vốn hóa khoảng 1,4 triệu tỷ, chiếm 20% vốn hóa 3 sàn. Xét về số lượng doanh nghiệp thì ít, nhưng vốn hóa lại không hề nhỏ. Tổng mức lợi nhuận sau thuế năm 2024 của 33 doanh nghiệp này ước tính 104.641 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1%.
Thứ hai, ngành ngân hàng tiếp tục dẫn đầu, với tổng vốn hóa 578.139 tỷ đồng, chiếm 8,1% vốn hóa 3 sàn. Các ngân hàng đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý IV có tổng lợi nhuận sau thuế 67.120 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Kết quả này lớn hơn rất nhiều so với mức trung bình 9,1% của 33 mã ở trên.
Cuối cùng, phần lớn cổ phiếu vốn hóa lớn (hơn 10.000 tỷ đồng) có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. 13 mã vốn hóa lớn trên có tổng lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 84.035 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
“Đây làm mức tăng trưởng rất tích cực, có thể tạo biến động cho VN-Index trong khoảng thời gian ngắn hạn sắp tới. Tôi tin rằng việc có khoảng 20 – 30% vốn hóa thị trường ghi nhận kết quả kinh doanh tốt là tín hiệu mở đầu rất tươi sáng cho nhà đầu tư”- ông Dương phân tích.
Nói về vị thế kinh tế Việt Nam nói chung năm 2025 và cơ hội với chứng khoán nói riêng, ông Đào Hồng Dương cho rằng, sau Tết Âm lịch, VN-Index sẽ được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn. “Chúng tôi đánh giá rằng trong những ngành nghề dẫn dắt sẽ không thể thiếu nhóm ngân hàng. Dự phóng lợi nhuận của chúng tôi cho nhóm ngân hàng vẫn duy trì như đầu năm, ở mức khoảng 15% cho năm 2024 và hơn 17% cho năm 2025”- phân tích của chuyên gia Chứng khoán VPBank cho biết.
Những ngành có mức độ tương đối chắc chắn về khả năng lợi nhuận tăng tích cực bao gồm thép, bán lẻ, thực phẩm đồ uống, chứng khoán … Đối với bất động sản dân cư, kỳ vọng mức tăng trưởng năm 2024 sẽ thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Phần kỳ vọng tăng trưởng mạnh sẽ được đặt vào năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ngành xây dựng đang có biến động tích cực, đặc biệt ROE, ROA đang có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái Tuy nhiên, với ngành này, nhà đầu tư cần chọn lọc cổ phiếu, bởi sự phục hồi hoạt động kinh doanh vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, phụ thuộc nhiều vào các khoản hoàn nhập, thu nhập khác.
Ngành thực phẩm đồ uống được đánh giá tích cực. ROE vẫn ổn định, ghi nhận tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng cá nhân và tiêu dùng; y tế cũng được đánh giá tích cực.
Bán lẻ được đánh giá rất tích cực. Du lịch giải trí phục hồi tích cực, với ROE 2023 âm, nhưng năm nay phục hồi mạnh, chuyển từ mức âm sang dương với tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao. Dịch vụ tài chính và ngân hàng được đánh giá tương đối tích cực.
Chứng khoán VPBank dự báo một số ngành nghề sẽ dẫn dắt sự phục hồi của VN-Index, trong đó phải kể đến ngân hàng, tài nguyên cơ bản, thực phẩm đồ uống, bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, hóa chất, ….
Song Anh
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/dau-tu-chung-khoan-tim-nhom-nganh-xuong-tien-de-nhan-li-xi-sau-tet-135866.html