Mục tiêu của đề án là hướng đến chỉ số GDP năm nay từ 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD. Cùng với đó, GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ.
Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Kinh tế nhận định, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức. Ở bên ngoài, các yếu tố bất định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của nước ta. Trong nước, đầu tư tư nhân tuy phục hồi nhưng vẫn còn thấp so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Đáng chú ý, kinh tế Việt Nam tháng đầu năm chưa có nhiều khởi sắc khi chỉ ghi nhận 58.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp. Các chỉ số này cho thấy điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam bị thu hẹp.
Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công. Quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 159/2024/QH15, chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.
Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 9
Bên cạnh đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới để kịp thời phản ứng chính sách, đặc biệt trong điều kiện xung đột địa chính trị diễn ra nhiều nơi trên thế giới, chiến tranh thương mại, chính sách bảo hộ của các nước lớn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng, vì vậy cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công. Do đó, Chính phủ cần bảo đảm giải ngân được số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung thêm trong bối cảnh đây vẫn là khâu yếu kéo dài nhiều năm. Cùng với đó, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn công phải thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.
Mặt khác, có giải pháp cụ thể, thực chất, hiệu quả để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến, nâng cao năng suất lao động.
Đồng thời, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm hiệu quả việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; không để xảy ra gián đoạn công việc hoặc làm ảnh hưởng đến người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chú ý vấn đề tăng năng suất lao động, chính sách an sinh xã hội. Có cơ chế, chính sách thực chất, hiệu quả bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.
Thanh An